Tiềm năng phát triển dược liệu trong sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu

Tiềm năng phát triển dược liệu trong sản xuất các sản phẩm từ dược liệu ở nước ta ngày càng lớn. Nhưng chúng ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng sẵn có để phát triển dược liệu trong nước hướng tới xuất khẩu.
12/05/2022 15:07

Tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Ao Vua tổ chức ngày 23/4/2022, tại Khu du lịch Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương - Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế đã có báo cáo tham luận với đề tài “Tiềm năng phát triển dược liệu trong sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.

Thực trạng về phát triển dược liệu đáp ứng nhu sản xuất trong nước và xuất khẩu

Tiềm năng tài nguyên dược liệu, thuốc từ dược liệu

Đến năm năm 2016, Bộ Y tế đã xuất bản Danh mục cây thuốc Việt Nam, trong đó đã giới thiệu 5117 loài và dưới loài thực vật được sử dụng làm thuốc, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành Thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm Rêu, Tảo và Nấm lớn. Ngoài ra, Việt Nam còn có 54 dân tộc anh em sống trải dài trên toàn đất nước từ Bắc tới Nam với những nét văn hóa rất riêng. Theo điều tra về tri thức bản địa, đã thu thập các cây thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc và bài thuốc của đồng bào dân tộc: H’Mông (Lào Cai), Mường (Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An),  Dao (Ba Vì, Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc), Ka Tu (Thừa Thiên Huế), Vân Kiều (Tây Nguyên), Tày (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên), Nùng (Lạng Sơn), Sán Dìu (Vĩnh Phúc), Khơ Me (An Giang). Đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc của 15 dân tộc lớn trên cả nước. Thu thập và sưu tầm được 1296 bài thuốc dân gian chữa bệnh của cộng đồng các dân tộc, những bài thuốc này đã phục vụ cho việc nghiên cứu sàng lọc, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm phục vụ công tác phòng chống bệnh tật, song những thành phẩm này ở dạng nguyên liệu thô, chưa thành hàng hóa nên sức cạnh tranh kém.

Với hơn 3200 km bờ biển và thềm lục địa rộng lớn, chúng ta còn có kho báu gồm hàng ngàn loài sinh vật biển làm thuốc quý giá chưa có điều kiện nghiên cứu khai thác một cách hiệu quả. Kết quả này cũng đã cho thấy nguồn dược liệu ở nước ta rất phong phú. Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc các vùng nhiệt đới – nơi chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao chưa được khám phá hết. Bên cạnh đó, cộng đồng các dân tộc ở nước ta có vốn tri thức bản địa sử dụng các loài động vật, thực vật và khoáng vật làm thuốc rất phong phú, đa dạng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thực trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu

Trong tổng số trên 5.000 loài cây thuốc và nấm làm thuốc đã biết nhiều loài có tiềm năng khai thác tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc phục vụ nhu cầu thị trường. Theo kết quả điều tra giai đoạn 2013 - 2015, hiện có khoảng 80 loài/nhóm loài cây dược liệu nuôi trồng có tiềm năng khai thác, với trữ lượng ước tính là 18.372 tấn/năm. Trong đó, 45/70 loài/nhóm loài có tiềm năng khai thác lớn, như: Diếp cá (5000 tấn), Cẩu tích (1500 tấn), Lạc tiên (1500 tấn), Rau đắng đất (1500 tấn), Ngũ gia bì chân chim (1000 tấn), Thiên niên kiện, Bọ mắm khô (1000 tấn), Bình vôi (800 tấn), Râu hùm (500 tấn), Cỏ xước (500 tấn), Kê huyết đằng (500 tấn), Thiên niên kiện (500 tấn), Ngải cứu dại (300 tấn), Câu đằng (300 tấn), Bách bộ (200 tấn), Hà thủ ô trắng (200 tấn), Hy thiêm (200 tấn), Sa nhân (200 tấn), Tắc kè đá (200 tấn) …

