Nhờ COVID-19, mức độ phơi nhiễm tiếng ồn ở Mỹ giảm đáng kể

Mức âm lượng trung bình hằng ngày đã giảm khoảng 3 decibel (dBA) trong thời gian chính quyền các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và yêu cầu người dân ở nhà vào các tháng 3 và 4, so với tháng 1 và 2 trong năm nay ở Mỹ.
11/10/2020 17:08

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan (UM), mức độ phơi nhiễm với tiếng ồn của người dân giảm gần một nửa trong những tháng đầu của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mỹ.

Nhờ COVID-19, tiếng ồn giảm đáng kể ở Mỹ - Ảnh 1.

 

Ô nhiễm tiếng ồn được xem là một sát nhân giấu mặt với sức khỏe con người - Ảnh: frontiersin.org

Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất tính tới thời điểm này, trong đó phân tích hơn 500 mức âm lượng hằng ngày được đo trước và trong đại dịch COVID-19. 

Theo thông cáo báo chí đăng trên website của UM ngày 9-10, mức âm lượng trung bình hằng ngày đã giảm khoảng 3 decibel (dBA) trong thời gian chính quyền các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và yêu cầu người dân ở nhà vào các tháng 3 và 4, so với tháng 1 và 2 trong năm nay ở Mỹ. 

Giáo sư Rick Neitzel, ngành sức khỏe môi trường Trường Sức khỏe cộng đồng của UM, đánh giá: "Đây là mức giảm đáng kể về mức độ phơi nhiễm với tiếng ồn. Nó có thể có tác động lớn đến sức khỏe về tổng thể cho con người theo thời gian.

Có bốn tiểu bang ở Mỹ được xem xét trong nghiên cứu này. California và New York đều có mức giảm về mức độ tiếng ồn đáng kể và nhanh chóng trong khi hai bang còn lại là Florida và Texas giảm ít hơn.

Mức độ phơi nhiễm với tiếng ồn giảm nhiều nhất vào cuối tuần, từ thứ sáu đến chủ nhật, trong đó gần 100% người tham gia nghiên cứu giảm thời gian tiếp xúc với tiếng ồn trên ngưỡng 75 dBA, mức âm thanh to như chuông báo thức. 

Mặc dù vậy, giáo sư Neitzel cho biết sau khi có lệnh phong tỏa và người dân không đến công sở, việc quan sát khó khăn hơn, do thói quen hằng ngày của người dân bị gián đoạn. "Chúng tôi không còn thấy sự khác biệt lớn về thời gian tiếp xúc với tiếng ồn của năm ngày làm việc truyền thống so với cuối tuần nữa". 

Các biện pháp chống dịch đã tạo nên các cột mốc cho phép các nhà nghiên cứu mô tả mức độ phơi nhiễm với tiếng ồn của người Mỹ ở một tiểu bang cụ thể, trong các nhóm tuổi cụ thể. 

Đây là những câu hỏi mà các nhà nghiên cứu đã đặt ra trong nhiều năm và giờ đây, họ bắt đầu có dữ liệu để có thể trả lời. Kết quả của nghiên cứa sẽ được chia sẻ với Tổ chức Y tế thế giới. 

Ô nhiễm tiếng ồn được xem là một sát nhân giấu mặt với sức khỏe con người. Tiếng ồn che lấp âm thanh chúng ta cần nghe, do đó làm giảm các phản xạ tự nhiên của con người với âm thanh; gây ra các bệnh về thính giác và hệ thần kinh, gián tiếp gây ra bệnh tim mạch; tiếp xúc với tiếng ồn cao lâu ngày dẫn tới bệnh đãng trí và bệnh điếc không thể phục hồi.

Sống trong môi trường có tiếng ồn quá lớn, rủi ro không chỉ về tâm thần mà phần tai trong của chúng ta có thể bị tổn thương, dây thần kinh thính giác bị teo lại. Nếu phải nghe tiếng ồn với múc độ khoảng 50 - 60 dBA liên tục, con người sẽ dễ stress, cáu giận, chóng mặt, đau đầu và có nguy cơ cao về bệnh thần kinh.

Với trẻ em, tiếng ồn có thể khiến trẻ mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả học ngôn ngữ  ngay từ những năm đầu đời. Tất cả những tác động này dẫn đến nhiều biểu hiện xấu về tâm lý, sinh lý, bệnh lý, ảnh hưởng hiệu quả lao động, nhất là với cư dân đô thị.

Theo Tuổi trẻ

comment Bình luận

largeer