Những chiến sĩ áo trắng vùng biên: Quyết không bỏ nghề, tất cả vì sức khỏe của nhân dân
Chồng chất khó khăn
Những ngày đầu của mùa thu, chúng tôi trở lại xã Tà Cạ, một địa phương của huyện miền núi cao Kỳ Sơn (Nghệ An). Nơi đã hứng chịu những tổn thất vô cùng nặng nề của cơn “đại hồng thủy” gần 1 năm về trước khiến hàng chục hộ dân bị mất nhà cửa, hàng trăm hộ dân bị thiệt hại về kinh tế.
Năm nay mùa mưa bão lại chuẩn bị đến gần, nên các y, bác sĩ Trạm Y tế xã Tà Cạ đang khẩn trương tích cực sửa sang lại cơ sở vật chất, chuẩn bị thuốc men để đáp ứng cho những tình huống khẩn cấp đe dọa tới sức khỏe của nhân dân và phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đón tiếp chúng tôi với nụ cười pha lẫn những giọt mồ hôi đang lăn trên mặt của bác sỹ Vy Thị Giang – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tà Cạ cho biết, thời gian vừa qua đơn vị có thêm những thiết bị mới phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân do các nhà tài trợ trao tặng, nhưng vẫn còn thiếu thốn khá nhiều.
Bác sỹ Vy Thị Giang - Trạm Trưởng trạm Y tế xã Tà Cạ trải lòng về những thiếu thốn, khó khăn của đơn vị
Trạm y tế xã Tà Cạ nằm ngay sát cạnh bên suối, thường xuyên phải gồng mình chống đỡ những cơn lũ ống, lũ quét nên cơ sở vật chất kỹ thuật vốn đã thiếu thốn nay lại đang có những biểu hiện xuống cấp. Chính vì thế, chỉ cần một nguồn tài trợ nho nhỏ cho trạm đều vô cùng đáng trân trọng. “Công việc của nhân viên y tế vốn đã khó, với y tế miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn gấp bội. Hơn nữa, Trạm thường xuyên thiếu dụng cụ máy móc như: Đồ khám tai mũi họng, ống nghe, huyết áp, đồ khám thai sản… Thậm chí tại nhiều bản trên địa bàn xã Tà Cạ không có ống nghe, máy đo huyết áp. Nhiều lúc có một số ca bệnh, chúng tôi có thể giải quyết được, nhưng do thiếu dụng cụ máy móc nên chúng tôi đành phải chuyển lên tuyến trên”, chị Giang chia sẻ.
Xã Tà Cạ với 11 bản, 1.087 hộ nhưng Trạm Y tế xã chỉ có 6 đồng chí y, bác sĩ phục vụ cho hơn 5.300 nhân khẩu. Những nhân viên y tế nơi đây phải đảm nhận tất cả các công việc từ khám, chữa bệnh đến xử trí cấp cứu, may vá vết thương, sinh đẻ... Đặc biệt nhất là thời điểm dịch COVID-19, sốt siêu vi và sốt xuất huyết, số ca bệnh tăng cao càng làm cho nhân viên y tế thêm quá tải.
Trạm Y tế Tà Cạ còn thiếu nhiều thiết bị y tế phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe của người dân
Huyện Kỳ Sơn có 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới, có 172 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, đường xá đi lại khó khăn. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện hiện tại huyện có 192 cán bộ y tế thôn bản, 285 đồng chí y, bác sĩ tại trạm xá, Trung tâm Y tế huyện phục vụ thăm khám cho hơn 82.000 người dân trên địa bàn. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám thai định kỳ cho người dân còn nhiều khó khăn, tại 21 trạm xá, thị trấn của huyện thì chỉ có 1/3 xã đáp ứng được nhiệm vụ này, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn nhiều, một số trạm xá đã xuống cấp. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn các y, bác sĩ tại địa bàn vẫn chưa đồng đều khiến công tác khám chữa bệnh thêm phần khó khăn.
Những cánh tay “nối dài" của ngành Y tế Nghệ An
Nếu như ai đó cho rằng, cô y tá thôn bản là những người "nối dài" cánh tay của ngành y tế vùng biên, thì quả đúng như vậy. Ở vùng nẻo cao xứ Nghệ, những nơi có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, hoàn cảnh kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, trạm y tế hay bệnh viện đều cách xa nhà thì người duy nhất và vô cùng quan trọng mà những bệnh nhân nơi đây có thể trông cậy trong lúc đau ốm là những đồng chí y tá thôn bản.
