Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2: Hành trình khoa học của GS.TS. Huỳnh Thị Phương Liên - người cống hiến cả đời cho vaccine Việt Nam
Trong những ngày tháng tiến tới ngày kỉ niệm đặc biệt của ngành Y tế, Phóng viên Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã rất vinh dự khi được trực tiếp gặp mặt và trò chuyện cùng TTND.GS.TS. Anh hùng Lao động Huỳnh Thị Phương Liên. Tiết trời mùa Xuân hôm đó hơi âm u, lành lạnh nhưng lại trở nên ấm áp hơn bao giờ hết nhờ sự ôn hòa, cùng nụ cười hiền dịu của bà khi chào đón chúng tôi.
Tuy đã qua cả tuổi "bát tuần", màu tóc bạc phơ, nhưng bà vẫn rất minh mẫn. Ở tuổi 85, bà vẫn say mê với khoa học, luôn nhắc đến công việc nghiên cứu với ánh mắt sáng ngời và giọng nói đầy nhiệt huyết.
Điều chúng tôi ấn tượng nhất trong ngôi nhà của bà là sự ngăn nắp, tỉ mỉ, đặc biệt là những chiếc đồ lưu niệm cho những nước bà đã đến thăm, làm việc, học tập được bà xếp ngay ngắn, thẳng hàng trong tủ kính. Một sự hoài niệm đáng nhớ.

Phóng viên Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng rất vinh dự khi được trực tiếp gặp mặt, trò chuyện và được nghe kể về quãng thời gian TTND. GS.TS. Anh hùng Lao động Huỳnh Thị Phương Liên cống hiến cho nghiên cứu khoa học
Từ chiến trường khu V chống Mỹ đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
Sinh ra tại Hội An, Quảng Nam, bà Phương Liên theo gia đình ra Hà Nội từ năm 1954. Bà còn là một người con của gia đình trí thức cách mạng. Ba của bà, Phó ban Thống nhất Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã động viên cả gia đình tham gia kháng chiến. Trong số 8 người con, có 5 người đã trực tiếp tham gia chiến đấu.
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, bà được phân công vào Khoa Vi sinh. Chính trong thời điểm đất nước đang trong giai đoạn chiến tranh, bà đã nhận nhiệm vụ quan trọng: Sản xuất vaccine tả, thương hàn và đậu mùa để chống chiến tranh vi sinh theo chỉ đạo của Bộ Y tế thời đó. Vào tháng 2/1966, ở tuổi 25, bà bước chân vào chiến trường, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sau hai tháng rưỡi hành quân vượt Trường Sơn, bà được phân về đơn vị có mật danh K15, thuộc Ban Dân y Khu V, đóng tại tỉnh Quảng Nam. Trong 6 năm ở chiến trường, bà và đồng đội đã vừa sản xuất vaccine, vừa tự túc sản xuất lương thực cho cuộc sống.
Giáo sư chia sẻ về khoảng thời gian ở chiến trường ấy: “Trong 6 năm ở chiến trường, tôi cũng nhớ nhà, nhớ quê hương, nhưng chỉ để dành nỗi nhớ ấy cho ban đêm thôi. Ban ngày bận rộn với công việc, không có thời gian để nghĩ ngợi nhiều, tối đến lại chui vào võng nghỉ ngơi. Thư từ cũng có, nhưng rất ít, mỗi năm may ra nhận được một lá. Nhận được thư là tôi lại viết thư gửi về ngay”. Những năm tháng gian khổ ấy đã rèn luyện cho bà tính kiên cường và sự tỉ mỉ – những phẩm chất không thể thiếu của một nhà khoa học.
Ở chiến trường 6 năm, vào năm 1972, bà trở lại ra Bắc và một năm sau, Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam cử bà đi học ở Cộng hòa Dân chủ Đức làm nghiên cứu sinh khoa học. Học được 2 năm, bà xin về nước và chính thức làm việc tại Viện Vệ sinh Dịch Tễ Trung ương năm 1976. Tại đây, bà tiếp tục nghiên cứu các virus gây bệnh cho người, bao gồm virus cúm và hợp tác nghiên cứu với Cộng hòa Dân chủ Đức. Đến năm 1984, bà có cơ hội trở lại Đức trong 2 năm và quyết tâm bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ.
Nghiên cứu sản xuất vaccine Viêm não Nhật Bản bất hoạt - Vaccine thế hệ 1
Trong suốt sự nghiệp, tính nghiêm túc, cẩn thận, chính xác luôn đồng hành cùng các công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) của bà. Bà thường xuyên ghi chép chi tiết từng bước trong quá trình nghiên cứu, từ công thức sản xuất đến kết quả thử nghiệm. Những cuốn sổ tay nhỏ của bà đã trở thành tài liệu quý giá, không chỉ cho các thế hệ sau mà còn là minh chứng cho sự nghiêm túc và đam mê của một nhà khoa học.
Chính tinh thần ham học hỏi và sự tỉ mỉ trong nghiên cứu ấy đã giúp bà vượt qua thử thách lớn vào những năm 1980, khi bệnh Viêm não Nhật Bản (VNNB) hoành hành nghiêm trọng ở nước ta. Được biết, Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Vì vậy, vào năm 1989, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử GS. Phương Liên, Trưởng khoa Virus của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và một cán bộ khác sang Nhật Bản để nhận chuyển giao quy trình sản xuất vaccine viêm não.
Viện Biken thuộc Đại học Osaka yêu cầu các bác sĩ trẻ Việt Nam phải theo khóa học để tiếp nhận quy trình gồm 28 công đoạn với kỹ thuật cao (thời gian theo học chỉ trong 1 tháng). Tính là 1 tháng nhưng nếu trừ ngày lễ, ngày nghỉ thì thực tế, bà chỉ còn đúng 21 ngày để học. Bà đã tích cực học hỏi và miệt mài ghi chép tất cả những lời được nghe, những điều được thấy vào các trang của cuốn tài liệu được cấp. Các bạn Nhật không thể tin được Việt Nam có thể tiếp thu được công nghệ với thời gian học ngắn ngủi như vậy.
Trở về nước, GS. Phương Liên tiến hành ngay việc thử nghiệm từng công đoạn của quy trình để chọn lọc phương án tối ưu cho hiệu quả cao trong sản xuất ở Việt Nam vì tình thế đã quá gấp gáp. Dù trong điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nhưng sau 1 năm, thành quả của những nỗ lực là 5 lô vaccine VNNB sản xuất đầu tiên đã hoàn thành các thử nghiệm quy chuẩn.
Vào năm 1991, bà đã đề nghị gửi lô vaccine thứ 4 và thứ 5 sang Nhật để kiểm nghiệm. Sau 3 tháng, Viện Biken gửi thư chúc mừng tới GS. Hoàng Thủy Nguyên, lúc đó là Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: “Các vaccine viêm não của Việt Nam sản xuất đã đạt 10 tiêu chuẩn của Nhật Bản về tính an toàn và công hiệu thử trên động vật thử nghiệm".
Nghiên cứu sản xuất vaccine Viêm não Nhật Bản bất hoạt trên tế bào vero - Vaccine thế hệ 2
Không dừng lại ở đó, bà tiếp tục nghiên cứu và phát triển vaccine viêm não Nhật Bản thế hệ 2, sản xuất trên tế bào vero, thay thế cho phương pháp sản xuất từ não chuột trước đây. Năm 2005, một nghiên cứu của Nhật Bản đã công bố rằng: Sau khi tiêm vaccine VNNB thế hệ 1 (có nguồn gốc từ não chuột), có phản ứng mắc phải viêm não tủy rải rác cấp tính với tỷ lệ 1/500.000 đến 1/1.000.000 trường hợp. Từ đó, WHO khuyến cáo các nước cần chuyển sản xuất vaccine VNNB từ não chuột sang sản xuất vaccine VNNB bất hoạt trên tế bào.
Từ năm 2006, GS. Huỳnh Thị Phương Liên đã bắt đầu nghiên cứu vaccine công nghệ mới VNNB thế hệ 2. Năm 2010, bà đã nghỉ hưu nhưng tiếp tục nghiên cứu với tư cách là chuyên gia cao cấp, hoàn thành đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện Công nghệ sản xuất vaccine VNNB bất hoạt trên tế bào vero JECEVAX”. Đề tài nghiệm thu cấp bộ Y tế tháng 1/2012 đạt xuất sắc, nhưng bà nghĩ nếu không thử trên người thì công nghệ sẽ “bỏ ngăn kéo” nên bà đã quyết định tự xin kinh phí cho thử nghiệm lâm sàng trên người.
Chính vì vậy, bà đã tiếp tục với đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu tính an toàn và sinh miễn dịch trên người của vaccine VNNB bất hoạt sản xuất trên tế bào vero JECEVAX” thử nghiệm 3 giai đoạn. Đề tài đã nghiệm thu qua Hội đồng cấp Nhà nước, đạt kết quả xuất sắc, với tính an toàn cao, dung nạp tốt trên trẻ em và người lớn, đáp ứng miễn dịch 99,6%.
Trước khi nghỉ hưu chính thức, bà đã chuyển giao tỉ mỉ từng công đoạn của quy trình công nghệ, cũng như tài liệu cho thế hệ kế cận để sản xuất vaccine VNNB thế hệ 2 với chất lượng cao nhằm phòng đặc hiệu bệnh VNNB cho trẻ em với chất lượng cao.
Sức khỏe và chế độ sinh hoạt
Ở tuổi 85, sức khỏe bà đã suy giảm với nhiều bệnh nền: Tiểu đường, huyết áp, tim, dạ dày, xương khớp, co thắt đại tràng. Mỗi sáng, bà đo đường huyết, huyết áp, tiêm insulin và ghi chép cẩn thận vào sổ theo dõi sức khỏe và tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý.
Dù sức khỏe yếu, bà vẫn duy trì thói quen luyện tập. Mỗi sáng, bà tập nhẹ nhàng trong nhà, đo đường huyết rồi đi bộ quanh khu vực sống. Ở nhà, bà ăn uống đơn giản, thường nấu cháo gạo đen để dễ tiêu hóa. Dù sức khỏe không còn như trước, bà vẫn giữ tinh thần lạc quan, duy trì nhịp sống của riêng mình.

Dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn luôn tự ý thức việc chăm sóc sức khỏe của bản thân
Hành trình của bà Huỳnh Thị Phương Liên là một câu chuyện đẹp về sự cống hiến không mệt mỏi vì sức khỏe cộng đồng. Những đóng góp của bà không chỉ giúp bảo vệ hàng triệu người dân khỏi bệnh tật, mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tinh thần kiên cường, tỉ mỉ và đam mê trong nghiên cứu khoa học. Bà mãi là một tấm gương sáng, một người phụ nữ Việt Nam kiên cường và đầy nhiệt huyết.
Vân Hà - Thu Trang

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Đừng bỏ lỡ mùa hè vàng - Cắt amidan, nạo VA cho con cùng chuyên gia hàng đầu, ưu đãi lên đến 2 triệu đồng
Viêm amidan và VA là hai bệnh lý tai - mũi - họng phổ biến ở trẻ em, đặc biệt trong giai đoạn từ 2 - 10 tuổi. Tình trạng viêm kéo dài không chỉ gây ho, sốt, ngạt mũi, khó ngủ, chảy nước mũi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển thể chất, tinh thần và học tập của trẻ.May 20 at 2:12 pm -
AloSuckhoe.vn Trực Ninh chính thức khai trương: Lan tỏa mô hình chăm sóc sức khỏe chủ động đến cộng đồng
Sáng ngày 17/5/2025, hệ thống siêu thị sức khỏe AloSuckhoe.vn Trực Ninh (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Y tế HBL) chính thức khai trương và đi vào hoạt động, trở thành cơ sở thứ 5 tại tỉnh Nam Định. Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong hành trình mang giải pháp chăm sóc sức khỏe chủ động, bền vững đến gần hơn với người dân địa phương.May 20 at 10:44 am -
Sanotact - Thương hiệu thực phẩm bảo vệ sức khỏe chuẩn Đức chính thức ra mắt tại Việt Nam
Ngày 12 tháng 5 năm 2025, Thương hiệu Sanotact đến từ Cộng hòa Liên bang Đức chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam thông qua buổi lễ trang trọng tổ chức tại khách sạn Novotel Suites Hà Nội. Sự kiện có sự góp mặt của ông Johannes, đại diện Tập đoàn Sanotact toàn cầu và Ban lãnh đạo Công ty TNHH Sanotact Việt Nam, cùng đông đảo đối tác, chuyên gia ngành hàng và cơ quan truyền thông.May 19 at 9:27 am -
Long Châu hợp tác cùng Viện Công nghệ tiên tiến - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ phát triển dược phẩm bảo vệ sức khỏe người Việt
Với cam kết mạnh mẽ về sự minh bạch và chất lượng, hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh và bền vững, FPT Long Châu, Viện Công nghệ tiên tiến thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chính thức ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ dược liệu tiên tiến phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.May 16 at 5:12 pm