Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12/2023: Nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV

Ngày Thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) là ngày lễ quốc tế được cử hành vào ngày 1/12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS.
01/12/2023 11:51

"Ngày Thế giới phòng chống bệnh AIDS” được James W. Bunn và Thomas Netter, hai viên chức thông tin đại chúng cho “Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS” của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ nghĩ ra lần đầu trong tháng 8/1987. Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS (nay gọi là Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS). Dr. Mann thích sáng kiến này, đã chấp thuận và đồng ý với khuyến nghị về việc tổ chức “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên vào ngày 1/12/1988.

Ngày 18/6/1986 chương trình “AIDS Lifeline” của đài truyền hình KPIX – một dự án giáo dục cộng đồng vinh dự được tổng thống Ronald Reagan nêu ra như một dẫn chứng về sáng kiến trong khu vực tư nhân. Do vai trò đồng sáng tạo chương trình “AIDS Lifeline” Bunn được Dr. Mann yêu cầu, nhân danh chính phủ Hoa Kỳ nghỉ phép 2 năm (ở đài truyền hình KPIX) để theo Dr. Mann, một nhà dịch tễ học làm việc ở các Trung tâm kiểm soát bệnh, để phụ tá trong việc sáng tạo “Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS” cho Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hiệp Quốc. Bunn đồng ý và được bổ nhiệm làm Viên chức thông tin đại chúng thứ nhất cho Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS. Cùng với Netter, Bunn đã nghĩ ra, thiết kế và thực hiện lễ khai mạc “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên – nay là nhận thức và sáng kiến phòng chống bệnh kéo dài nhất trong lịch sử y tế công cộng.

Ảnh minh họa: Unicef

Ảnh minh họa: Unicef

Thay vì tập trung vào một ngày duy nhất, Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AID đã lập ra “Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS” vào năm 1997 để tập trung vào thông tin, phòng chống và giáo dục về HIV/AIDS quanh năm. Trong 2 năm đầu, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS tập chú vào các trẻ em và người trẻ. Các chủ đề trên lúc đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã lờ đi sự kiện là người ta thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm HIV và bệnh AIDS.Tuy nhiên, các chủ đề đã thu hút sự chú ý tới nạn dịch HIV/AIDS, giúp giảm bớt một số kỳ thị xung quanh căn bệnh này, và giúp thúc đẩy sự nhìn nhận vấn đề là một bệnh gia đình.Năm 2004, “Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS” đã trở thành một tổ chức độc lập.

Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) ra đời năm 1996, đóng vai trò dẫn dắt đáp ứng toàn cầu với HIV. UNAIDS dẫn dắt và truyền cảm hứng cho toàn thế giới trong nỗ lực thực hiện tầm nhìn chung về Không còn người nhiễm mới HIV, Không còn phân biệt đối xử và Không còn người tử vong do AIDS. UNAIDS tập hợp nỗ lực của 11 tổ chức Liên Hợp Quốc, gồm UNHCR, UNICEF, WFP, UNDP, UNFPA, UNODC, UN Women, ILO, UNESCO, WHO và Ngân hàng thế giới, và phối hợp chặt chẽ với các đối tác toàn cầu cũng như ở cấp quốc gia nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, để AIDS không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.

Với hình tượng dải băng đỏ, có thể là buộc ở cổ tay hoặc được để ở những nơi trang trọng, chính là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bệnh AIDS.

UNAIDS bắt đầu hỗ trợ Việt Nam ngay từ năm 1996 — năm thành lập của tổ chức. Một Cố vấn chương trình quốc gia được phái đến Việt Nam và một văn phòng nhỏ được mở tại trụ sở của Bộ Y tế cũng vào năm này, khởi đầu hoạt động của văn phòng UNAIDS tại Việt Nam.

Từ đó đến nay, UNAIDS đã phát triển lớn mạnh trong vai trò dẫn dắt đáp ứng với HIV trên toàn thế giới cũng như ở cấp độ quốc gia. Hỗ trợ của UNAIDS dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng đã gia tăng đáng kể.

UNAIDS đang hỗ trợ Quốc hội Việt Nam và Ủy ban quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm ứng phó với HIV thông qua các hoạt động tư vấn chính sách và trợ giúp kỹ thuật, nhằm xây dựng và hoàn thiện một khung pháp lý đáp ứng tích cực với các vấn đề liên quan đến HIV, dựa trên bằng chứng và cách tiếp cận về quyền con người.

UNAIDS hỗ trợ Việt Nam khởi xướng và triển khai các sáng kiến mới trong đáp ứng với HIV, nhằm tăng cường và duy trì bền vững tiếp cận tới các dịch vụ về HIV cho những nhóm người chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi HIV, tạo ra hiệu suất lớn hơn trong chương trình phòng, chống HIV, hướng tới một đáp ứng tối ưu với HIV nhằm thực hiện mục tiêu 90-90-90 và kết thúc đại dịch AIDS tại Việt Nam.UNAIDS còn là một đối tác chính của Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối hỗ trợ quốc tế cho phòng, chống HIV và quan hệ đối tác với các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV. Các đối tác quốc tế và trong nước gồm Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, lao và sốt rét (Quỹ toàn cầu), Chương trình cứu trợ AIDS khẩn cấp của tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR), Mạng lưới quốc gia của người sống chung với HIV (VNP+) và các đối tác khác.

UNAIDS cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực thực hiện mục tiêu 90-90-90 (mục tiêu 90-90-90 là 90% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình, 90% người được chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90 % người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp) và hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ số 6 liên quan đến HIV/AIDS vẫn còn đang dang dở. Hiện tại, Văn phòng UNAIDS ở Việt Nam do một Giám đốc Quốc gia đứng đầu, và bao gồm một nhóm cán bộ kỹ thuật hoạt động trong các mảng chương trình như thông tin chiến lược, can thiệp chiến lược, chính sách và điều phối, huy động cộng đồng và kết nối mạng lưới, và truyền thông.

Thu Phương (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer