Nghệ An: Ghi nhận nhiều trường hợp trẻ từ hơn 1 tháng đến 6 tháng tuổi bị ngộ độc chì nặng

Những tuần gần đây, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ từ hơn 1 tháng đến 6 tháng tuổi bị ngộ độc chì nặng.
24/02/2024 10:40

Điển hình là trường hợp bé N.T.D.L (4 tháng tuổi, trú tại Hưng Nguyên, Nghệ An) bị ho, khò khè, chơi ít. Nghe lời mách, người nhà đã mua thuốc "đẹn" dạng viên nén và cho trẻ dùng trong vòng 7 ngày. Sau dùng thuốc, tình trạng của trẻ không những không cải thiện mà còn nặng nề hơn. Trẻ bỏ bú, da xanh tái, nôn.

Empty

Thuốc "đẹn" - nguyên nhân gây nên tình trạng ngộ độc nặng của trẻ

Trẻ được đưa đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An khi tình trạng đã nặng, co giật toàn thân nhiều lần, hôn mê. Trẻ phải đặt ống nội khí quản, thở máy, hồi sức tích cực, định lượng chì trong máu tăng cao 216 µg/dL(ngưỡng được chấp nhận là dưới 5 µg/dL). Hiện tại, sau gần 1 tuần điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tình trạng sức khỏe của trẻ vẫn rất nặng nề.

Một trường hợp khác là bé trai P.N.K.Đ (3 tháng tuổi, trú tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nhập viện ngày 11/2/2024. Trong vòng 1 tháng nay, gia đình thấy trẻ quấy khóc nhiều, ít chơi, người nhà đã thuốc "đẹn" về pha loãng cho bé uống. Sau dùng thuốc trẻ xuất hiện nhiều triệu chứng lạ: bỏ bú, da xanh tái, co giật toàn thân.

Empty

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ thiếu máu nặng, men gan tăng cao, định lượng chì trong máu cho kết quả cháu bị nhiễm độc chì nặng, 217,2 µg/dL. Hiện tại, sau 2 tuần được chăm sóc và điều trị tích cực, trẻ đã qua được giai đoạn nguy kịch, hết co giật, định lượng chì đã giảm nhiều.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Thuốc "đẹn" không được cấp phép lưu hành, nhưng lại đang được nhiều gia đình có trẻ nhỏ lựa chọn theo truyền miệng để điều trị khi trẻ nhỏ quấy khóc. Điều này rất nguy hiểm, bởi đã có nhiều trẻ ngộ độc chì có trong thuốc này. Chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch, khiến trẻ trở nên nguy kịch. Khi vào cơ thể, chì có thể tích lũy lâu trong nội tạng, đặc biệt là xương và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.

Do đó, phụ huynh hãy thật tỉnh táo và tin tưởng vào các phương pháp điều trị khoa học, có phác đồ chuẩn đã được y học chứng minh. Tuyệt đối, phụ huynh không nên nghe, làm theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành để bảo vệ sức khỏe con trẻ.

Phạm Thắng

comment Bình luận

largeer