"Những con thoi" Nơi tuyến đầu điều trị bệnh nhân Covid-19 đông nhất Việt Nam

Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, cuộc chiến của nhân viên y tế, các F1 cam go hơn bao giờ hết khi chưa bao giờ số bệnh nhân Covid-19 cao kỷ lục, lại nhiều bệnh nhân nặng.
17/05/2021 06:05

Chia sẻ về bệnh nhân Covid-19 vừa tử vong tại Bệnh viện vào chiều 15/5, TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ướng cho biết, đó là một điều đau xót, bệnh viện đã nỗ lực hết sức nhưng bệnh nhân cao tuổi trên nền nhiều bệnh lý nền rất nặng. 

Theo TS Thạch, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 4/5, thì ngay ngày 5/5 đã phải can thiệp ECMO, lọc máu vì tình trạng bệnh quá nặng. Bệnh nhân cũng có bệnh nền phức tạp, suy thận giai đoạn cuối đang chạy thận chu kỳ, suy tim độ IV, tăng huyết áp, đái tháo đường, sốt kéo dài - viêm hạch. Trước khi phát hiện mắc Covid-19, bệnh nhân có 1,5 tháng điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.

Không khí 22h đêm tại Khoa Hồi sức tích cực BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2

Hiện nay, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là đơn vị tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đông nhất cả nước. Đến trưa ngày 15/5, bệnh viện có tới 318 bệnh nhân Covid-19. 

Đáng nói, hiện nay tình trạng bệnh nhân nặng và nguy kịch ở bệnh viện cũng rất đông. Hiện có đến 35 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong đó có 19 bệnh nhân thở oxy, 3 bệnh nhân thở máy không xâm nhập, 13 bệnh nhân thở máy (trong số này có 1 bệnh nhân chạy ECMO, 6 bệnh nhân lọc máu liên tục).

Theo TS Thạch, ngoài rất đông bệnh nhân Covid-19 thì bệnh viện còn 1 số bệnh nhân với các bệnh lý khác vì phải cách ly nên chưa thể xuất viện.

Hiện ông mong muốn chuyển các bệnh nhân thường, không mắc Covid-19 sang các cơ sở khác để giãn cách mật độ cho bệnh viện, tránh nhiễm chéo.

dieu-tri-cho-benh-nhan-covid

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Khoa Hồi sức tích cực (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2).

"16 tháng nay chúng tôi đã liên tục nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Các bác sĩ không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2-3 lần. Cả bệnh viện và bệnh nhân đều mong muốn "giải phóng" bớt bệnh nhân thường, bệnh nhân nặng không mắc Covid-19, để nhận bệnh nhân Covid-19 mới", TS. Thạch chia sẻ.

Hiện ở BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2, ngoài 1 số nhân viên bị Covid-19, còn lại tất cả nhân viên y tế đều là F1. Nếu như ở những cơ sở y tế khác, nhân viên y tế là F1 được cách ly, không phải làm việc thì ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 dù là F1 nhưng vẫn "ai vào việc đó", vừa điều trị bệnh nhân vừa tham gia phòng chống dịch. 

Trong những bộ đồ bảo hộ nóng bức, các F1 vẫn "lăn như con thoi" điều trị cho bệnh nhân Covid-19. 

Trong 10 ngày BV cách ly, đã có 1 bệnh nhân Covid-19 bị vỡ lá lách phải mổ cấp cứu, một số trường hợp thai sản được các tuyến truyển đến trong đêm, bệnh viện vẫn mổ, không nề hà... 

Kỷ lục buồn về cấp cứu bệnh nhân Covid-19

Bác sĩ Phạm Văn Phúc là một trong số các bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19 tại Khoa Hồi sức tích cực (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2). Suốt 16 tháng qua, anh và đồng nghiệp đã chiến đấu không mệt mỏi để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng. Những bệnh nhân Covid-19 nặng nhất Việt Nam như bệnh nhân số19, đã nhiều lần đối mặt với "tử thần" đều được anh và đồng nghiệp giành giật lại.

"Đợt dịch lần thứ 4 này khắc nghiệt quá. Lượng bệnh nhân nhiều, bệnh viện lại trong tình trạng cách ly nên công việc của chúng tôi lại vất vả hơn nhiều lần", bác sĩ Phúc chia sẻ.

cap-cuu-benh-nhan-covid

Đêm trắng ở Khoa Hồi sức tích cực (BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2).

Vào đêm 14/5 rạng sáng 15/5, anh và các đồng nghiệp đã phải thức trắng đêm để cấp cứu cho 5 bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, trong đó có 1 bệnh nhân diễn biến nguy kịch. Một đêm nhiều kỳ lục. 

"Đây là 1 đêm có nhiều kỷ lục đáng buồn. Kỷ lục về số lượng bệnh nhân nặng nhập viện, chưa bao giờ khoa tiếp nhận lượng bệnh nhân nhiều đến thế. 

Kỷ lục về số lượng nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài được huy động tối đa lúc gần 0h để theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng, rồi tất tả ngược xuôi chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho 1 ca Covid-19 nguy kịch… Trong bất cứ mọi tình huống, các bác sĩ đều đảm bảo cấp cứu một cách nhanh nhất.

Đợt dịch nào anh em cũng vất vả, nhưng lần này đúng là quá nhiều trường hợp nặng phải cấp cứu lại vào giữa đêm khuya, bệnh nhân đa số kèm theo nhiều bệnh nền nên phải can thiệp nhiều thủ thuật. Chính vì thế, số lượng điều dưỡng, bác sĩ được điều động tăng gấp 3 lần so với đợt dịch trước.

Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, đúng là mệt, nhưng không vì thế mà chùn bước, nản chí. Anh em luôn sẵn sàng. Bệnh viện cũng đã có các kịch bản đối phó tình huống cấp bách xảy ra với đầy đủ trang thiết bị, vật tư cần thiết đảm bảo cho công tác cứu chữa được nhanh nhất”, bác sĩ Phúc tâm sự. 

Ở hậu phương, do bác sĩ Phúc là F1 nên nhiều người nhà anh cũng trở thành F2, phải cách ly tại nhà. Vì thế, bác sĩ Phúc vừa vất vả điều trị cho bệnh nhân, vừa chịu đựng xa nhà lại càng thương vợ nhớ con hơn.

Nữ điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 tấn công

Ngày 15/5, một nữ điều dưỡng BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bị chính bệnh nhân Covid-19 mình đang chăm sóc tấn công.

TS Phạm Ngọc Thạch cho biết, nữ điều dưỡng bị bệnh nhân Covid-19 tấn công thuộc Khoa Nội tổng hợp tại cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội).

Theo TS Thạch, nam bệnh nhân Covid-19 đang điều trị và cách ly tại Khoa Nội tổng hợp. Bệnh nhân này lớn tiếng đòi nữ điều dưỡng cung cấp số điện thoại của lãnh đạo bệnh viện.

Dù nữ điều dưỡng đã giải thích và cho biết sẽ báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo khoa nhưng bệnh nhân này đã không nghe. Người này xông tới tấn công nữ điều dưỡng bằng cách đe dọa và bóp cổ nữ điều dưỡng.

May mắn các bảo vệ đã có mặt kịp thời và can thiệp.

Theo TS Thạch, nguyên nhân vụ việc đang được làm rõ, nhưng bước đầu có thể nhận định do trạng thái tinh thần của bệnh nhân không ổn định, dễ bị bức xúc, kích động sau thời gian dài phải cách ly, điều trị Covid-19.

 

Minh An 

 

comment Bình luận

largeer