Nguy cơ "vỡ trận" tại bệnh viện ở Mỹ do Covid-19

Một bệnh viện ở Mỹ đang trong tình trạng quá tải khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng ở bệnh viện này không được điều trị.
20/11/2020 14:12

 Đây là tình trạng xảy ra ở Bệnh viện ở El Paso, Texas. Theo Lawanna Rivers, y tá làm việc tại đây, hầu hết bệnh nhân nguy kịch được đưa vào khu riêng. Họ sẽ "nằm chờ chết" vì ngoài các y tá như cô, không có bất cứ bác sĩ nào vào thăm khám.

"Các bác sĩ không hề đặt chân vào khu vực có bệnh nhân Covid-19 hấp hối vì lo sợ nhiễm virus. Y tá trực được yêu cầu thực hiện thủ thuật hồi sức ba lần cho bệnh nhân trước khi để họ ra đi", Rivers nói. "Mọi người truyền tai nhau bệnh nhân nào vào khu này sẽ được đưa ra trong bao tải bọc cơ thể".

Ở El Paso, không chỉ đội ngũ y tế, các nhân viên điều tra cũng trong tình trạng quá tải. Các trại giam trả cho tù nhân mức thù lao 2 USD mỗi giờ cho việc chất thi thể bệnh nhân Covid-19 đưa lên các nhà xác di động.

qua tai benh vien

Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Madison đang mặc đồ bảo hộ để vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: NY Times

Các bệnh viện trên khắp nước Mỹ đang điều trị gần 70.000 bệnh nhân Covid-19, sắp quá công suất hoạt động. Sự căng thẳng len lỏi khắp nơi.

Tại bang Utah, các con số kỷ lục liên tục bị phá vỡ, số ca nhiễm tăng vọt. 25% xét nghiệm mới cho kết quả dương tính. Áp lực đè nặng lên nhân viên y tế khi lượng bệnh nhân đổ vào khu hồi sức tích cực sắp vượt quá mức cho phép.

"Chúng tôi rất mệt mỏi, cả về tinh thần, thể chất và cảm xúc", y tá Nate Smithson, làm việc tại Trung tâm Y tế Intermountain, bệnh viện lớn nhất Utah, chia sẻ. Cô cho biết một số bệnh nhân Covid-19 vẫn không tin vào hiện thực tàn khốc của đại dịch. "Họ từ chối thực tại. Gia đình họ cũng từ chối", Smithson nói.

"Với những bệnh nhân phải đặt thiết bị hỗ trợ sự sống, chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để giúp họ khỏe hơn. Sau khi tỉnh lại, điều đầu tiên họ cố gắng giao tiếp là hỏi đây có phải một trò đùa hay không", Janine Roberts, một y tá khác tại Trung tâm Y tế Intermountain kể.

Tiến sĩ Alexander Garza, Giám đốc Y tế Cộng đồng tại Lực lượng Đặc nhiệm Đại dịch St. Louis, cho biết họ không có phương án dự phòng nào. Nếu tình hình vẫn diễn ra như cũ trong hai tuần tới, rất có thể sẽ không còn đủ nhân viên y tế để chăm sóc bệnh nhân.

"Tình hình ngày càng hỗn loạn. Dịch bệnh lây lan như một đám cháy rừng", Andy Beshear, thống đốc bang Kentucky nhận định. Chính quyền quận St. Louis, Missouri khuyến khích người dân tối đa thời gian ở nhà.

Thống đốc California, Gavin Newsom, ra lệnh ngừng tất cả nỗ lực mở cửa trở lại. "Chúng ta đang đi lùi, chứ không tiến lên", ông phát biểu trong cuộc họp báo hôm 16/11.

Trong khi đó, bang Michigan áp dụng các biện pháp mới, hạn chế tụ tập trong nhà.

Thống đốc bang Washington thông báo khẩn cấp phong tỏa các phòng gym, rạp chiếu phim, khu chơi bowling, khu ăn uống trong nhà. "Nếu thực hiện tốt, các bạn có thể cứu sống nhiều mạng người. Nếu không, các bạn sẽ ngập trong cơn sóng thần Covid-19", thống đốc bang Washington Jay Inslee cảnh báo.

Mỹ là quốc gia hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ đại dịch. Tính tới ngày 20/11, hơn 12 triệu ca nhiễm được ghi nhận, ít nhất 258.000 ca tử vong. Với số ca nhiễm nCoV tăng đột biến, Mỹ đối mặt với một mùa đông đáng sợ, dịch bệnh không có chiều hướng suy giảm tại bất kỳ khu vực nào trên cả nước.

Ngày 18/11, Pfizer tuyên bố hoàn thành thử nghiệm vaccine Covid-19, cho thấy hiệu quả 95%. Trước đó, Moderna cũng tuyên bố vaccine đạt độ bảo vệ 94,5%. Như vậy, Mỹ có hai loại vaccine Covid-19 tác dụng vượt xa mong đợi, dự kiến được phê duyệt khẩn cấp tháng 12 năm nay, mở ra hy vọng kiểm soát đại dịch.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer