Ngày Thế giới nhận thức về trẻ tự kỷ 2/4: Đồng hành cùng con tự kỷ 14 năm

Đồng hành cùng con tự kỷ 14 năm, chị Nguyễn Thị Ngát (Hoài Đức, Hà Nội) lưu ý các bậc phụ huynh không có thầy cô, chuyên gia nào thay được cha mẹ, không ai hiểu con hơn chính cha mẹ.
02/04/2022 08:31

Đồng hành cùng con tự kỷ

"Có những trẻ ngay từ nhỏ đã phát hiện là trẻ tự kỷ, nhưng có những trẻ phải đến 4-5 tuổi hoặc thậm chí lớn hơn nữa. Ở tầm tuổi lớn hơn, khi thấy con có biểu hiện khác thường như nóng tính, sợ tiếp xúc, có biểu hiện tiêu cực… nhiều bậc cha mẹ mặc dù lo sợ con có vấn đề nhưng lại không dám thừa nhận với bản thân. Họ âm thầm chịu đựng và theo dõi con mình, hi vọng lúc nào đó con sẽ "suy nghĩ tích cực hơn", "bớt nóng tính hơn", "không còn nhút nhát"… nhưng thực tế, càng trốn tránh, con càng nặng hơn…", chị Ngát chia sẻ.

Empty

Tranh của Duy sẽ được tham gia triển lãm tranh “Sắc màu - Những mảnh ghép”

Cháu Nguyễn Văn Duy sinh năm 2008, sinh non 7 tháng rưỡi, nặng 2.2 kg. Khi thấy con phát triển chậm hơn trẻ cùng lứa, chị Ngát tưởng do con sinh non nên chậm. Nhưng lúc Duy được 16 tháng tuổi, chị Ngát thấy biểu hiện của con khác hẳn so với những đứa trẻ cùng tầm tuổi. Chị đưa con đi khám, bác sĩ cho biết Duy mắc hội chứng tự kỷ. Chị còn choáng váng hơn khi bác sĩ cho biết trên thế giới không có thuốc chữa căn bệnh này. 

Sau khi trải qua cú sốc và suy sụp một thời gian, chị Ngát mới gắng gượng vực dậy tinh thần, lao vào tìm hiểu các trung tâm can thiệp dành cho trẻ tự kỷ để đưa con theo học. Không quản ngại mưa gió vất vả, chị Ngát ngày nào cũng đưa con đến trung tâm dành cho trẻ tự kỷ, nhưng Duy không mấy tiến bộ. Đến lúc Duy được 2 tuổi, thì các biểu hiện tự kỷ càng rõ ràng hơn. 

Empty

Chị Nguyễn Thị Ngát luôn đồng hành cùng con trai mình

"Con tăng động nhiều hơn, nhưng cũng hay chơi một mình, hay phá đồ chơi khi cáu hoặc không vừa ý. Con có thể tự đánh mình, tự đấm vào đầu hay đập đầu vào tường, nền nhà, bất kể chỗ nào. Đến năm 4 tuổi con mới bập bẹ được mấy từ đơn giản như ba, ông, đi chơi, ô tô…", chị Ngát kể lại. 

Tuy nhiên, nhiều năm ròng đưa con đến trung tâm khá xa nhưng không có nhiều tiến bộ khiến gia đình chị thất vọng. Đã có khoảng thời gian chị để Duy ở nhà rồi trò chuyện, chăm sóc. Tuy là đứa trẻ tự kỷ, nhưng Duy vẽ rất đẹp, thích xem phim hoạt hình Tom & Jerry, Mr. Bean, cho nên chị Ngát cũng vẽ và xem phim cùng con. Có lẽ, chị là người "bạn" duy nhất của con sớm tối. Chị cũng mong muốn con được học hành nên đã thử nhờ cô giáo đến nhà dạy vẽ và dạy học cho con, nhưng Duy không hợp tác, vì thế mơ ước một ngày con có thể đến trường cũng tắt dần trong chị.

Empty

Duy và những bức tranh của mình

"Khoảng giữa năm 2019, tôi có đưa con đến một lớp vẽ thiện nguyện của một diễn viên nổi tiếng và cũng là họa sĩ. Không ngờ cô giáo rất nhiệt tình, con ngồi học rất ngoan và nghe lời cô. Điều đó ngoài sức tưởng tượng của tôi. Vì thế, hai mẹ con vẫn thường xuyên đến với lớp học vẽ này đến tận bây giờ", chị Ngát chia sẻ.

Đừng kỳ vọng quá nhiều ở con

Theo lời chị Ngát kể, từ khi Duy còn bé, ai bảo ở đâu có người chữa được tự kỷ, chị đều mang con đến. Mỗi lần mang con đi lại là một lần hy vọng "gặp thầy", "hợp thuốc" để con trở lại bình thường. Nhưng hết hi vọng này đến hi vọng khác cứ nhen lên rồi lại tắt. Khó có thể nói hết những nhọc nhằn mà chị Ngát và gia đình phải trải qua khi có con tự kỷ. 

Nhiều lúc chị Ngát muốn buông bỏ, nhiều lúc cũng stress, nóng giận, đánh con, nhưng khi thấy con khóc chị không cầm lòng được cũng khóc theo. Duy chỉ là đứa trẻ khác thường, bản thân con cũng không biết mình khác thường, vì thế, dù có đánh, có mắng cũng đâu làm con trở thành một đứa trẻ ngoan như mình kỳ vọng. Nghĩ thế, chị Ngát lại dồn hết mọi dịu dàng và tình yêu thương cho con.  

Empty

Dù nhà khá xa nơi học vẽ nhưng Duy luôn lên lớp đều đặn khi không có dịch COVID-19

Hoang mang, rối loạn, stress, bàng hoàng, suy sụp… đó là những trạng thái tâm lý của phụ huynh khi bác sĩ, chuyên gia kết luận con bị tự kỷ hoặc có dấu hiệu tự kỷ. Phụ huynh tìm đủ mọi cách, đọc nhiều tài liệu, nghe đủ mọi thầy từ đông, tây y đủ kiểu để tìm cách giúp con. Kết quả cuối cùng là mất thời gian, tốn tiền và bỏ trôi thời gian tốt nhất để giúp con. Một số bậc cha mẹ thì nghĩ chờ con lớn lên là sẽ hết. 

Tự kỷ không phải là bệnh mà là rối loạn hệ thần kinh trung ương nên dẫn đến rối loạn sự phát triển ở các mặt của một con người. Đến nay theo ghi nhận từ các chuyên gia trên thế giới thì chưa có thuốc nào chữa tự kỷ cũng như chưa có một phương pháp can thiệp nào là tối ưu hoàn hảo cả. 

"Tôi cũng từng nhờ người dạy văn hóa, cũng ép con học cái này cái kia với kỳ vọng làm như thế con sẽ tốt hơn. Nhưng sau này tôi hiểu rằng không nên ép con làm điều con không thích, chỉ nên cố gắng đồng hành cùng con trong đời. Thật may, đến giờ Duy đã ngoan hơn rất nhiều, có thể tự vệ sinh cá nhân, tự nấu ăn cho mình, giúp mẹ được nhiều việc. Con cũng sống rất tình cảm và yêu thương bố mẹ. Như vậy đã là một kỳ tích rồi", chị Ngát chia sẻ cùng các phụ huynh có con tự kỷ. 

Đồng hành cùng con tự kỷ 14 năm, chị Ngát cho rằng, tìm trường, trung tâm chuyên biệt để can thiệp cho trẻ là một điều rất cần thiết nhưng phụ huynh cũng nên lưu ý rằng không có thầy cô, chuyên gia nào thay được cha mẹ, không ai hiểu con hơn chính cha mẹ.

Theo Phụ nữ Việt Nam

comment Bình luận

largeer