Chị Lô Thị Hương (48 tuổi), y tá công tác trong ngành có thâm niên ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, từng nhiều lần đi xuyên đêm, vượt đường xa để thăm khám, sơ cứu, hỗ trợ ban đầu cho người dân khi gặp vấn đề về sức khỏe. Chị Hương tâm sự: “Vào nghề từ năm 1994, trên hành trình đó có những kỷ niệm không thể nào quên được. Nhất là thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, chúng tôi những y tế thôn bản phải hoạt động hết công suất, đi từng ngõ, gõ từng nhà, các trường hợp F1, F2 để cách ly, tránh lây lan ra cộng đồng".
Nhân viên của trạm Y tế Tà Cạ đang chuẩn bị băng, bông phục vụ cho việc điều trị cho bệnh nhân.
Với thâm niên hơn 20 năm bám nghề, bám dân, bám bản ở vùng biên giới, bác sĩ Vy Thị Giang – Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tà Cạ cho biết, trước đây khi mới vào nhận công tác tại địa bàn, công tác vận động người dân đi khám chữa bệnh, từ bỏ các hủ tục lạc hậu gặp phải không ít khó khăn, nhất là người dân lại thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe. Mặc dù đường xá đi lại vất vả, địa bàn rộng, nhưng khi nhân dân yêu cầu, dù là ngày hay đêm chúng luôn sẽ sàng đến tận nhà, sơ cấp cứu, những bệnh trong phạm vi có thể cứu chữa thì cố gắng hết sức, những ca bệnh mà không thể xử lý thì kịp thời chuyển lên tuyến trên điều trị, từ đó tạo thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với các y, bác sĩ huyện miền núi cao vùng biên giới.
Bằng cách làm đó, cùng với việc sự tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh hiệu quả của đội ngũ y, bác sĩ “mưa dầm, thấm lâu” đã giúp rất nhiều người dân tại xã Tà Cạ, dần hiểu ra việc đến bệnh viện, bệnh xá chữa bệnh là cần thiết.
Cán bộ nhân viên Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đang cấp phát thuốc cho người dân sau trận lũ kinh hoàng vào đầu tháng 10 năm 2022
Mặc dù còn khó khăn, vất vả, chế độ phụ cấp ít ỏi nhưng những y tá tại các thôn, bản tại huyện miền núi Kỳ Sơn vẫn gắn bó với công việc vì tình cảm, trách nhiệm với đồng bào mình. Nghe những tâm sự của họ để thấy được sự vất vả, nhưng những gì mà họ đã làm được ở trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ khó khăn thật đáng trân trọng và tự hào.
Họ đã và đang trở thành nhịp cầu nối cho nhiệm vụ cao cả chăm sóc sức khỏe của nhân dân của ngành Y xứ Nghệ
Quyết không bỏ nghề
"Mặc dù rất vất vả, phụ cấp ít ỏi chỉ hơn 800 nghìn đồng/tháng, nhưng vì tình yêu nghề tôi quyết định gắn bó. Ngoài ra, để có tiền trang trải cho cuộc sống, tôi phải ra đến chợ, buôn bán thêm để có tiền cho con ăn học. Chỉ mong rằng, các cấp chính quyền quan tâm hơn đến y tá thôn bản, tăng thêm phụ cấp cho chúng tôi, để bớt phần khó khăn trong cuộc sống”, đó là những chia sẻ của chị Lô Thị Hương, nữ y tá bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ về tình yêu nghề của những chiến sĩ áo trắng vùng biên.
Dù phải buôn bán thêm ở chợ mới đủ lo cho gia đình, nhưng y tá Lô Thị Hương vẫn quyết không bỏ nghề
Huyện Kỳ Sơn nằm về phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 250 km. Địa bàn phân bố rộng, có hệ thống khe, suối dày đặc, hạ tầng giao thông đang còn thô sơ nên việc đi lại thăm khám của y, bác sĩ vùng biên gặp rất nhiều khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, BSCK II Sầm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn cho biết: “Kỳ Sơn là một huyện miền núi giáp biên giới, địa hình đồi núi, khí hậu khắc nghiệt nên việc đi lại, thăm khám cho bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn. Các chế độ chính sách cũng hạn chế, cơ sở vật chất còn thiếu khá nhiều, dẫn đến khó khăn trong việc chẩn đoán, chữa bệnh. Hiện tại, huyện có 192 y tế thôn bản, 285 y, bác sĩ tại xã, TTYT huyện phục vụ thăm khám cho hơn 82.000 người dân trên địa bàn. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám thai định kỳ cho người dân còn nhiều khó khăn, tại 21 trạm xá, thị trấn của huyện thì chỉ có 1/3 xã đáp ứng được nhiệm vụ này. Để tăng cường chất lượng thăm khám sản phụ khoa ở thôn bản và các xã, chúng tôi đã tổ chức đào tạo, cầm tay chỉ việc tại trung tâm cho các y, bác sĩ này để thăm khám hiệu quả hơn. Tuy nhiên, những y bác sĩ nơi vùng biên như chúng tôi luôn động viên nhau làm tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó,quyết tâm gắn bó với nghề dù có khó khăn đến bao nhiêu”.
Đối với bác sĩ Vy Thị Giang, niềm vui lớn nhất của công việc là được chăm lo sức khỏe cho người dân
Cùng chung nỗi niềm anh Hải, bác sĩ Vy Chiến Thắng, Trưởng phòng Y tế huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: “Là một huyện biên giới nên Kỳ Sơn gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa đầy đủ, một số trạm xá đã xuống cấp. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn các y, bác sĩ tại địa bàn vẫn chưa đồng đều khiến công tác khám chữa bệnh thêm phần khó khăn. Tuy nhiên, anh em vẫn luôn động viên nhau, hoàn thành tốt các công việc được giao và luôn gắn bó, quyết tâm không bỏ nghề dù còn nhiều vất vả”.
Rời Kỳ Sơn khi ánh hoàng hôn soi bóng dưới dòng Nậm Mô cuồn cuộn chảy, thứ tôi ấn tượng và cảm phục nhất đó là lời hứa chắc nịch của các y, bác sĩ rằng dù có khó khăn, vất vả tới đâu chúng tôi vẫn tiếp tục gắn bó với nghề. Gặp những khó khăn như vậy, thế nhưng các cán bộ y tế vùng biên chưa bao giờ có ý nghĩ rằng sẽ bỏ nghề.
Họ chỉ mong muốn rằng, nhà nước sẽ có cơ chế mới hỗ trợ thêm cho cán bộ ý tế vùng sâu vùng xa, được đầu tư thêm các trang thiết bị máy móc, cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt hơn cho việc khám chữa bệnh cho nhân dân, điều đó khiến chúng tôi những người làm báo và nhân dân huyện miền cao vùng biên giới Kỳ Sơn hết sức khâm phục và cảm ơn.
Phạm Thắng – Tuấn Quỳnh
- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Reborn Lift – Phương pháp trẻ hóa đa điểm giúp căn chỉnh gương mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng
Phương pháp Reborn Lift được nhiều chị em lựa chọn vì mang đến giải pháp trẻ hóa toàn diện, giúp điều chỉnh các đường nét khuôn mặt theo chuẩn tỷ lệ vàng, tạo nên vẻ đẹp hài hòa và tự nhiên. Sử dụng công nghệ nâng cơ đa điểm tiên tiến, Reborn Lift không chỉ giúp làn da trở nên săn chắc mà còn hỗ trợ định hình cấu trúc khuôn mặt, duy trì sự cân đối và nét tươi trẻ lâu dài.November 23 at 6:06 pm -
Hội nghị Quốc tế “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu – cổ”
Tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 20% dân số phải sống chung với viêm mũi xoang mạn tính, trong khi ung thư đầu cổ chiếm tới 10% tổng số ca ung thư - những con số vô cùng đáng báo động. Trước sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh, việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh lý mũi xoang và đầu - cổ đã trở nên vô cùng cấp thiết.November 22 at 3:53 pm -
Đau hơn sau khi tiêm tế bào gốc trong điều trị thoái hóa khớp: Điều bình thường và cách xử lý
Liệu pháp tế bào gốc mang lại hy vọng cho người bệnh trên hành trình tìm kiếm giải pháp cải thiện và giảm bớt đau đớn từ chấn thương hoặc các bệnh lý mãn tính.November 20 at 5:33 pm -
Mở khóa thanh xuân, trẻ khỏe toàn diện với liệu pháp tế bào gốc
Lão hóa là một quá trình phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến làn da, mái tóc mà còn tác động đến cấu trúc và chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể. Ngày nay với sự phát triển vượt bậc của y học tái tạo, liệu pháp tế bào gốc được ứng dụng toàn diện giúp cơ thể khỏe mạnh từ bên trong, đồng thời duy trì nét tươi trẻ, rạng rỡ bên ngoài, làm chậm quá trình lão hóa.November 20 at 5:33 pm