Toàn cầu vượt 57 triệu ca nhiễm Covid-19, WHO kêu gọi G20 hỗ trợ tiền mua vaccine
Thế giới ghi nhận thêm 10.800 ca tử vong do Covid-19 hôm 18/11, nâng số người chết vì đại dịch lên 1.364.463. Tổng số ca nhiễm hiện là 57.185.318, tăng 663.796 ca, trong khi 39.683.300 người đã bình phục, theo trang cập nhật theo thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 12.042.688 ca nhiễm và 258.067 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 188.048 và 1.991 trường hợp.
Các bang và thành phố Mỹ đang áp đặt một loạt hạn chế mới, bao gồm yêu cầu người dân ở nhà, không cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà và giới hạn tụ tập khi ca nhiễm tăng cao trở lại trên khắp đất nước. Chính quyền Mỹ hôm qua cũng gia hạn lệnh hạn chế đi lại qua biên giới với Canada và Mexico đến ngày 21/12.
Người dân lấy mẫu xét nghiệm tại New Delhi, Ấn Độ, hôm 19/11. Ảnh: AFP.
Công tác phòng chống dịch tại Mỹ càng thêm khó khăn khi Tổng thống Donald Trump chưa công nhận Joe Biden là tổng thống đắc cử và từ chối tiến hành các thủ tục chuyển giao quyền lực. Biden cùng đội ngũ của ông không thể phối hợp với quan chức chính phủ trong các vấn đề quan trọng, bao gồm chống đại dịch và kế hoạch phân phối vaccine Covid-19.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 46.182 ca nhiễm và 584 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.004.325 và 132.202.
Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng tại New Delhi, nơi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, khiến nhiều bệnh viện quá tải. Chính quyền thủ đô đã lên kế hoạch khôi phục một số biện pháp hạn chế nếu cần thiết, như đóng cửa các khu chợ. Ấn Độ hy vọng 5 loại vaccine được thử nghiệm tại nước này sẽ giúp họ kiểm soát đại dịch thành công.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 564 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 168.061. Số người nhiễm nCoV tăng 34.364 ca trong 24 giờ qua, lên 5.981.767.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc điều trị thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Pháp hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo 2.086.688 ca nhiễm và 47.127 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 21.150 ca nhiễm và 429 ca tử vong. Bất chấp lệnh phong tỏa mới trên phạm vi toàn quốc áp dụng từ ngày 30/10 giúp số ca nhiễm nCoV mới giảm mạnh, Pháp vẫn trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc hai triệu ca nhiễm nCoV.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Verana cho biết nước này đang lấy lại đà kiểm soát nCoV, nhưng chưa sẵn sàng nới lỏng các biện pháp hạn chế. Dù số ca nhiễm hàng ngày đã thấp hơn, số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 lại lên mức cao kỷ lục. Chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron đặt mục tiêu kết thúc lệnh phong tỏa vào ngày 1/12, nhưng có thể kéo dài thêm nếu tình hình không cải thiện đủ nhanh.
Anh báo cáo thêm 22.915 ca nhiễm và 501 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.453.256 và 53.775. Anh đang là một trong những vùng dịch lớn nhất châu Âu cũng như thế giới, khiến chính phủ tái áp đặt phong tỏa toàn quốc từ ngày 31/10, đánh dấu một trong những lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II.
Đức ghi nhận 23.676 ca nhiễm mới và 296 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 878.209 và 13.788. Mặc dù đồ thị số liệu Covid-19 đang bằng phẳng hơn, giới chức đánh giá các số liệu hàng ngày vẫn quá cao.
Từ ngày 2/11 đến 30/11, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch". Trường học và các cửa hàng vẫn được mở cửa, nhưng tất cả nhà hàng, quán bar, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết nước này có thể kéo dài các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 trong 4-5 tháng nữa. Thủ tướng Angela Merkel đang thúc đẩy những biện pháp phòng dịch chặt chẽ hơn, như đeo khẩu trang tại tất cả trường học và trong những lớp học quy mô nhỏ hơn.
Nga, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 23.610 ca nhiễm nCoV và kỷ lục 463 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 2.015.608 và 34.850.
Giới chức Nga cho biết các biến chủng nCoV đang xuất hiện ở vùng Siberia của nước này, đồng thời cảnh báo chúng có thể khiến dịch bệnh trở nên nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, Rinat Maksyutov, tổng giám đốc Viện virus học Vector của Nga, nhấn mạnh các biến chủng không thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine Covid-19.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 759.658 ca nhiễm và 20.671 ca tử vong, tăng lần lượt 2.514 và 115 ca.
Nam Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Iran, vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 43.417 người chết, tăng 476, trong tổng số 815.117 ca nhiễm, tăng 13.223. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Giới chức Iran thừa nhận số liệu chính thức dường như thấp hơn so với mức độ nghiêm trọng của đại dịch ở nước này. Họ đang xem xét áp dụng các biện pháp chống virus mới trên phạm vi toàn quốc từ ngày 21/11.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 483.518 ca nhiễm, tăng 4.798 so với hôm trước, trong đó người chết là 15.600, tăng 97 ca.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuần trước cho biết nước này dự định tiêm chủng hàng loạt cho nhân viên y tế và các nhân viên trên tuyến đầu khác từ tháng 12, nhằm kiềm chế dịch bệnh và hỗ trợ phục hồi kinh tế, sử dụng một số loại vaccine Covid-19 tiềm tăng như Sinovac của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước quốc hội hôm 18/11, lãnh đạo cơ quan phụ trách thực phẩm và dược phẩm Indonesia cảnh báo họ không thể cấp phép kịp cho hoạt động này đúng thời hạn tháng 12, do dữ liệu lúc đó chưa hoàn thành.
Philippines báo cáo 413.430 ca nhiễm và 7.998 ca tử vong, tăng lần lượt 1.337 và 41 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực.
Mặc dù các con số có xu hướng giảm trong vài tuần gần đây, Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario cảnh báo không được chủ quan. Công tác chống Covid-19 tại Philippines gặp nhiều khó khăn do bão lớn liên tiếp đổ bộ, khiến người dân phải đi sơ tán tại các địa điểm đông người và thiếu biện pháp phòng dịch an toàn.
"Cam kết của các lãnh đạo G20 tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Riyadh nhằm đầu tư đáng kể cho khoảng trống 4,5 tỷ USD trong sáng kiến Tăng tốc Tiếp cận Công cụ Covid-19 (ACT Accelerator) sẽ cứu giúp nhiều mạng sống, đặt nền tảng mua sắm và triển khai đại trà những công cụ ứng phó Covid-19 trên toàn cầu, cũng như đưa ra chiến lược thoát khỏi khủng hoảng nhân đạo và kinh tế này", bức thư được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi đến lãnh đạo G20 có đoạn viết.
Trong thư có chữ ký của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. WHO cũng kêu gọi các lãnh đạo G20 đóng góp một phần ngân sách nhằm kích cầu sáng kiến ACT Accelerator, bảo đảm nguồn cung vật tư y tế cho các nước thu nhập thấp.
Theo VnExpress
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm -
Tầm nhìn “Borderless Future” - Định hình tương lai không biên giới tại nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, tại Hội nghị Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024, khi cái tên Unilever Việt Nam được xướng lên ở vị trí số 1 trong danh sách 100 doanh nghiệp lớn có môi trường làm việc tốt nhất, đó không chỉ là khoảnh khắc đáng tự hào mà còn là sự khẳng định cho tầm nhìn, những nỗ lực bền bỉ của một doanh nghiệp Top 1 ngành FMCG trong hành trình xây dựng môi trường làm việc hiện đại, bền vững.November 20 at 5:20 pm