Trong số các loài cây thuốc đã biết, chỉ có hơn 500 loài là cây thuốc đã được trồng với các mức độ khác nhau, nhiều loài là cây lương thực, thực phẩm, gia vị làm thuốc. Trên thực tế, hiện có khoảng 92 loài cây dược liệu được trồng phục vụ nhu cầu thị trường, một số loài đã và đang có vùng trồng lớn, như: Hồi, Quế, Hòe, Actiso, Thanh hao hoa vàng, Đinh lăng, Kim tiền thảo, Diệp hạ châu, Trinh nữ hoàng cung, Gấc, Nghệ, Bụp giấm...Trong đó, một số cây dược liệu đặc trưng và có giá trị kinh tế cao như: Quế được trồng tập trung chủ yếu ở Yên Bái với diện tích trên 50.000 ha và sản lượng ước tính đạt 5.000 tấn. Ngoài ra, Quế còn được trồng tập trung tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Nam,Thanh Hoá... Cây Hồi là cây dược liệu được trồng nhiều ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh (diện tích trồng khoảng 47.000 ha). Tổng sản lượng Hồi đạt khoảng gần 10.000 tấn/năm. Hoè hoa được trồng tập trung tại Thái Bình và một số địa phương như Hưng Yên, Hải Dương, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông. Tổng sản lượng Hoè đạt khoảng 6.000 tấn/năm. Sâm ngọc linh (Sâm Việt Nam) là loài sâm đặc hữu và có giá trị kinh tế cao. Hiện đang được đầu tư nghiên cứu và phát triển trồng tại hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích trên 50 ha. Thảo quả và sa nhân cũng là những cây thuốc có giá trị kinh tế đang được phát triển lớn tại các tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La... triển khai trồng với qui mô hàng nghìn hecta.

  Bên cạnh đó, diện tích trồng và sản lượng của một số dược liệu đã tăng lên khá nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu dược liệu như: Nghệ (5.000 tấn), Táo mèo (gần 5.000 tấn), Thảo quả (hơn 2.000 tấn), Actiso (2.400 tấn), Chùm ngây (1.200 tấn), Ba kích (840 tấn), Diệp hạ châu (800 tấn), Thanh hao hoa vàng (500 tấn), Bạch chỉ (450 tấn), Kim tiền thảo (330 tấn), Địa liền (200 tấn), Đinh lăng (100 tấn), Đương qui (100 tấn), Sa nhân (gần 100 tấn), Ý dĩ (100 tấn) ...Một số loài khác cũng đang được đầu tư phát triển như Hà thủ ô đỏ, Đẳng sâm, Bình vôi, Lan Kim tuyến, Bạch tật lê, Thông đỏ, Giảo cổ lam, Tục đoạn, Xuyên tâm liên, Hy thiêm, Sâm báo…Hiện có 50/92 loài được trồng với qui mô trên 10 ha. Một số vùng trồng cây thuốc nhập nội (Bạch chỉ, Xuyên khung, Địa hoàng, Bạch truật, Đương qui, Huyền sâm, Cát cánh) cũng từng bước được hình thành.

Mặc dù có khả năng nuôi trồng nhiều loại dược liệu nhưng do cách làm tự phát, thiếu liên kết và thị trường dược liệu không ổn định nên việc trồng cây dược liệu gặp nhiều khó khăn. Việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng dược liệu lưu hành, đặc biêt là kiểm soát chặt chẽ dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, dược liệu nhập lậu qua biên giới là giải pháp trực tiếp giúp cho dược liệu nuôi trồng, khai thác trong nước phát triển bền vững, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu...

Nhu cầu sử dụng dược liệu trong sản xuất và xuất khẩu

Tính đến nay, có khoảng 200 cơ sở kinh doanh dược liệu trên toàn quốc và có khoảng 60 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền đã được cấp Giấy chứng nhận đạt “Thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc” (GMP) và hơn 300 cơ sở kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, có thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành.

Theo thống kê sơ bộ, đến nay có khoảng 1000 số đăng ký lưu hành thuốc dược liệu; 2000 số đăng ký thuốc cổ truyền. Nhu cầu đăng ký thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền ngày càng tăng. Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 21/2018/TT–BYT ngày 12/09/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu và Thông tư số 39/2021/TT–BYT ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 21/2018/TT–BYT. Trong đó cũng đã ban hành rất nhiều quy định hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình xin đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền. Một số dược liệu xuất hiện nhiều trong số đăng ký lưu hành như: Cam thảo (439 số đăng ký); Đương quy (303 số đăng ký); Bạch truật (226 số đăng ký). Trong số các dược liệu thường sử dụng này, hiện cũng có một số dược liệu được các công ty sản xuất trong nước đầu tư hoặc liên kết với nông dân trồng, thu hái theo tiêu chuẩn: Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) như: Actiso, Đinh lăng, Diệp hạ châu, Kim tiền thảo, Rau đắng đất .... Tuy nhiên sản lượng thu hoạch từ các nguồn dược liệu này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Nguồn dược liệu có xuất xứ từ Việt Nam thường được khai thác tự nhiên hoặc trồng với quy mô nhỏ, chưa đáp ứng được về số lượng và giá cả. Khi đăng ký thuốc, thông tin về nguồn gốc dược liệu được công bố trong hồ sơ, tuy nhiên để giám sát việc thực hiện và quản lý chất lượng dược liệu cũng cần phải tăng cường công tác hậu kiểm, đặc biệt là các dược liệu dễ bị nhầm lẫn, làm giả mạo và chất lượng của các dược liệu khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo thống kê báo cáo từ các doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu cho thấy, trong những năm gần đây doanh thu sản xuất thuốc từ dược liệu trong nước liên tục tăng cao: Năm 2010 tăng 25%; năm 2011 tăng 33%; năm 2012 tăng 35%; Riêng năm 2012, doanh thu thuốc từ dược liệu sản xuất trong nước đạt trên 3.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 175 triệu USD) tăng 35% so với năm 2011 và chiếm tỷ lệ khoảng 14,6% tổng doanh thu thuốc sản xuất trong nước. Nhu cầu sử dụng dược liệu để sản xuất thuốc trong các doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu có báo cáo trong một số năm gần đây cho thấy trung bình các doanh nghiệp sử dụng khoảng 20.000-30.000 tấn dược liệu/năm.

Dược liệu còn được sử dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng cũng chiếm tỷ trọng không nhỏ. Theo ước tính của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nhu cầu sử dụng dược liệu để sản xuất TPCN ở Việt Nam là rất lớn, ước tính một năm lượng dược liệu sử dụng khoảng 20.000 tấn, trong số này đa phần là nhập khẩu nguyên liệu kể cả nguyên liệu thô cũng như nguyên liệu đã tinh chế (cao lỏng, cao đặc).

Ngoài ra, Dược liệu Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu lớn. Trước đây, nước ta có khả năng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu từ vài trăm cho đến hàng nghìn tấn sản phẩm như: Quế (Cinnamomum cassia), Hồi (Illicium verum), Thảo quả (Amomum aromaticum), Hòe (Cophora japonica), Địa liền (Kaempferia galanga), Hương nhu (Ocimum gratissimum), Cúc hoa (Chrysanthemum indicum), Ích mẫu (Leonurus artemisia), Actiso (Cynara scolymus), Đương quy (Angelica dahurica), Bạch truật (Atractylodes macrocephala), Bạc hà (Mentha spp.).

Theo số liệu tổng hợp từ Tổng Cục Hải quan (2012 - 2016), các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu khoảng 1.000 - 5.000 tấn dược liệu các loại, với giá trị xuất khẩu đạt 15 – 30 triệu USD/năm.

Riêng trong năm 2012, khối lượng dược liệu xuất khẩu tăng lên 4.907 tấn dược liệu, đạt hơn 5,9 triệu USD. Các dược liệu xuất khẩu nhiều nhất là Thảo quyết minh (3176 tấn), Ý dĩ (843 tấn), Cẩu tích (179 tấn), Hạt sen (150 tấn), Long nhãn (107 tấn), Thảo quả (69 tấn). Nếu chỉ tính 15 dược liệu xuất khẩu nhiều nhất đạt 4.857 tấn (99%) với giá trị 5,4 triệu USD (91,6%).

Thị trường xuất khẩu dược liệu chủ yếu là các nước Châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và một số nước châu Âu như Pháp và Nga.

