2 ngày 1 cốc trà sữa, hai bàn tay của chàng trai 18 tuổi nổi nhiều cục u to như hạt đào

Tiểu Hải, 18 tuổi sống tại Quảng Đông, Trung Quốc phải nhập viện vì bị cơn gout cấp tính do uống quá nhiều trà sữa. Các khớp tay, chân nổi lên nhiều cục u sưng to khiến chàng trai không thể đi lại được.
09/10/2020 21:37

Bệnh viện nhân dân số 2, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) ghi nhận một trường hợp Tiểu Hải, 18 tuổi nhập viện với tình trạng tay chân có các cục nổi lên sưng to như hạt đào, vô cùng đau đớn và không thể đi lại.

Qua phỏng vấn, Tiểu Hải chia sẻ rằng mình không có sở thích gì khác, chỉ thích uống trà sữa: “Bình thường cứ 2 ngày uống một lần, có lúc 1 ngày một cốc”.

Bác sĩ điều trị chính Trịnh Tiểu Linh, khoa Miễn dịch thấp khớp giải thích rằng trà sữa mà Tiểu Hải uống là thức uống có hàm lượng đường cao. Sau khi thành phần fructose cao đi vào cơ thể, trong quá trình trao đổi chất sẽ tạo ra quá mức lượng axit uric. Từ đó sẽ hình thành bệnh gout. Còn các cục u màu trắng trên tay, chân Tiểu Hải là hạt tophi - triệu chứng nghiêm trọng của bệnh gout.

photo-1-16022075333741373081332-1602230369967-16022303712811259415701

Kiểm tra phát hiện axit uric trong máu rất cao, lên tới 900 µmol/l. Ngay lập tức chúng tôi đã bố trí các phương pháp điều trị chống viêm và hạ axit uric. Cậu ấy đã dần đứng được và đi lại. Thời gian tiếp theo chúng tôi tiếp tục tích cực cho bệnh nhân giảm axit uric và chữa các hạt tophi nhỏ lại, thậm chí biến mất”, bác sĩ Trịnh chia sẻ.

Thực tế, Tiểu Hải đã có tiền sử bệnh gout từ 4 năm trước nhưng anh không uống thuốc thường xuyên và không ăn kiêng. “Vì lúc đó bệnh chưa nghiêm trọng lắm nên bác sĩ kê đơn và dặn chú ý ăn uống. Sau đó tôi quên luôn lời dặn, cứ ăn uống tự do nên các hạt tophi trên tay, chân cứ lặng lẽ mọc lên. Giờ nghĩ lại, tôi thực sự hối hận”, Tiểu Hải nói.

Bệnh gout ngày càng trẻ hóa, tấn công các bạn trẻ sinh từ 2000 trở đi

Bác sĩ Trịnh cho biết độ tuổi khởi phát bệnh gout tiếp tục trẻ hóa, phổ biến hơn với nhiều trường hợp sinh sau 2000. Khi có biểu hiện đỏ, sưng, nóng, đau ở một khớp cần lưu ý, đó có thể là cơn gout cấp.

Bác sĩ giải thích thêm bệnh gout có liên quan đến các thói quen ăn uống hàng ngày, đặc biệt là chế độ ăn uống với thực phẩm nhiều purin, nhiều đường và ít vận động.

Các thực phẩm chứa nhiều purin là thịt đỏ, nội tạng động vật, lẩu... Purin vào cơ thể sẽ chuyển hóa và có sản phẩm sau cùng là axit uric. Nếu nạp nhiều purin mà thận không kịp đào thải, cơ thể sẽ tích tụ quá nhiều lượng axit uric, dần sẽ hình thành các tinh thể lắng đọng trên sụn khớp, gây viêm và đau tại chỗ.

Bên cạnh đó, đồ uống có đường và có ga cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh gout của người trẻ. Fructose được chuyển hóa thành chất nền để tổng hợp purin trong cơ thể, càng nhiều fructose nạp vào cơ thể, axit uric sẽ càng tăng cao.

Ngoài ra, công việc học tập nhiều, thời gian hoạt động giảm sẽ khiến con người ta tăng cân, quá trình trao đổi chất của cơ thể bị ảnh hưởng, dễ mắc béo phì, tăng lipid máu, tăng axit uric máu. Đây là những yếu tố dẫn đến bệnh gout.

Để phòng ngừa bệnh gout, cần chú ý một số điều sau

- Tập thể dục nhiều hơn.

- Thường xuyên uống nước: tốt nhất là nước lọc thường, uống từ 1500ml đến 2000ml mỗi ngày; tránh các loại trà mạnh, cà phê, đồ uống ngọt.

- Ăn nhiều rau xanh.

- Ăn ít đồ ngọt, thịt, nội tạng động vật, hải sản có hàm lượng purin cao.

- Không hút thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn như bia, rượu.

Theo Pháp luật bạn đọc

comment Bình luận

largeer