Nhiều học sinh ở Hà Nội nghi bị ngộ độc sau bữa ăn trưa

Theo nhà trường, trong số 106 học sinh nghỉ học sáng 16-4 có một số em dù chưa có biểu hiện ói, đau bụng nhưng cha mẹ cũng cho nghỉ học vì lo lắng.
16/04/2021 16:52
Nhiều học sinh ở Hà Nội đau bụng, buồn ói sau bữa ăn trưa - Ảnh 1.

 

Trường tiểu học - THCS Pascal - Ảnh: CHÍ TUỆ

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại Trường tiểu học - THCS Pascal (ngõ 234 đường Hoàng Quốc Việt, Q.Bắc Từ Liêm) sáng 16-4, nhiều phụ huynh đến đón con em về giữa buổi học. Theo một số phụ huynh, họ đến đón do con em họ có biểu hiện đau bụng, mệt mỏi.

Đại diện ban phụ huynh của trường, các lớp cũng có mặt tại trường đề nghị nhà trường sớm có thông tin, làm rõ nguyên nhân học sinh có biểu hiện trên để các phụ huynh không hoang mang, lo lắng.

Một phụ huynh học sinh lớp 2 nói: "Sáng nay khi tôi đưa con đi học thì cháu không có biểu hiện gì, đến khoảng gần trưa thì cô giáo chủ nhiệm gọi điện báo tôi đến đón cháu về. Cháu nói bị mệt, đau bụng. Lớp cháu học cũng có nhiều em có biểu hiện tương tự".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 16-4, bà Lê Thị Thanh Nhàn, hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Pascal, cho biết qua rà soát nhanh sáng 16-4, có 106 học sinh nghỉ học, trong đó có một số em dù chưa có biểu hiện ói, đau bụng nhưng cha mẹ cũng cho nghỉ học vì lo lắng. Hiện nhà trường đang thống kê lại số lượng học sinh có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng.

"Tại phòng y tế của nhà trường có khoảng 20 học sinh đang điều trị, các em có biểu hiện đau bụng, ói, mệt mỏi" - bà Nhàn nói.

Theo bà Nhàn, trưa 15-4, học sinh ăn cá ba sa chiên bơ, trứng chưng non, bắp cải xào, canh cải nấu thịt, tráng miệng ổi. Buổi chiều các em ăn chè đậu xanh và bánh nabati.

"Buổi sáng học sinh đến lớp đều không có biểu hiện gì, chỉ có một trường hợp kêu đau bụng. Sau khi ăn bữa trưa và ăn nhẹ buổi chiều thì một số em có biểu hiện đau bụng, buồn ói, mệt mỏi. Một số thầy cô giáo của trường cũng có biểu hiện tương tự" - bà Nhàn nói.

Nhiều học sinh ở Hà Nội đau bụng, buồn ói sau bữa ăn trưa - Ảnh 2.

 

Sáng 16-4, sau khi tới trường, một số học sinh tiếp tục có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng - Ảnh: CHÍ TUỆ

Bà Nhàn cho biết sau khi sự việc xảy ra, trường đã gửi các mẫu thực phẩm đi xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân, song các đơn vị đều từ chối. Tuy nhiên đơn vị này không báo cáo chính quyền địa phương.

Đến gần trưa 16-4, sau khi nhận được thông tin, đại diện Trạm y tế phường Cổ Nhuế 1 đã có mặt tại Trường Pascal để điều tra dịch tễ và yêu cầu nhà trường giữ nguyên các mẫu thực phẩm để cơ quan chức năng của TP Hà Nội và quận Bắc Từ Liêm đến làm việc.

"Hiện chúng tôi đang chờ cơ quan chức năng của thành phố về làm việc và điều tra nguyên nhân" - bà Nhàn nói.

Theo đại diện Trạm y tế phường Cổ Nhuế 1, ngoài Trường Pascal thì Trường Newton cũng có biểu hiện tương tự. Trạm y tế đã báo cáo TP và quận để làm rõ nguyên nhân.

Chiều 16-4, ông Chu Thanh Hà, chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1, cho biết cơ quan chức năng của quận Bắc Từ Liêm và phường đang làm việc với các trường để làm rõ nguyên nhân nhiều học sinh có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn ói.

46 học sinh trường Newton bị ngộ độc: 25 em đã đi học lại

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sau khi nghe thông tin về sự việc học sinh trường Newton bị ngộ độc thực phẩm, sở đã yêu cầu phòng GD-ĐT và trường báo cáo.

Theo báo cáo của phòng GD-ĐT quận Bắc Từ Liêm, chiều 15-4, một số học sinh của trường ăn bánh pizza và có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm. Tính tới ngày 16-4, có 46 học sinh có hiện tượng bị tiêu chảy, một số học sinh bị ói. Trong số này có học sinh ăn bán trú tại trường, có học sinh không ăn bán trú.

Trong 46 học sinh, hiện có 25 em đi học bình thường và đăng ký ăn bán trú trong ngày 16-4, số còn lại đang nghỉ học. Nhà trường đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, gửi mẫu thức ăn đi xét nghiệm và đang chờ kết quả. Đại diện y tế quận Bắc Từ Liêm cũng đang liên hệ chặt chẽ với phụ huynh học sinh để theo dõi tình hình sức khỏe các em nghỉ học.

Dựa trên kết quả xét nghiệm mẫu thức ăn, phòng GD-ĐT cùng các đơn vị chức năng sẽ phối hợp với nhà trường xem xét trách nhiệm của những người liên quan và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Tuổi trẻ

comment Bình luận

largeer