Nghệ An tăng cường phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên

Để chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm.
01/03/2023 11:04

Theo số liệu giám sát ngộ độc, các yếu tố dịch tễ của Cục An toàn thực phẩm, hàng năm vào mùa Xuân và đầu mùa Hè là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc do người dân sử dụng các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên như nấm độc, côn trùng độc, quả cây rừng, cá nóc... Trong đó, đã có những trường hợp tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bị ngộ độc dù đã được cứu chữa kịp thời.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An khuyến cáo người dân không nên ăn những thực phẩm có nguy cơ ngộ độc như nấm rừng (Ảnh minh họa)

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An khuyến cáo người dân không nên ăn những thực phẩm có nguy cơ ngộ độc như nấm rừng (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, năm 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do độc tố côn trùng sâu Ban Miêu, 3 trường hợp bị ngộ độc do ăn trứng Cóc, 8 trường hợp ngộ độc do uống nước đun nấu từ thân cây Lá Ngón.          

Để chủ động đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường phòng, chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm. Đặc biệt là trong thu hái, đánh bắt, tiêu dùng sản phẩm nông, lâm, thủy sản và sử dụng các loại cây, củ quả rừng tự nhiên theo đặc điểm riêng của vùng miền, từng địa phương.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng. Khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh sử dụng các động, thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng lạ, cóc, so biển, cá nóc...

Tập trung hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Đối với các huyện miền núi sử dụng đĩa truyền thông bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên đến tận hộ gia đình, những người ở trên nương rẫy. Hướng dẫn người dân khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

                                                                                                                                                             Lê Hoàn

comment Bình luận

largeer