Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh - 47 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục

Vào tối ngày 18/11, chúng tôi đến gõ cửa ngôi nhà có cánh cổng xưa cũ trong con ngõ nhỏ ở Tổ dân phố Phú Thứ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Cổng nhà được xây từ năm 1942 - nơi ấy in đậm dấu ấn của một làng quê yên bình đượm màu thời gian.
20/11/2023 18:03

Mở cửa đón chào chúng tôi là PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh, nguyên Trưởng Bộ môn Tài chính học, nguyên Trưởng khoa Tài chính - Ngân sách, Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) - một thầy giáo cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục.

Tuổi thơ ham học của cậu học trò nghèo mồ côi bố, mẹ đi bước nữa

Giọng nói ấm áp, rõ ràng, dáng đi thẳng lưng, đôi mắt sáng và tinh anh, hình ảnh người thầy giáo gần 80 tuổi ấy vẫn như ngày nào đứng trên bục cầm phấn viết bảng, miệng giảng bài cho học sinh.

Empty

PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh

PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh (SN 1945) tại Tổ dân phố Phú Thứ, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ông sinh ra đúng vào thời điểm cao trào của nạn đói lịch sử Ất Dậu năm 1945, cái đói bủa vây cuộc sống của ông và những con người miền Bắc. Năm 1947, bố ông và hai chú đi bộ đội và hy sinh trên chiến trường, mẹ đi bước nữa, ông ở với ông bà nội. Đến năm 1956, ông nội ông qua đời do cải cách oan sai, gia đình chỉ còn lại hai bà cháu dựa vào nhau để sống. Nạn đói đã qua đi, nhưng những tàn dư của nó vẫn còn để lại. Chứng kiến những đau thương, mất mát, ngay từ nhỏ, ông Chinh đã ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình, đất nước. Thương bà, cậu học trò nhỏ tích cực học tập với mong muốn thoát nghèo và cống hiến nhiều hơn cho quê hương. Những lúc không phải đến trường, ông thường phụ giúp bà với việc đi mò cua, bắt ốc, hái rau… Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến khi ông trưởng thành. Ý thức được nhiều hơn về cuộc sống, ông đã học cách kiếm sống bằng kinh tế để bà đỡ khổ và trang trải cho việc học của chính mình bằng việc đi hái lá bàng nhuộm chỉ, xe chỉ trăm đường nhiều màu sắc.

Cấp I (từ lớp 1 đến lớp 4) ông học ở trường làng. Nhờ học tập chăm chỉ cùng với nỗ lực của bản thân, ông là một trong số rất ít người làng thi đỗ vào lớp 5, bởi hồi đó thi rất khó. Từ cấp II (lớp 5 đến lớp 7), cấp III (lớp 8 đến lớp 10) ông học trường Nguyễn Huệ (trường điểm). Ông kể rằng: “Ngày xưa đi học rất xa, cứ vặt quả bưởi non nướng qua lửa cho mềm rồi vừa đi vừa đá chạy theo quả bưởi cho trôi thời gian nhanh để đi đến trường”. Ông cười hà hà khi kể về kỉ niệm đó. Ngày đó, ông là một trong số những người trong làng Tây Mỗ ngày xưa đỗ cấp III trường Nguyễn Huệ (Hà Đông).

Với niềm đam mê văn thơ, ông luôn ao ước học Sư phạm Văn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ bé, ông Chinh rất thích đọc sách, đặc biệt là những truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, truyện kiếm hiệp,... Ông thường có mặt ở thư viện đến trưa mới về. Ông cho biết: “Có lần do nấu cơm bằng rơm lại mải đọc sách, nồi cơm cháy đen mà ông không hề hay biết. Kiến thức trong sách mở ra cho tôi rất nhiều nguồn tri thức mới. Bởi với tôi ‘Tri thức chính là những trang giấy, trang sách, vì vậy cần phải đọc và học’. Văn hoá đọc luôn được tôi coi trọng từ những ngày đầu”. Niềm đam mê với tri thức chính là động lực lớn để ông đạt được những thành công như ngày hôm nay.

Đam mê là thế, nhưng cơ duyên lại đưa ông đi theo một con đường hoàn toàn khác, tưởng chừng đối lập với ước mơ của ông.

Với 36 năm giảng dạy, cống hiến thêm 11 năm đào tạo sau Đại học

Ở mỗi cương vị quản lý, vị trí công tác khác nhau, PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Là sinh viên Khóa II của Trường, ngay sau khi kết thúc 4 năm đại học, với kết quả xuất sắc, ông được giữ lại Trường làm giảng viên Bộ môn Tài chính học, Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội từ năm 1969. Với những đóng góp của mình trong công tác giảng dạy, ông được Khoa tín nhiệm và giao cho vị trí Phó trưởng bộ môn từ năm 1978, rồi tiếp tục đảm nhiệm Trưởng bộ môn Tài chính học từ năm 1982 đến năm 1989. Từ năm 1985 đến năm 1989, ông là Phó trưởng khoa kiêm Trưởng Bộ môn Tài chính học. Sau khi kết thúc quá trình học tập tại Liên Xô từ năm 1989 - 1992, về nước PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh đảm nhận công việc giảng dạy Bộ môn Lý thuyết Tài chính, Trưởng bộ môn, Phó Trưởng khoa khoa Tài chính Nhà Nước. Từ năm 1988, ông liên tục được cử đi giảng dạy cho các học sinh tại Lào. Ngoài ra, còn đào tạo sinh viên Lào sang Việt Nam học. Năm 1993, ông theo học một khóa đào tạo ngắn về Kinh tế thị trường tại Bộ Tài chính. Năm 1995, PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Tài chính - Lưu thông tiền tệ và Tín dụng tại Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội. Năm 2000 đến 2005, ông là Trưởng khoa khoa Tài chính công, Học viện Tài chính. Năm 2004, ông là Trưởng đoàn của Bộ Tài chính được cử đi Pháp tham gia dự án Tài chính công Việt - Pháp trong 13 ngày. Từ năm 2006 đến năm 2017, ông tiếp tục thực hiện đam mê với công việc giảng dạy của mình.

Empty

PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh khi thực hiện các công việc ký kết về tài chính

Trên cương vị quản lý, PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong việc tổ chức các hoạt động công tác của Bộ môn, của Khoa góp phần quan trọng vào việc nâng cao hoạt động công tác. Hàng năm, số giảng viên đạt danh hiệu giáo viên giảng dạy giỏi khoảng trên 50%. Các Bộ môn trong Khoa luôn đạt danh hiệu Tổ lao động Xã hội Chủ nghĩa xuất sắc, khoa Tài chính công liên tục nhiều năm đạt danh hiệu Khoa tiên tiến xuất sắc. Nhiều năm liền ông đều được công nhận là giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua ngành tài chính, chiến sĩ thi đua toàn quốc

Không tính 4 năm sinh viên, từ khi giảng dạy ông đã cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở Học viện Tài chính suốt 36 năm cho đến khi về hưu. Khi đến tuổi nghỉ hưu, ông được nghỉ công tác quản lý và theo quy định ông có học hàm, học vị ông có thể ở lại Trường 5 năm và hưởng nguyên lương. Nhưng ông ở 1 năm để hỗ trợ các đồng nghiệp và xin nghỉ và tham gia cơ hữu theo chế độ thỉnh giảng và ông lại tiếp tục thực hiện công việc đào tạo sau Đại học, hướng dẫn Thạc sĩ, Tiến sĩ 11 năm rồi mới thực sự nghỉ ngơi đúng nghĩa.

Empty

PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh và các thầy cô của Học viện Tài chính

Ngoài công việc giảng dạy, PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh còn tham gia nghiên cứu khoa học. Các công trình nghiên cứu khoa học của ông với mục đích làm rõ những lý luận cơ bản về tài chính, tiền tệ, tài chính công, làm rạch ròi giữa lĩnh vực tiền tệ và tài chính công, quản lí tài chính công và các vấn đề liên quan. Đó đều là những bài viết về những vấn đề mới, tự tìm hiểu để giải đáp những thắc mắc cho chính mình. Viết các bài báo khoa học để tìm hiểu tri thức, nâng cao hiểu biết, phục vụ quá trình dạy học cho sinh viên, nghiên cứu sinh. Với sự nhiệt huyết của mình, PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh đã mang đến trên 10 đề tài nghiên cứu khoa học, là tác giả, đồng tác giả của nhiều đầu sách giáo trình, sách chuyên khảo cũng cấp tri thức phục vụ cho quá trình giảng dạy và nghiên cứu, hàng chục bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Empty
Empty

PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh nhận Huân chương lao động hạng Hai của nước Cộng hoà nhân dân Lào

Ông là một điển hình về sự ham học hỏi và nghiên cứu trong suốt những năm tháng học tập và lao động cho ngành giáo dục. Các con của ông đã quá quen với hình ảnh người cha cặm cụi bên bàn làm việc đến 1, 2 giờ sáng với giáo án, luận văn, chấm bài cho học sinh. Một người tâm huyết với nghề, một người cha hăng say với công việc in đậm mãi trong ký ức ấy. Nhiều lúc ông tự suy nghĩ và chất vất chính mình: “Có điều gì đã thôi thúc mình mà mình lại vùi đầu vào sách vở, công việc như vậy?”. Rồi chính ông lại tự trả lời: “Không phải vì những chức danh mà hoàn toàn là tâm huyết với nghề, với tình yêu, với sự ham đọc của mình từ nhỏ. Dạy Tài chính nhưng ông vẫn đọc thơ ca để thêm ‘gia vị’ và sự cân bằng giữa hai điều khô khan và bay bổng”, người thầy giáo già cho biết.

Một số công trình khoa học tiêu biểu của PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh:

Thứ nhất: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Luận cứ khoa học của việc đổi mới chính sách và cơ chế quản lý tài chính”, 1993 - Thư ký khoa học.

Thứ hai: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Quản lý tài chính và cơ chế quản lý tài chính”, 1981 - tham gia; “Chính sách đầu tư cho giáo dục Đại học và Trung học chuyên nghiệp trong chặng đường trước mắt “, 1984 - tham gia; “Lịch sử tài chính Việt Nam 1945-1985”, 1985 - tham gia; “Một số vấn đề tài chính trong kinh tế tư bản nhà nước ở nước ta”, 1988 - Đồng Chủ nhiệm; “Cơ chế chính sách tài chính đới với hệ thống an sinh xã hội Việt Nam” - Đồng Chủ nhiệm (2/2002-3/2003).

Thứ ba: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, Học viện: Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề tài chính”, 1986 - Chủ biên; “Một số vấn đề tài chính quốc tế của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, 1987 - Tham gia; “Mootuj số vấn đề phương pháp luận về xây dựng chính sách tài chính quốc gia trong chặng đường hiện nay ở nước ta”, 1993 - Tham gia; “An toàn tài chính quốc gia trong quá trình hội nhập” - Đồng Chủ biên (6/2001-6/2002); “Đề án nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở Học viện Tài chính”, 3/2003 - Tham gia; “Giải pháp tài chính hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tham gia vào AFTA”, 9/2004 - Tham gia; “Hoàn thiện cơ chế quản lý ngân sách xã theo Luật NSNN2002”, 01/2005 - Chủ nhiệm.

Thứ tư: Biên soạn các giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy, bồi dưỡng: Giáo trình “Tài chính Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, 1985 - Đồng Chủ biên; Giáo trình “Tài chính Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, 1988, tái bản có bổ sung, sửa chữa - Chủ biên; Giáo trình “Tài chính học”, 1993 - Đồng Chủ biên; Giáo trình “Tài chính học”, 1999, tái bản có bổ sung, sửa chữa - Đồng Chủ biên; Giáo trình “Lý thuyết tài chính”, 2000 - Chủ biên; Tập bài giảng môn “Nguồn lực tài chính” giảng dạy cho Cao học và nghiên cứu sinh, 1999 - Chủ biên; Giáo trình “Lý thuyết tài chính”, 2003 - Chủ biên; Biên soạn 1 chương và tham gia các giáo trình: “Thanh tra tài chính” - 2000; “Quản lý tài chính nhà nước” - 2000; Tài chính quốc tế - 2000.

Thứ năm: Các chuyên đề trong các chương trình dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước, Kho bạc nhà nước, Tổng cục Thuế, Ngân hàng thương mại Việt Nam: Hệ thống tài chính và sự phát triển”, “Quản lý nhà nước về tài chính - tiền tệ”, “Một số vấn đề cơ bản về chính sách tài chính - tiền tệ”, “ Tài chính công”,“Những vấn đề chung về Thuế”.

Thứ sáu: Một số báo cáo khoa học: “Vài ý kiến xung quanh vấn đề tổ chức các quan hệ tài chính trong thời kì quá độ ở Việt Nam’, “Về hệ thống tài chính trong giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trưởng ở Việt Nam”, “Về phạm vi của tài chính nhà nước và nội dung quản lý tài chính nhà nước”, “Nhìn lại chính sách tài khóa của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế”, “Hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”, “Hệ thống an sinh xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường”, “Quan niệm về Tài chính công và cấu thành của Tài chính công”, “Một số vấn đề cơ bản về Tài chính công và quản lý Tài chính công ở Việt Nam”, “Quản lý Tài chính công ở Việt Nam - Thực trạng và những giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Tài chính công ở Việt Nam”, “Luật NSNN 2002 và vấn đề quản lý thu ngân sách xã”, “Vai trò của Bộ môn trong việc quản lý chất lượng giảng dạy của giáo viên ở các lớp tại chức”, “Những vấn đề cấp bách đặt ra trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ chuyên ngành Thuế ở Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội”, “Nâng cao chất lượng học tập của sinh viên chuyên ngành” và nhiều bài biết khác gửi đăng các tạp san, tạp chí trong và ngoài Học viện Tài chính.

Bên cạnh đó, PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh còn hướng dẫn rất nhiều đề tài cho nghiên cứu sinh. Tham gia các tổ chức, hiệp hội ngành nghề, thành viên Ban biên tập các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, thành viên các Hội đồng quốc gia, quốc tế…

Ông trực tiếp hướng dẫn gần 50 học viên Cao học làm luận văn Thạc sĩ, hơn 10 nghiên cứu sinh làm luận án Tiến sĩ.

Bao nhiêu năm trong nghề là bấy nhiêu suy tư trăn trở của ông về nghiệp “trồng người”. Theo ông, muốn có tri thức phải cần đam mê tìm tòi nghiên cứu. Đứng trên vị trí công tác giảng dạy, là một người thầy giáo cần phải yêu nghề, nhìn thấy mặt chính diện, mặt thật của nghề, đừng vì những điều nhỏ nhặt mà làm mất đi giá trị tốt đẹp của nghề thầy giáo. Bên cạnh công việc giảng dạy, một người thầy giỏi cần phải biết kết hợp giữa lí thuyết và thực tiễn, đam mê nghiên cứu khoa học. Ông cho rằng muốn làm được điều đó đòi hỏi tích cực trau dồi kiến thức thông qua việc đọc sách, tích lũy tri thức cho bản thân, học nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập ngày càng cao của thế hệ trẻ.

Kỷ niệm sâu sắc với học trò

Ông luôn được các thế hệ sinh viên quý trọng, sau bao nhiêu năm vào những ngày đặc biệt họ vẫn đến thăm. Mặc dù nghề giáo là cái nghề theo ông là “bạc bẽo” với “phấn trắng, giấy trắng và hai bàn tay trắng” nhưng ông vẫn yêu mến, gắn bó và nguyện cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Với PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh hạnh phúc nhất là được làm việc, được chứng kiến những thế hệ học trò ngày càng trưởng thành và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Có lẽ trong tâm khảm ông hình ảnh những người thầy luôn là một hình mẫu lý tưởng. Bản thân ông cũng gắn bó với lớp trẻ và mong muốn được góp phần mình giúp họ những bước đi ban đầu vào đời. Những ngày đầu trên bục giảng ông thường nhìn nét mặt và ánh mắt sinh viên để "nhìn" lại mình và rút kinh nghiệm sau mỗi giờ lên lớp. Kham khổ, thiếu thốn có thể chịu đựng được, nhưng thiếu kiến thức để giảng dạy là điều không thể chấp nhận - ông thường tự nhủ với mình như thế và lao vào đọc sách và theo học tiếng Nga, tiếng Trung, toán học... Kiến thức dày lên theo năm tháng và lòng yêu nghề vẫn nguyên vẹn như những ngày đầu tiên. Làm thầy là điều không dễ dàng. "Biết mười dạy một" cũng chỉ là một trong nhiều điều kiện để có thể trở thành người thầy giáo với đúng nghĩa của nó. Trong những tiết giảng của mình, ông cố gắng đưa thực tiễn vào và tạo được sự hứng thú quan tâm của sinh viên. Phương pháp sư phạm tốt nhất - theo ông - là tạo được mối liên hệ chặt chẽ giữa thầy - trò và bài giảng. Tất cả phải trở thành chuỗi gắn kết không thể tách rời. Người thầy ngoài việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên còn là một tấm gương và giúp sinh viên hình thành nhân cách.

Chính vì thế, ngay cả trong những ngày khó khăn nhất ông vẫn cố gắng đến mức tối đa sao cho đàng hoàng chững chạc khi đứng trước sinh viên. Phải hạn chế thấp nhất những sơ suất - dù là nhỏ nhất bởi trước người thầy có tới hàng chục, hàng trăm đôi mắt nhìn vào... Thầy giáo Chinh thường tâm niệm hàng ngày và dường như đã làm được như thế. Lần lượt các lớp học trò ra trường và trong họ luôn mang theo hình ảnh một người thầy nhân hậu, có trách nhiệm với chính mình, với nghề mình đã chọn và với sinh viên của mình. Có một câu thơ mà một người học trò đọc tặng trong dịp đáng nhớ từ rất lâu rồi, nhưng đến giờ anh vẫn nhớ và rất cảm động khi nhắc lại: "Gương mặt trò thầy làm sao nhớ hết - Hình bóng thầy, trò mãi mãi mang theo...". Nhiều học trò tuổi đời bằng, thậm chí hơn cả ông nhưng khi ra trường vẫn một mực nể phục thầy và ngoài tình thầy trò còn có thêm tình thân thiết như những người anh em. Có lần một học trò cũ ở xa ra Hà Nội họp đã lặn lội về tận quê chỉ để gặp thầy mươi mười lăm phút: "Em muốn được tận mắt nhìn thấy thầy và để biết bây giờ thầy sống ra sao". Điều ấy - theo ông - động viên ông hơn tất cả những lời khen hoặc chúc tụng tốt đẹp nhất. Cũng chính từ những cử chỉ này mà ông thấy mình phải tốt đẹp hơn khỏi phụ lòng tin yêu của học trò.

“Kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời tôi là những kỷ niệm với học trò của mình. Một lá thư thấm máu và lấm lem đất cát của học trò cũ từ chiến trường gửi ra; Những năm tháng tôi thực tập tại nước Nga xa xôi, ngày hiến chương các nhà giáo, ngày Tết, học trò cũ vẫn vượt đường xa đến thăm gia đình và khi được trao danh hiệu Nhà giáo Ưu tú tôi cũng nhận được rất nhiều bức điện chúc mừng từ nhiều miền đất khác nhau trong nước và ngoài nước - cũng là của những người học trò cũ! Điều đó thật hạnh phúc - mà tôi nghĩ không phải nghề nào cũng có được ‘phần thưởng quý giá đó’”, NGƯT Dương Đăng Chinh đã nói về nghề của mình như thế.

Empty

Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng

Empty

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng

Empty

Huy chương "Vì sự nghiệp tài chính Việt Nam" của Bộ trưởng Bộ Tài chính trao tặng

“Là một thầy giáo cần phải có học vị sau Đại học, các thầy cô giáo cần phấn đấu học hơn nữa, phải Thạc sĩ, Tiến sĩ để có thể giảng dạy học sinh của mình cho tốt, kiến thức cần được trau dồi, nâng cao hơn nữa. Ngày trước chiến tranh, đói khổ, học đèn dầu, sơ tán,… điều kiện vô cùng thiếu thốn không được như bây giờ để có điều kiện học hơn nữa nhưng với sự quyết tâm của bản thân tôi đã có được những thành quả bằng sự nỗ lực ấy”, thầy giáo Chinh chia sẻ. Trên tường nhà của ông treo trang trọng 2 chữ “Tâm”, “Đức”, nói về hai chữ này, người thầy giáo già nhận định: “Khi đã là thầy giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý thì trước hết phải đặt tâm huyết, tình yêu trọn vẹn với nghề, với nghiệp, càng yêu, càng cống hiến thì nghề càng giỏi, thiết kế bài giảng sinh động, học trò càng thích thú, khen ngợi và sẽ là động lực để cho những người ‘cầm phấn’ phấn đấu hơn nữa. Làm thầy phải có chữ ‘tâm’ - phải có tấm lòng, tình yêu với học trò, với nghề phải có chữ ‘đức’ - đạo đức, tư cách mới có thể làm nghề giáo gương mẫu”.

Bản thân ông thấy tự hào, động viên mình, tự khen lấy mình về những điều ông đã đạt được từ niềm tin, sự quyết tâm, sống đúng mực không đặt nặng chức danh, địa vị để có thể cống hiến cho sự nghiệp giáo dục suốt 47 năm qua.

Empty

Phút suy tư trầm ngâm của người thầy đáng kính

Trò chuyện với thầy giáo Chinh mới biết thêm một điều - dù dạy môn học tưởng như khô khan và toàn những con số - nhưng tâm hồn người thầy giáo này lại hết sức nhạy cảm và đầy ắp những khát khao. Ông yêu văn chương từ nhỏ và đến bây giờ vẫn tự hào về tủ sách của mình, về những điều tốt đẹp mà ông thừa hưởng qua những trang sách. Cuộc đời ông không được đủ đầy cha mẹ, vật chất như những bạn bè cùng trang lứa. Nhưng ngay cả những thiệt thòi mà ông phải gánh chịu ngay từ ngày còn thơ trẻ vẫn không làm ông nản lòng để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Có lẽ trong cuộc đời điều tốt đẹp nhất mà ông tìm được là lòng tin: "Con người cần phải tin vào con người và vào những điều tốt đẹp nhất". Điều đó đã khiến ông đủ kiên trì và can đảm đi suốt con đường đã chọn. Luận án Tiến sĩ mà ông bảo vệ thành công trong nước năm 1995 là một minh chứng cho điều này. Tích luỹ kiến thức là công việc của cả đời và không bao giờ cảm thấy đủ - không chỉ bản thân ông làm theo điều đó mà truyền cả cho con cháu. Điều mà ông tâm đắc nhất là những học trò yêu quý, các con ông đều thấu hiểu và làm theo nguyên tắc ấy.

Empty

Đại gia đình của ông Dương Đăng Chinh

Ông Dương Đăng Chinh được mẹ vợ chọn làm con rể tương lai vì hình ảnh chàng học trò nghèo ham học vừa guồng tơ vừa đọc sách. Ông Dương Đăng Chinh lập gia đình với bà Nguyễn Thị Hường - người phụ nữ đảm đang tháo vát lo toan vẹn toàn cho gia đình để ông yên tâm công tác và theo đuổi đam mê cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Ông Chinh vẫn thường nói với mọi người rằng để có được kết quả ngày hôm nay 60% là công của vợ và 40% là công học tập nghiên cứu của ông. Ông Chinh có 4 người con 2 trai và 2 gái, tính cả dâu và rể ông có tới 7/8 người và giờ thêm cả cháu nội đang nối bước ông là những sinh viên của Học viện Tài chính. Noi gương cha, các con của ông Chinh và bà Hường đều là những người con hiếu thảo, thành đạt trong cuộc sống và đang đảm nhiệm các vị trí công tác về tài chính trong các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công An, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Với những đóng góp không mệt mỏi, PGS.TS.NGƯT Dương Đăng Chinh đã được nhận rất nhiều danh hiệu, bằng khen: Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1997, Huân chương Lao động hạng Ba của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Hai của nước Cộng hòa nhân dân Lào, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 1998, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2005, Chiến sĩ thi đua ngành Tài chính năm 2000, 2003, 2004, Huy chương Kháng chiến hạng Nhì năm 1983, Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục” năm 1996, Huy chương “Vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam” năm 2000, Huy chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn” năm 1998, Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh năm 1977, Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 1981 và nhiều Bằng khen, Giấy khen khác. Đó đều là những thành quả xứng đáng mà ông nhận được với những nỗ lực mà ông đã bỏ ra. Tuy nhiên, với ông, điều đáng quý nhất đó là nhìn thấy từng lứa sinh viên của mình trưởng thành để rồi đây mỗi người đều có một địa vị và đóng góp nhất định cho sự phát triển của đất nước.

Dương Hương – Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer