Những dấu hiệu cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường

Theo các chuyên gia sức khỏe, lượng đường mà chúng ta tiêu thụ hằng ngày không chỉ có trong đồ ăn thức uống mà còn hiện diện ở dạng tự nhiên trong rau quả, nên nếu không cẩn trọng, chúng ta dễ dung nạp quá nhiều mà không hay. Về lâu dài, ăn quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ bị béo phì, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và gan.
15/08/2022 16:56

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo cơ thể dung nạp quá nhiều đường cần điều chỉnh ngay để bảo toàn sức khỏe.

Tăng cân nhưng luôn thấy đói

Đường có thể thỏa mãn vị giác, nhưng không phải là nhiên liệu tốt cho các bộ phận còn lại của cơ thể. Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ, tiêu thụ đồ uống có đường thúc đẩy tăng cân ở cả người lớn và trẻ em. Do cơ thể đốt cháy năng lượng từ đường nhanh hơn so với đạm (protein), chất xơ và chất béo lành mạnh, nên dùng một món ăn có đường khiến chúng ta mau thấy đói hơn. Tiêu thụ đường còn làm gián đoạn quá trình trao đổi chất và ảnh hưởng đến hormone báo hiệu cảm giác no, khiến cơ thể luôn muốn ăn thêm. Vòng luẩn quẩn “đói - thèm ăn” do đường gây ra đó có thể dẫn tới hành vi ăn uống vô độ.

Thông thường, mọi người có xu hướng thèm ăn món ngọt (cũng như món mặn và chứa tinh bột) vào buổi tối, thời điểm cơ thể tiêu hao năng lượng chậm hơn và dung nạp đường nhiều hơn. Đây cũng là yếu tố cần kiểm soát bởi thói quen ăn vặt ban đêm dễ làm tăng nguy cơ thừa cân hoặc béo phì.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mệt mỏi, kém tỉnh táo

Một bữa ăn nhiều đường mà không chứa đạm hoặc chất béo (điển hình là thức ăn nhanh hoặc thực phẩm chế biến sẵn) sẽ khiến đường huyết tăng đột biến, làm giảm mức năng lượng hoạt động và khiến bạn thấy mệt mỏi và dễ cáu kỉnh.

Tình trạng năng lượng tăng - giảm đột ngột sau khi dùng thực phẩm nhiều đường cũng liên quan đến sự sụt giảm mức đường huyết trong não, khiến trí não chậm chạp, kém nhanh nhạy. Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Neurology, đường huyết cao tác động tiêu cực đến chức năng nhận thức, khiến việc học tập và ghi nhớ thêm khó khăn. Về lâu dài, ăn nhiều đường có thể thúc đẩy chứng viêm, làm tâm trạng xấu đi và dẫn đến các triệu chứng trầm cảm - một nghiên cứu khác đăng trên Tạp chí Medical Hypotheses cho biết.

Xuất hiện nhiều mụn và nếp nhăn

Nghiên cứu công bố gần đây trên Tạp chí JAMA Dermatology cho thấy chế độ ăn chứa nhiều đường - cũng như sữa và thực phẩm béo - có thể kích thích nổi mụn ở người lớn. Ăn nhiều đường còn dẫn đến tình trạng kháng insulin, làm tăng nồng độ nội tiết tố androgen, gây nổi mụn quanh miệng và quai hàm. Còn theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nutrients, đường cũng đẩy nhanh quá trình lão hóa da, dẫn đến tình trạng nếp nhăn xuất hiện sớm.

Các vấn đề tiêu hóa

Các nghiên cứu tiến hành trên chuột cho thấy tiêu thụ nhiều đường trong vòng 1 tuần có thể làm giảm sự đa dạng của hệ vi khuẩn đường ruột. Một thử nghiệm trên động vật cho thấy việc uống dung dịch chứa đường không chỉ làm giảm lượng lợi khuẩn, mà còn tạo điều kiện cho hại khuẩn sinh sôi trong đường ruột.

Ở người, tiêu thụ nhiều đường và nước ngọt được phát hiện có liên quan đến tỷ lệ cao mắc bệnh viêm ruột, như viêm loét đại tràng. Mặc dù rau quả và thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng bảo vệ cơ thể, nhưng nếu bạn ăn nhóm thực phẩm này có thêm đường thì đồng nghĩa bạn đang triệt tiêu phần lớn các dưỡng chất quan trọng mà chúng mang lại cho sức khỏe.

Theo INSIDER

comment Bình luận

largeer