Nam thanh niên 20 tuổi nhập viện vì tắc ruột, bác sĩ khuyến cáo sở thích uống trà sữa của giới trẻ

Mới đây, trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ về trường hợp một người bị tắc ruột do thường xuyên uống trà sữa. Bác sĩ cũng xác nhận có trường hợp này.
21/08/2019 10:10
tra sua

Tắc ruột do trà sữa

Theo đó, Facebooker này có người nhà phải nhập viện với các triệu chứng đau bụng, không ăn được và nôn. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị tắc ruột do bã thức ăn không tiêu, dai như cao su và xuất hiện dịch ổ bụng. Bệnh nhân được cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Thông tin trên nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang, đặc biệt là các tín đồ của trà sữa trân châu.

Bác sĩ Trần Thanh Tùng – Phó trưởng đơn vị ngoại, Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng xác nhận ngày 19/08, tại các bác sĩ của trung tâm này cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nhật L. 20 tuổi, trú tại Hạ Hòa - Phú Thọ trong tình trạng đau bụng nhiều, nôn, bụng chướng, chụp cắt lớp có hình ảnh tắc ruột, siêu âm các quai ruột giãn to.

Bệnh nhân L. đã bị  đau bụng âm tỉ cách đây khoảng 20 ngày và khoảng 6 ngày trở lại đây đau dữ dội, được người nhà đưa tới bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị không đỡ, bệnh nhân L. được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán  bệnh nhân L. bị tắc ruột do bã thức ăn.

Theo người nhà của Nhật L. cô  có thói quen ăn uống không khoa học, thương xuyên uống trà sữa, bỏ cơm.

Các bác sĩ phải tiến hành mổ dạ dày, mở ruột lấy 2 khối bã thức ăn to trong dạ dày và ruột non. Bác sĩ Tùng cho biết trường hợp của Nhật L. nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc cao, hoại tử ruột, suy đa tạng và gây nguy hại đến tính mạng.

Trước đó một bé gái 14 tuổi ở Chiết Giang, Trung Quốc cũng phải nhập viện vì nghiện trà sữa, uống một lượng trà sữa lớn và bé gái nhập viện trong tình trạng khó tiêu do có hàng trăm viên trân châu trong bụng.

Nhiều ảnh hưởng tới sức khoẻ

PGS Nguyễn Duy Thịnh – nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho biết trà sữa trân châu là món khoái khẩu của giới trẻ. Tuy nhiên, trà sữa trân châu cũng là thực phẩm chứa nhiều chất không tốt cho sức khoẻ đặc biệt là hàm lượng đường trong sản phẩm này cao.

Các hạt trân châu trong trà sữa được làm từ bột sắn, dẻo, dai khiến cơ thể rất khó tiêu hóa nên khi sử dụng với khối lượng nhiều có thể gây hại cho hệ tiêu hoá với công suất làm việc quá tải. Đặc biệt, một số người bán trà sữa trân châu có thể thêm chất làm đặc, chất bảo quản vào trân châu nên việc phải tiêu hóa liên tục các thành phần như vậy có thể dẫn đến rối loạn chức năng dạ dày, ruột.

Hàm lượng đường, calo trong trà sữa cao là nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì ở nhiều người trẻ. Mỗi hạt trân châu làm từ tinh bột và đường cô đặc nên hàm lượng năng lượng của nó rất cao nhưng lại thiếu vitamine và khoáng chất. Nếu sử dụng hàng ngày tăng nguy cơ béo phì và thiếu hụt vitamine, khoáng chất cho sự phát triển của cơ thể. Đặc biệt là ở tuổi dậy thì, tiền dậy thì, thanh thiếu niên, đây là tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển.

Không những thế, thành phần chủ yếu của trà sữa là dầu thực vật hydro hóa, một loại axit béo dạng trans. Loại axit này sẽ làm giảm lượng hormone nam giới, khống chế sức sống của tinh trùng và không tốt cho nam giới.

PGS Thịnh cho rằng không chỉ trà sữa trân châu ở quán mà ngay cả tự làm trà sữa cũng đều không tốt và lạm dụng nó càng không tốt hơn. Mỗi người thi thoảng uống một ly trà sữa trân châu có thể không có tác động đến Sức Khỏe, nhưng món đồ uống này sử dụng hàng ngày thay cơm lại là vấn đề báo động. Chính vì thế, khi sử dụng trà sữa trân châu, PGS Thịnh khuyến cáo không dùng cho trẻ nhỏ, không dùng thay thế bữa chính ăn thay bữa cơm, rau xanh.

PV

 
comment Bình luận

largeer