Ngày Thế giới phòng chống lao động trẻ em 12/6/2022

Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6) được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đưa ra năm 2002 và được Liên hợp quốc công nhận, nhằm nâng cao nhận thức và hành động để ngăn chặn lao động trẻ em.
12/06/2022 09:57

Hướng tới Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ năm nay, thông điệp “Tăng cường phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em” tiếp tục được đề cao, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc học tập và gia tăng nguy cơ lao động trẻ em.

Mục tiêu 8.7 của Chương trình nghị sự 2030, vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc nêu rõ: “Phải có các biện pháp tức thì và hiệu quả để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và đến năm 2025, chấm dứt toàn bộ các hình thức lao động trẻ em”. Nằm trong số các quốc gia giữ vai trò tiên phong của Liên minh thực hiện mục tiêu 8.7, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, vì sự phát triển bền vững từ năm 2017, trong đó nêu rõ nhiệm vụ: “Thực hiện kịp thời và hiệu quả các biện pháp để xóa bỏ lao động ép buộc, ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ của Hội nghị toàn cầu lần thứ năm về xóa bỏ lao động trẻ em tổ chức tại thành phố Durban, Cộng hòa Nam Phi vào trung tuần tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà khẳng định, Việt Nam tiếp tục hành động và mong muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030, đặc biệt là mục tiêu 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em.

Phát huy vai trò tiên phong của Liên minh 8.7, Chính phủ Việt Nam đã giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc học tập của trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng núi bằng việc chi ngân sách nhà nước, kết hợp vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp và các nhóm xã hội để mở rộng diện bao phủ sóng internet, hỗ trợ máy tính cho trẻ em nghèo, trẻ em di cư, kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến với trở lại trường học. Nhờ vậy, Việt Nam hiện có tới 94,4% dân số trẻ em được tiếp cận giáo dục. Công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, tỷ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm từ 15,5% năm 2012, xuống còn 9,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động trẻ em tại Việt Nam thấp hơn 2% so với tỷ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả này có được là nhờ các chính sách tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, được thực hiện song hành với các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer