Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả khi da tay bị bong tróc

Da tay bị bong tróc là tình trạng thường xuyên xảy ra và điều này sẽ khiến bạn cảm thấy bị đau rát, khó chịu và đặc biệt làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Vậy làm thế nào để xử lý và giúp da tay nhanh lành lại?
18/09/2020 10:04

Da tay bị bong tróc là bệnh gì?

da-tay-bi-bong-troc-3-e1597734826565

Da tay bị bong tróc có nghĩa là lớp ngoài cùng của da (lớp biểu bì) bị bung vảy, bong tróc khiến tay nứt nẻ, sưng tấy, đau rát, ngứa… 

Tình trạng này thường được phân làm 2 loại:

– Do viêm da cơ địa: thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng, mắc bệnh lý tiềm ẩn như chàm, vẩy nến, dị ứng…

– Do viêm da tiếp xúc: bởi phản ứng với các tác nhân như nước tẩy rửa, hóa chất, môi trường ô nhiễm…

Da tay bị bong tróc có thể đi kèm với nhiều triệu chứng khác như chảy máu, phồng rộp, nóng ran, khô và viêm da, kích ứng, ngứa, phát ban đỏ, sưng tấy. 

Nguy hiểm hơn, đây cũng có thể là một tình trạng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng nếu đi cùng với những triệu chứng của hội chứng sốc nhiễm độc hoặc hội chứng Stevens-Johnson. Bạn cần đến bệnh viện ngay nếu có triệu chứng của những bệnh này. 

Nếu là viêm da tiếp xúc, bạn dùng các loại kem, kem dưỡng da không kê đơn (OTC) hoặc những cách điều trị tại nhà sẽ đỡ. Nếu bong tróc da là do các bệnh lý, rối loạn thì bạn cần chữa trị theo chỉ định từ bác sĩ.

Nguyên nhân khiến da tay bị bong tróc

da-tay-bi-bong-troc-1-e1597734518100

Da tay bị bong tróc có thể do các yếu tố môi trường hoặc các bệnh lý có từ trước.

Các yếu tố từ môi trường

Nguyên nhân từ môi trường khiến da tay bong tróc là do những tác động bên ngoài chứ không phải do các vấn đề bên trong và thường đến từ những yếu tố tác động dưới đây.

1. Rửa tay quá nhiều 

Mặc dù rửa tay thường xuyên có thể giúp bạn giảm sự lây lan của vi khuẩn có hại, nhưng điều này sẽ vô tình loại bỏ lớp dầu bảo vệ của da. Khi dầu mất đi, da không còn giữ được độ ẩm, gây khô da hoặc viêm da do xà phòng.

Thói quen rửa tay thường xuyên sẽ khiến da tay bị bong tróc nhiều hơn. Do đó, bạn chỉ rửa tay khi cần thiết, dưỡng ẩm sau đó và tránh làm khô da bằng khăn giấy thô.

2. Khí hậu khiến da tay bị bong tróc 

Điều kiện thời tiết quá khô hoặc quá lạnh cũng có thể làm khô da, khiến da tay bị bong tróc hoặc nứt nẻ. Tình trạng bong tróc da sẽ càng nặng hơn nếu bạn không đeo găng tay ấm khi ra ngoài trời.

3. Cháy nắng làm da bong tróc 

Tác hại của tia UV có thể khiến da của bạn bị cháy nắng làm sưng đỏ, đau rát và mềm trước khi bong tróc hoặc tróc vảy. Dù hầu hết các vết cháy nắng đều hết trong vòng một tuần nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư da ở một số người. 

Bạn tránh để da bị tổn thương thêm bằng cách che phủ tay bằng găng tay và thoa một lớp kem chống nắng rất mỏng phù hợp cho da nhạy cảm với chỉ số SPF 45 hoặc cao hơn.

4. Trẻ mút ngón tay bị bong tróc da 

Trẻ mút tay quá nhiều có thể dẫn đến lở loét và bong tróc da trên đầu ngón tay. Không chỉ có trẻ nhỏ, người lớn khi căng thẳng cũng thường có thói quen cắn hoặc mút ngón tay nên dễ bị tróc da đầu ngón tay.

5. Hóa chất khiến da tay bị bong tróc 

Khoảng 13 triệu người ở Hoa Kỳ làm những công việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại như trong ngành công nghiệp, xây dựng và sản xuất nên da tay bị khô, kích ứng và dễ bong tróc. 

Phụ nữ nội trợ trong gia đình cũng là đối tượng có nguy cơ cao bị bong tróc da tay khi tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa để lau sàn, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc da, vệ sinh cá nhân…  

Nguyên tắc quan trọng nhất để tránh các hóa chất mạnh là bạn tìm kiếm các sản phẩm dành cho da nhạy cảm. Các sản phẩm này thường không có hương thơm và không có các hóa chất độc hại gây kích ứng da bạn.

Những bệnh tiềm ẩn khiến da tay bị bong tróc

da-tay-bi-bong-troc-2-e1597734702129

Ngoài những yếu tố về môi trường thì da tay bị bong tróc cũng có thể là do bạn mắc phải một số bệnh về da. Vậy da tay bị bong tróc là bệnh gì?

1. Bệnh chàm ở tay

Bệnh chàm bàn tay hay còn được gọi là bệnh viêm da tay là một tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số Hoa Kỳ. Bệnh có thể do di truyền hoặc do tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích ứng.

2. Bệnh tróc tế bào da và sừng bàn tay

Đây là một tình trạng da phổ biến gây bong tróc, xảy ra chủ yếu trong những tháng mùa hè và thường xuyên ảnh hưởng đến thanh niên và thanh thiếu niên.

Các vết phồng rộp sẽ xuất hiện trên bàn tay, sau đó vỡ ra và để lại những vùng bong tróc. Những vùng này sau đó sẽ bị đỏ, khô và nứt nẻ, nhưng chúng thường không ngứa.

Tình trạng bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn khi bạn tiếp xúc với các chất gây kích ứng như xà phòng, chất tẩy rửa và dung môi.

3. Bệnh vẩy nến

Bệnh vẩy nến là một tình trạng da gây ra các mảng da đỏ, viêm, phổ biến hơn ở khuỷu tay, đầu gối, da đầu và lưng dưới so với bàn tay. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể.

Đây là một bệnh tự miễn dịch, có nghĩa là hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh nhưng không lây nhiễm. Bệnh vảy nến có thể trầm trọng hơn do chấn thương, chế độ ăn uống, độ ẩm và căng thẳng. 

Bệnh vảy nến không có cách chữa trị nhưng bạn có thể giảm triệu chứng bằng cách dùng kem hoặc thuốc mỡ bôi ngoài da.

4. Viêm da tiếp xúc dị ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng xảy ra khi một người chạm vào những chất xúc tác có thể gây dị ứng. Ví dụ, nếu bạn bị dị ứng niken, da có thể kích ứng, nứt nẻ hoặc bong tróc nếu chạm vào niken.

5. Bệnh Kawasaki ở trẻ nhỏ 

Bệnh Kawasaki là một tình trạng hiếm gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất là nhiệt độ tăng cao kéo dài hơn 5 ngày và thường gây bong tróc da ở bàn tay.

Đây là bệnh cần được điều trị tại bệnh viện và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán sớm. Biến chứng tim mạch xảy ra trong khoảng 5% trường hợp và 1% trường hợp tử vong.

6. Thiếu niacin hoặc thừa vitamin A

• Thiếu niacin: Pellagra là một tình trạng bệnh do thiếu vitamin B3 (niacin) trong chế độ ăn uống nên dẫn đến viêm da, tiêu chảy và thậm chí mất trí nhớ. Bạn nên bổ sung thực phẩm chứa niacin để khôi phục mức vitamin B3 và nhờ bác sĩ tư vấn sử dụng thêm thực phẩm bổ sung. 

• Thừa vitamin A: Nếu bổ sung quá nhiều vitamin A, da bạn cũng có thể bị kích ứng và nứt móng tay. Các triệu chứng thừa vitamin A có thể bao gồm buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi. Nếu có dấu hiệu thừa vitamin A, bạn nên đến bệnh viện để được chẩn đoán bệnh và điều trị theo chỉ định từ bác sĩ. 

Cách giúp chữa da tay bị bong tróc tại nhà

Để hỗ trợ điều trị tình trạng da tay bị bong tróc tại nhà, bạn có thể thử những cách dưới đây: 

1. Ngâm tay với mật ong và nước cốt chanh

Bạn ngâm tay với mật ong, nước cốt chanh pha cùng nước ấm trong 10 phút mỗi ngày sẽ làm da tay mềm mại hơn, da khô sẽ bắt đầu bong ra. Sau thời gian này, bạn lấy tay ra khỏi nước và lau khô. Sau đó, bạn đừng quên thoa một loại kem dưỡng ẩm tốt để da nhanh lành sớm. 

2. Dưỡng ẩm tại nhà bằng mật ong

Mật ong có khả năng dưỡng ẩm nên bạn có thể dùng nguyên liệu này thoa lên các khu vực bị ảnh hưởng và để trong nửa giờ. Đây là một phương pháp điều trị tại nhà sẽ không làm bạn thất vọng.

3. Ngâm da tay bị bong tróc bằng yến mạch

Bạn cho yến mạch vào một tô nước ấm lớn rồi chờ yến mạch mềm và cho tay vào ngâm trong 10 đến 15 phút. Nếu tình trạng bong da nặng, bạn nên ngâm tay bằng yến mạch mỗi ngày. 

4. Dưỡng da bằng dưa chuột

Bạn lấy một quả dưa chuột, gọt vỏ và cắt thành từng lát dày. Sau đó, bạn chà lát dưa leo lên bàn tay bị ảnh hưởng rồi rửa tay sau 10 đến 15 phút và để khô. Sau đó, bạn rửa lòng bàn tay bằng nước ấm và massage bằng kem dưỡng ẩm tốt hoặc dầu vitamin E.

5. Giúp da khô mềm mại hơn bằng dầu dừa

Dầu dừa là giải pháp cho một số vấn đề về da liễu, bao gồm cả bong tróc da do hoạt động bằng cách giữ ẩm cho làn da nên giúp da mềm mại. 

Bạn có thể thoa dầu dừa lên lòng bàn tay bị bong tróc một vài lần trong ngày và cũng có thể dưỡng ẩm vào ban đêm và rửa sạch tay vào sáng hôm sau.

6. Thoa lên da tay hỗn hợp chuối chín, mật ong và sữa

Để điều trị da tay bị bong tróc, bạn hãy nghiền chuối chín với một ít mật ong và sữa tươi không đường rồi thoa lên bàn tay bị bong tróc da. Bạn làm điều này thường xuyên để giúp da hấp thụ các chất cần thiết giúp nuôi dưỡng da.

7. Nhẹ nhàng với làn da của bạn

Khi lau tay hoặc rửa tay, bạn không nên chà xát da sẽ làm cho tình trạng bong tróc trở nên tồi tệ hơn. Thay vào đó, bạn hãy vỗ nhẹ vào khăn cho da khô hoặc xoa tay nhẹ nhàng.

8. Chườm mát cho da tay

Bạn đặt một miếng gạc ướt và mát trên da trong 20 – 30 phút để làm dịu kích ứng và ngừng bong tróc. Lưu ý là bạn không chườm đá trực tiếp lên da vì có thể gây kích ứng thêm.

9. Uống đủ nước

Bạn uống ít nhất 8 ly nước một ngày sẽ giúp hỗ trợ điều trị tình trạng bong tróc da tay. 

10. Sử dụng kem dưỡng da

Một số loại kem dưỡng ẩm sẽ giúp bạn điều trị da tay bị bong tróc tại nhà. Tuy nhiên, trước khi dùng kem, bạn nên hỏi bác sĩ để được tư vấn chọn sản phẩm phù hợp.

Nếu da tay vẫn không phục hồi dù đã điều trị tại nhà, bạn nên đến gặp bác sĩ. Đồng thời nếu da tay bị bong tróc đi kèm sốt, nhiễm trùng, tróc da trên 2 tuần và tệ dần theo thời gian thì bạn cũng nên đến gặp bác sĩ ngay.

Bàn tay đang lành lặn khi chỉ có một vết tróc da cũng đủ để khiến bạn cảm thấy xót xa. Vì thế, bạn hãy luôn bảo vệ da tay của mình cẩn thận để hạn chế những tổn thương nhiều nhất có thể nhé.

comment Bình luận

largeer