Tồn tại, nguyên nhân

Về các cơ chế, chính sách

- Chưa có chính sách hoặc đã có nhưng chưa được triển khai kịp thời ở Trung ương và địa phương, chẳng hạn như: chính sách quản lý khai thác dược liệu tự nhiên; chính sách ưu đãi cụ thể về kinh phí, tạo điều kiện trong việc phát hiện, bảo tồn và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu; quy định đặc thù về giống cây dược liệu; chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, vốn, giống, công nghệ trong nuôi trồng dược liệu.

-  Các văn bản quy phạm pháp luật quản lý về dược liệu còn bị chồng chéo và còn nhiều khoảng trống, đặc biệt trong vấn đề quản lý dược liệu nhập khẩu do dược liệu được quản lý bởi nhiều Bộ, Ngành khác nhau. Chẳng hạn, dược liệu ngoài việc nhập khẩu với những quy định chặt chẽ để sử dụng trong sản xuất thuốc, còn có thể được nhập khẩu như nông sản hoặc để sản xuất mỹ phẩm nên khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng dược liệu nhập khẩu lưu thông trên thị trường.

- Chưa có chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện trong việc phát hiện, kế thừa, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan, bảo vệ bí mật trong bào chế, chế biến và bảo mật dữ liệu thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc cổ truyền.

- Chưa có chính sách cụ thể trong việc đãi ngộ hợp lý đối với người hiến tặng cho Nhà nước bài thuốc cổ truyền quý.

Về hoạt động quản lý

- Chưa có biện pháp tối ưu để thực hiện kiểm soát dược liệu nhập khẩu; vẫn xuất hiện tình trạng vận chuyển lậu dược liệu qua các lối mòn, cửa phụ biên giới đang diễn biến phức tạp.

- Chưa có cơ chế quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu triệt để. Nhiều các Trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố chưa đạt GLP nên chưa thể kiểm soát được toàn bộ chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu trên toàn quốc.

- Chưa có biện pháp tổng thể về quản lý nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu, dẫn đến có sự gian lận giữa dược liệu có nguồn gốc trong nước với dược liệu nhập khẩu, thậm chí còn xuất hiện tình trạng gian lận dược liệu trong nước với dược liệu nhập lậu.

Đề xuất giải pháp

(1) Nghiên cứu phát triển nuôi trồng, khai thác theo lộ trình, tập trung nuôi trồng, khai thác cụ thể từ 5 – 10 loại dược liệu hằng năm để đáp ứng được nhu cầu trong công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; hướng tới thay thế dần dược liệu nhập khẩu; tận dụng tối đa thế mạnh về nuôi trồng dược liệu của từng vùng, từng tỉnh, thành phố;

(2) Kết hợp đầu tư từ ngân sách nhà nước với huy động các nguồn lực tài chính khác cho phát triển công nghiệp nuôi trồng dược liệu; sản xuất dược liệu, thuốc từ dược liệu, thuốc cổ truyền...

(3) Quy định các loại dược liệu bị cố ý chiết hoạt chất, dược liệu bị cố ý sử dụng không đúng loài, không đúng bộ phận, dược liệu bị trộn lẫn hoặc bị thay thế bởi các thành phần khác, dược liệu mạo danh nguồn gốc, xuất xứ là dược liệu giả cần có chế tài xử lý thích đáng, giúp giải quyết được một trong những bất cập lớn nhất hiện nay liên quan đến chất lượng dược liệu.

(4) Cấm xuất khẩu dược liệu thuộc danh mục các loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát khi chưa được phép của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để tránh tình trạng các thương lái nước ngoài cố tình thu mua tận diệt các loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu của nước ta.

(5) Tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, Ngành với Bộ đội biên phòng nhằm ngăn chặn việc khai thác tận diệt dược liệu; quản lý chặt chẽ xuất khẩu dược liệu khai thác tự nhiên.

(6) Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, phát triển dược liệu. Đề nghị thúc đẩy quá trình ký kết Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam – Trung Quốc về nội dung trao đổi các vấn đề về xuất nhập khẩu dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu…

PGS.TS. Trần Thị Hồng Phương

Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer