Ngày Hiến máu Thế giới 14/6: Sự tiếc nuối của người phụ nữ U60 có 21 lần hiến máu

Bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện từ năm 2014, cô Chu Minh Phương (60 tuổi), tổ dân phố Hoàng 8, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã có cho mình 21 Giấy chứng nhận hiến máu. Dù vẫn muốn gắn bó với hoạt động ý nghĩa này, nhưng cô Phương phải bùi ngùi chia tay vì độ tuổi của cô đã hết tiêu chuẩn được hiến máu.
14/06/2024 11:50

Chia sẻ với PV, cô Phương vẫn không khỏi suýt xoa tiếc nuối khi năm 2024 là năm cuối cùng cô được hiến máu. Cầm trên tay tờ Giấy chứng nhận lần hiến máu thứ 21, cô Phương vừa vui nhưng cũng đượm nét buồn khó tả. “Giá như giờ tôi mới 50 tuổi thì tốt biết mấy. Tôi mới hiến máu có 21 lần thôi, vẫn còn ít lắm. Sức khỏe của tôi vẫn tốt nhưng vì độ tuổi không cho phép. Cuối năm nay, tôi sẽ hiến máu tiếp một lần nữa rồi mới chính thức chia tay với hoạt động này”, cô Phương ngậm ngùi chia sẻ.

Tâm sự về quá trình đến với hiến máu nhân đạo, cô Phương nhớ lại: “Tôi rất hay đọc báo, tình cờ một lần đọc được thông tin Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đang rất cần nhóm máu O. Lúc này tôi cũng chưa biết bản thân nhóm máu gì, nhưng có cái gì đó thôi thúc tôi hãy đến Viện để tham gia hiến máu. Sau khi đến Viện, thực hiện các thủ tục kiểm tra sức khỏe để xác nhận có đủ điều kiện hiến máu hay không, tôi cũng khá bất ngờ khi biết bản thân mình là nhóm máu O. Khi đó tôi vui lắm, vì biết mình đã kịp thời cứu giúp người bệnh cần máu”.

cophuong

Cô Chu Minh Phương hiến máu lần thứ 21 tại chương trình Mùa hè nhân ái do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức

“Do là lần đầu tiên hiến máu, tôi rất hồi hộp, nhưng được sự động viên của các cháu tình nguyện viên và bác sĩ nên cũng cảm thấy thoải mái hơn phần nào. Từ sau lần đầu tiên đó, tôi đã hỏi bác sĩ về thời gian đủ cho lần hiến tiếp theo, và từ đó tôi đã đi hiến thường xuyên hơn”, cô Phương chia sẻ.

Theo đó, trong 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm 2 lần, cô Phương đều có mặt tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để tham gia hiến máu. Tuy nhiên, khi thấy cô tuổi đã cao mà vẫn đi hiến máu, đã có người khuyên cô nên nghỉ ngơi, đừng đi hiến máu nữa vì cũng lớn tuổi rồi, nhưng cô chỉ cười và đáp: “Tôi sẽ hiến máu đến khi đủ tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Còn về sức khỏe, tôi không cảm thấy mệt mỏi hay có vấn đề gì cả, tôi cảm thấy sức khỏe bình thường, ăn ngon, ngủ ngon. Giúp được người bệnh cần máu bằng hết khả năng của mình, đây cũng là niềm vinh dự của tôi khi về già”, cô Phương bộc bạch.

Không ai xa lạ, người đã từng ngăn cản cô, không đồng tình việc cô đi hiến máu chính là chồng của cô. Mặc dù cô đã giải thích về những lợi ích khi hiến máu nhưng đều không nhận được sự đồng thuận từ phía chồng. Lâu dần, cô cứ đi hiến đều đặn, nên chồng cô cũng quen, không còn nói thêm gì nữa. Trong khi đó, các con của cô Phương thì tuyệt đối ủng hộ quyết định của mẹ, và luôn động viên cô tích cực thực hiện những công việc mang ý nghĩa cho xã hội. 

Bản thân cô Phương cũng luôn tìm hiểu về những lợi ích của hiến máu để có thể trực tiếp tuyên truyền đến người thân hay bạn bè, hàng xóm xung quanh. Trong đó, cô cảm nhận rõ nhất, việc hiến máu đã giúp cơ thể có những trải nghiệm tâm lý và tinh thần thú vị. Không chỉ vậy, hiến máu cũng giúp cho cô cảm giác tự hào và hạnh phúc vì hành động của bản thân có thể cứu giúp tính mạng của ai đó. Phần máu khi hiến được tách thành nhiều thành phần theo nhu cầu của bệnh nhân. Các thành phần đó có thể được truyền cho những người nhận khác nhau. Không chỉ vậy, hiến máu là biểu hiện chứng tỏ sức khỏe tốt, chất lượng máu tốt. Đây đều là những lợi ích mà cô Phương cảm nhận rõ nhất khi trao đi giọt máu hồng cứu giúp người bệnh.

Ngoài tham gia hiến máu, cô Phương cũng ủng hộ một chút vật chất cho CLB Cơm yêu thương ở 879 Đê La Thành, Hà Nội. Theo cô chia sẻ, do bản thân vẫn đang bán hàng nên chưa có thời gian cũng như điều kiện để làm từ thiện nhiều. Khi có thể, cô cũng sẽ tích cực tham gia từ thiện để thỏa niềm mong ước bấy lâu nay.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer