Những công dụng chữa bệnh của cây cỏ may

Cây cỏ may không đơn thuần chỉ là một loài cỏ, mà nó còn là một loài hoa được dùng làm thuốc.
19/05/2023 15:10

Vài nét về cây cỏ may

Đi ven theo các con đường, bờ đê, ruộng lúa… bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những cây cỏ may quen thuộc. Chúng mọc lơ thơ hoặc mọc lan thành từng đám lớn, ngả nghiêng trong gió. Cây có tên khoa học là Chrysopogon aciculatus, thuộc họ lúa: Poaceae.

Đây là loại cỏ bò lan và sống lâu năm, có phần thân mọc thẳng, phân đốt và thường cao khoảng 20 – 50cm. Lá cỏ may hẹp, thuôn nhọn và mọc so le. Đặc biệt, cụm hoa cỏ may có màu nâu tím hoặc tím than và quả của nó khi chín thường bám vào các vật thể khác để phát tán.

Cái tên cỏ may có lẽ cũng vì hoa và quả của nó hay “may”, “mắc” vào quần áo của người qua đường. Ngoài ra, cây còn được gọi là cây bông cỏ, thảo tử hoa, trúc tiết thảo, châm thảo, thúy hồ điệp, thúy nga mi, đát trúc hoa, trúc thái, nhả khoác, co nhả khua….

Những công dụng chữa bệnh của cây cỏ may. Ảnh: Caythuoc.org

Những công dụng chữa bệnh của cây cỏ may. Ảnh: Caythuoc.org

Cây cỏ may có tác dụng gì?

Cây cỏ may có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, giúp thanh nhiệt, tiêu độc, lợi thấp.

Các công dụng làm thuốc cụ thể của cây cỏ may là:

Điều trị bệnh về gan khiến da vàng, mắt vàng

Người dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã dùng cỏ may làm thuốc để điều trị bệnh gan (với các biểu hiện da vàng, mắt vàng) bằng cách sau: Lấy khoảng 300g cỏ may (cả cây, cả rễ) rửa sạch, chặt thành các đoạn ngắn rồi sao vàng, sau đó sắc với nửa lít nước, đến khi còn 250ml nước thì chia thành nhiều lần uống trong ngày. Với bài thuốc này, uống liên lục trong 4 - 5 ngày sẽ bắt đầu thấy hiệu quả.

Điều trị khí hư

Để điều trị khí hư (huyết trắng bệnh lý), có thể dùng 40g rễ cỏ may (đã rửa sạch, phơi khô và băm nhỏ), sắc trong 200ml nước và sắc đặc đến khi còn khoảng 50 ml nước thì uống. Lưu ý, thuốc này uống vào lúc đói.

Điều trị viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên là một tổ hợp những bệnh như viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm thanh quản… Thông thường, các bệnh này có thể kéo theo một số biểu hiện như sổ mũi, ho, sốt, cảm mạo hoặc khó thở… Để điều trị các bệnh này, có thể dùng bài thuốc kết hợp ba vị thuốc sau: Cỏ may, cỏ lá tre (đạm trúc diệp) mỗi loại 15g và cây bình rượu (hồ lô trà) 9g. Cách dùng: Sắc lấy nước và chia thành 3 lần uống trong ngày (đặc biệt, bài thuốc này còn giúp người bệnh tiểu tiện thuận lợi hơn).

Điều trị giun đũa

Theo công trình Cây thuốc An Giang của Võ Văn Chi, hạt cỏ may còn được dùng để điều trị giun đũa. Cách làm thuốc: Lấy từ 18 – 20g hạt cỏ may, sao vàng rồi sắc trong nửa lít nước, sau đó lọc bỏ bã rồi cô đặc thuốc cho đến khi còn khoảng 150ml nước thì uống hết trong 1 lần (lưu ý uống sau bữa ăn).

Ngoài ra, ở một số nước, nước sắc từ rễ cây cỏ may còn được dùng để điều trị tiêu chảy.

Những công dụng khác của cây cỏ may

Ở Trung Quốc, cỏ may được gọi là “trúc tiết thảo” vì thân cỏ có phân đốt. Cây được biết đến qua các tác dụng chính sau đây:

- Công trình y học Sinh thảo dược tính bị yếu (thời nhà Thanh) có ghi về công dụng của cỏ may là: Giúp giải độc, lợi tiểu tiện và điều trị bạch trọc (bệnh lậu).

- Công trình Lĩnh Nam thái dược lục còn ghi rằng rễ cỏ may được giã nát để đắp lên vết lở loét.

Liều dùng: Khi dùng trong thì sắc lấy nước uống từ 10 – 20g dược liệu khô (hoặc 30 – 60g dược liệu tươi). Khi dùng ngoài da, liều lượng thuốc tùy theo bệnh trạng, có thể giã nát rồi đắp hoặc nghiền vụn rồi rắc lên.

Lưu ý:

Ngoài tác hại xâm lấn đất nông nghiệp và bị xem như một loài cỏ dại thì cây cỏ may vẫn chưa được báo cáo cụ thể về độc tính đối với người và động vật. Mặt khác, những tác dụng phụ của dược liệu này còn đang chờ nghiên cứu thêm. Vì vậy, trong mọi trường hợp có ý định dùng cỏ may làm thuốc, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp nhất.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer