Những công dụng chữa bệnh của cây chàm mèo

Từ kinh nghiệm y học cổ truyền cũng như các kết quả nghiên cứu hiện đại, có thể nói, cây chàm mèo xứng đáng được gọi là một thảo dược “sáng giá”. Bởi lẽ, rễ và lá cây chàm mèo có thể điều trị nhiều căn bệnh như viêm họng, viêm amidan, viêm gan, viêm lợi, sốt phát cuồng, kinh giật, rong kinh, thanh nhiệt giải độc,...
16/03/2024 15:38

Vài nét về cây chàm mèo

Cây chàm mèo còn có tên gọi khác là chàm lá to, chàm nhuộm, bản lam, phẩm rô, mã lam, đại lam, thanh đại, co sơm… Tên khoa học là Strobilanthes cusia, thuộc họ Ô rô: Acanthaceae. 

Bộ phận dùng là thuốc thường là cành là lá. Được phân bố tại các tỉnh miền núi nước ta. Tính vị: đắng nhạt, tính mát.

Công dụng chính: Điều trị viêm họng, viêm amidan, viêm gan, viêm lợi, sốt phát cuồng, kinh giật, rong kinh, thanh nhiệt giải độc.

Trước đây, cây chàm mèo mọc tự nhiên ở nhiều tỉnh phía Bắc nhưng hiện nay đa phần đều là cây được trồng. Sở dĩ cây được gọi là “chàm mèo” là vì trước đây, loài cây này từng được dùng để nhuộm màu chàm (gam màu nằm giữa xanh lam và tím) và được dùng phổ biến bởi cộng đồng người Mèo (dân tộc H’mông).

Đây là loài cây nhỏ, sống lâu năm, thân có các mấu u lên. Lá chàm mèo to hơn một số loại chàm khác và có hình trứng nhọn, mép lá có dạng răng cưa. Hoa chàm mèo có màu lam tím hoặc hồng tím, mọc thành cụm và có các lá bắc, tràng hoa cong dài và xẻ thùy.

chammeo

Cây chàm mèo (Ảnh: Caythuoc.org)

Cây chàm mèo – nguồn thảo dược “sáng giá”

Từ kinh nghiệm y học cổ truyền cũng như các kết quả nghiên cứu hiện đại, có thể nói, cây chàm mèo xứng đáng để được gọi là một thảo dược “sáng giá”. Bởi lẽ, rễ và lá cây chàm mèo có thể điều trị nhiều căn bệnh của thời đại và ấn tượng hơn khi nhiều bệnh này đều bắt đầu bằng chữ viêm như: Viêm họng; Viêm amidan; Viêm gan; Viêm ruột cấp tính; Viêm quầng (hay còn gọi là Đơn độc); Viêm màng não; Viêm não Nhật Bản; Viêm phổi do virus.

Bên cạnh đó, rễ và lá chàm mèo còn được ghi nhận với nhiều tác dụng quý như:

- Giúp mát máu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng.

- Điều trị bệnh cúm, bệnh lỵ, quai bị và say nắng.

- Điều trị bệnh SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng).

- Chống lại virus mụn rộp loại 1 (bệnh Herpes loại 1 – mụn rộp ở miệng).

- Kháng khuẩn và điều hòa miễn dịch.

- Chống khối u và ung thư bạch cầu dòng tủy WEHI-3B JCS (rễ cây).

Thu hái và sơ chế dược liệu chàm mèo: Thường thì người ta thu hái lá hoặc cả cây chàm mèo (vào mùa hè hoặc mùa thu) rồi phơi khô, sau đó tiến hành nhiều bước sơ chế (khá phức tạp) để làm thành bột chàm (hay còn gọi là thanh đại). Thanh đại có màu xanh lam, vị đắng nhạt và có tính mát.

Theo tư liệu y học cổ truyền, cây chàm mèo có thể được dùng làm thuốc ngoài da hoặc uống trong, cụ thể như sau:

Cao chàm mèo dùng ngoài da

Trong các trường hợp như viêm nướu chảy máu, lở loét miệng, da bị chàm chốc hay rắn độc và sâu bọ cắn, người ta dùng cả cây chàm mèo nấu thành cao đặc rồi bôi lên.

Bột chàm mèo (thanh đại) trong bài thuốc kết hợp điều trị cam tẩu mã

Cam tẩu mã – căn bệnh tàn phá nghiệt ngã dung mạo con người, làm hoại tử dần dần từng bộ phận trên khuôn mặt người bệnh và kéo theo bao nỗi ám ảnh về thể xác lẫn tinh thần. Theo một thống kê của Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm lại có thêm 140 ngàn người mắc chứng bệnh này.

Vì vậy, để cải thiện tình trạng bệnh, bên cạnh việc vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đủ chất… những người bị chứng cam tẩu mã cũng có thể dùng thêm các bài thuốc đông y để bổ trợ, trong đó có bài thuốc kết hợp sau đây:

Thành phần: Thanh đại, nhân trung bạch (mỗi vị 20g), hoàng bá, đinh hương, phèn chua (mỗi vị 12g), hoàng liên (16g) và đại hồi (4g).

Cách thực hiện: Sấy khô rồi tán nhỏ các vị hoàng bá, đinh hương, hoàng liên, đại hồi; sau đó trộn đều với thanh đại, nhân trung bạch và phèn chua (đã tán bột), nếu bệnh nặng thì cho thêm 1g xạ hương trước khi dùng (không cho sớm hơn để tránh bay hơi).

Điều trị: Lấy bông thấm nước muối rồi rửa sạch máu mủ ở vùng bị thương tổn, sau đó đắp đầy thuốc vào. Đối với người lớn, cứ khoảng 3 giờ thì thay thuốc một lần, mỗi ngày đắp như vậy từ 3 – 4 lần. Đối với trẻ con, trước khi đi ngủ đắp thuốc một lần, khoảng nửa đêm thì thức dậy đắp thêm một lần nữa.

Bột chàm mèo (thanh đại) điều trị các bệnh ở trẻ em

Bên cạnh công dụng thanh nhiệt, tán uất, lương huyết và giải độc, thanh đại còn được dùng để điều trị các bệnh ở trẻ em như: Kinh sợ, sốt, sốt phát cuồng, cam nhiệt, nôn mửa, thổ huyết và viêm hạnh nhân (viêm amidan).

Liều dùng: Mỗi ngày uống từ 1 – 4g bột thanh đại hòa với nước. Nếu không dùng bột, có thể dùng 4 – 6g cao lá chàm mèo (cho thêm đường để dễ uống).

Bột chàm mèo (thanh đại) điều trị rong kinh

Ngoài các công dụng kể trên, thanh đại còn là bài thuốc điều trị rong kinh khá hiệu quả và đã được kiểm chứng thực nghiệm với tỉ lệ thành công là 71%. Trong đó, vị thuốc này cho thấy hiệu quả cao hơn ở những bệnh nhân trong độ tuổi dậy thì và tiền mãn kinh.

Cách dùng: Mỗi ngày dùng thuốc hai lần, mỗi lần uống 5 viên thanh đại (chứa 0,25g cao khô lá chàm mèo).

Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý về thời gian dùng thuốc: bắt đầu uống từ thời điểm 5 ngày trước khi có kinh và uống liên tục trong 10 ngày thì dừng. Vào các tháng tiếp theo, người bệnh cũng uống theo đợt như vậy cho đến khi kinh nguyệt trở lại bình thường thì ngưng thuốc. Lưu ý, nếu tiếp tục dùng trong thời gian dài thì kinh nguyệt có thể sẽ chậm quá mức bình thường.

Lưu ý

Đối tượng: Phụ nữ có thai không nên dùng vị thuốc này.

Phân biệt: Cần phân biệt chàm mèo (tức chàm lá to) với chàm đậu (tức chàm lá nhỏ) vì hai loài này đôi khi đều được gọi là chàm nhuộm.

Liều lượng: Trong từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng để tránh các tác dụng không mong muốn.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer