Những điểm sáng, mô hình hay trong đấu thầu, mua sắm tại một số cơ sở y tế ở phía Nam

Luật Đấu thầu 2023 nhanh chóng đi vào cuộc sống với Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Y tế đã giải quyết được những nút thắt nhất khó nhất cho ngành trong việc cung ứng đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho công tác khám, chữa bệnh.
29/10/2024 15:17

1. Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

Thạc sĩ Trần Thị Trà Giang, Trưởng Đơn vị Quản lý đấu thầu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết:

Một năm, bệnh viện triển khai khoảng 400 gói thầu, 9 tháng năm 2024, bệnh viện đã triển khai thực hiện 283 gói thầu nhằm phục vụ hoạt động toàn viện, trong đó bao gồm cả đấu thầu cho hoạt động tại nhà thuốc.

Các văn bản được ban hành liên tiếp, đúng thời điểm của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế thể hiện sự quan tâm rất sát thực tế của các cấp. Trong đó, văn bản được đánh giá là “cởi mở” nhất đúng thời điểm nóng của công tác đấu thầu, chính là Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023.

Empty

“Nghị quyết 30 được ban hành rất nhanh với những nội dung được cho là tháo gỡ điểm nghẽn nhất trong đấu thầu là không cần 3 bảng báo giá cho một mặt hàng. Sau này, Nghị quyết 30 được luật hóa trong Luật Đấu thầu 2023, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 và các Thông tư hướng dẫn giúp cho chúng tôi được “cởi trói” trong công tác đấu thầu, mua sắm. Điều 16 của Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 đã mở ra hướng cho các bệnh viện nhiều phương pháp lấy giá, riêng với thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế,… cho phép cơ sở y tế có thể lấy báo giá cáo nhất phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn để có thể lựa chọn được danh mục hàng hóa đáp ứng được nhu cầu phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Đây là một ưu tiên rất lớn cho ngành y và là điểm sáng nhất trong các văn bản pháp luật mới ban hành”, bà Giang nói thêm.

Một nội dung trong dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu sắp tới sẽ được ban hành theo thông tin của đại diện của Bộ Kế hoạch đầu tư cung cấp cũng là điểm sáng nữa, đó chính là việc cho phép các các danh mục thuốc phục vụ hoạt động nhà thuốc tại các cơ sở y tế được áp dụng mua sắm trực tiếp nhiều lần thay vì một lần như hiện nay. So với quy định hiện hành, mỗi sản phẩm trúng thầu trong bệnh viện chỉ được mua sắm trực tiếp một lần, có thể cũng gặp khó khăn cho việc cung ứng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, thông tin:

Trong một năm qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản đặc biệt hỗ trợ tháo gỡ cho các cơ sở y tế rơi vào tình trạng khó đấu thầu, mua sắm sau dịch Covid-19 và đến đầu năm 2024 đã gỡ gần như hoàn toàn những vướng mắc này.

“Kết quả là câu trả lời xác đáng nhất cho những nỗ lực và thành quả của cơ quan chủ quản xây dựng hành lang pháp lý”, ông Minh Anh nói.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là đơn vị tiên phong trong xây dựng đơn vị chuyên môn riêng về đấu thầu từ năm 2018. Cụ thể, từ năm 2018, khi lượng bệnh nhân tăng lên, hoạt động mua sắm nhiều, Ban Giám đốc đã thành lập Đơn vị Quản lý đấu thầu. Đơn vị chuyên trách tư vấn pháp lý các khâu về thủ tục, cập nhật, phổ biến các văn bản pháp lý liên quan, xây dựng quy trình quy định nội bộ liên quan đến công tác mua sắm để bảo đảm mua đúng, mua đủ, mua hợp pháp.

Với chức năng nhiệm vụ như vậy, Đơn vị Quản lý đấu thầu sẽ phối hợp cùng các phòng, ban ngay từ đầu khi đề xuất nhu cầu, thực hiện rà soát nhu cầu so với thực tiễn để triển khai từng gói thầu cụ thể. Trực tiếp thực hiện mua sắm sẽ có các đơn vị phụ trách chuyên sâu, đúng chuyên môn kỹ thuật.

Sau khi từng đơn vị chuyên môn về dược, vật tư, trang thiết bị y tế, vận hành tòa nhà… hình thành bộ hồ sơ hoàn chỉnh, Đơn vị Quản lý đấu thầu sẽ rà soát tất cả các nội dung: yêu cầu kỹ thuật, danh mục số lượng, giá dự toán và các nội dung về thủ tục, pháp lý trước khi trình lên hội đồng và Ban giám đốc phê duyệt.

“Nhờ quy trình chặt chẽ này, chúng tôi cùng phối hợp chạy được mấy trăm gói thầu không bị gián đoạn, ngay cả giai đoạn khó khăn nhất. Đơn vị Quản lý đấu thầu đã có những hỗ trợ chuyên môn rất tốt về pháp lý cho các bộ phận mua sắm, làm giá gói thầu chặt chẽ. Trung bình, một gói thầu trước khi được trình lên lãnh đạo và các Hội đồng chuyên môn sẽ phải mất thêm 3-15 ngày cho việc rà soát nhưng khi xây dựng được quy trình từ lúc bắt đầu triển khai cho tới khi có kết quả, chúng tôi cân đối được hết các khâu để cùng phối hợp thực hiện nên thủ tục rất nhanh, không có yếu tố chủ quan nào dẫn đến chậm thầu, chậm trễ đáp ứng cung ứng cho thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bệnh viện”, ông Minh Anh cho hay.

Đơn vị Quản lý đấu thầu của bệnh viện tư vấn pháp lý, rà soát từ khâu đầu như xây dựng danh mục, yêu cầu về giá theo quy định… tới khâu cuối là nghiệm thu thực hiện hợp đồng, thanh toán chứ không chỉ tham gia vào việc lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu cho các đơn vị chuyên môn như một số cơ sở y tế khác. Nhờ đó, khi có văn bản pháp luật mới ra đời, Đơn vị Quản lý đấu thầu nhanh chóng cập nhật, phổ biến và tư vấn cho các đơn vị áp dụng vào thực tiễn kịp thời, không làm gián đoạn trong lúc giao thời giữa các văn bản hướng dẫn.

Mỗi năm, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đều triển khai nhiều hội nghị chuyên đề về công tác mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều đơn vị bạn.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu, tháng 4/2024, bệnh viện đã tổ chức chuyên đề riêng về công tác mua sắm, thu hút gần 1.000 người tham dự.

Đồng thời, Bệnh viện cũng đã tham gia hỗ trợ xây dựng, chia sẻ mô hình hoạt động trong công tác mua sắm theo đề nghị của một số bệnh viện bạn có nhu cầu, trong đó có cả một số cơ sở y tế phía Bắc đã trực tiếp đến học tập kinh nghiệm, học hỏi cách thức hoạt động của mô hình bệnh viện trong mua sắm. “Hầu hết các bệnh viện phản hồi đều thích mô hình này vì sau nhiều năm triển khai, các quy trình thông suốt và bảo đảm đúng quy định. Điều đó đã tạo yếu tố yên tâm cho người làm chuyên môn và quan trọng nhất là mô hình này bảo vệ được nhân viên trực tiếp làm công tác đấu thầu, giảm được nhiều áp lực về quản lý và thực hiện triển khai mua sắm cho lãnh đạo và toàn bệnh viện. Đó là chuỗi chu trình có hiệu quả”,

2. Bệnh viện Chợ Rẫy

BSCKII Phạm Thanh Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin:

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng xây dựng một đơn vị đấu thầu riêng. Các phòng chuyên môn của bệnh viện sẽ tự xây dựng hồ sơ danh mục yêu cầu kỹ thuật cần mua sắm trình Hội đồng kỹ thuật, rồi tiến tới lấy báo giá để xây dựng gói thầu. Khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các đơn vị chuyên môn sẽ chuyển hồ sơ sang bên đơn vị đấu thầu hoàn thiện khâu cuối.

Empty

Trong đấu thầu, giai đoạn xây dựng yêu cầu kỹ thuật và chấm thầu là 2 công đoạn quan trọng nhất. Do đó, việc gom lại đề xuất của các phòng, ban chuyên môn xây dựng yêu cầu kỹ thuật về đầu mối là đơn vị đấu thầu sẽ làm việc cho đồng bộ.

“Điều lợi nhất là anh em thống nhất cách làm cho các đầu mối mua sắm dược, quản trị, trang thiết bị. Khi hồ sơ đưa lên cùng mẫu, cùng cách làm sẽ tạo ra sự đồng nhất, thuận tiện, rút ngắn thời gian cho các đơn vị và giúp hai bên kiểm soát lẫn nhau. Nếu chỉ một đơn vị làm từ đầu tới cuối sẽ không thể nhìn ra được sai sót của quy trình. Nhờ đó, nhiều năm qua, việc mua sắm tại bệnh viện thống nhất, đồng bộ, chuyên nghiệp”, ông Việt nói.

3. Bệnh viện Nhi đồng 1

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Bích Nga, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, thông tin:

Khi Luật Đấu thầu sửa đổi năm 2023, bệnh viện dự kiến khoảng thời gian vài tháng sau sẽ có những Nghị định, Thông tư mới hướng dẫn về đấu thầu nên đã nhanh chóng chuẩn bị các tình huống, tranh thủ đấu thầu thuốc cho năm 2024.

Khi Bộ Y tế có Thông tư hướng dẫn triển khai Luật Đấu thầu 2023, bệnh viện có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện tổ chức mua sắm thuốc với nhiều hình thức khác, đặc biệt là với đấu thầu rộng rãi và mua sắm trực tiếp. Nhờ đó, bệnh viện đã thực hiện được gói thầu lớn nhất. Với những thuốc chống dịch, cấp cứu, thuốc không lựa chọn được nhà thầu, khi có Thông tư áp dụng mua sắm trực tiếp và đã mua được những thuốc quan trọng. Điều 16 của Thông tư 07/2024/TT-BYT của Bộ Y tế đã mua sắm trực tiếp và mua được những thuốc quan trọng, đáp ứng đúng quy định Luật Đấu thầu 2023 và Thông tư 07/2024/TT-BYT trong khi chờ đấu thầu rộng rãi.

Từ ngày 17/5/2024, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh đã thực hiện một số gói thầu chủ yếu trong nhà thuốc bệnh viện; chuẩn bị gói thầu lớn nhất cho nội trú bảo hiểm y tế và ngoại trú bảo hiểm y tế; thực hiện được 3 gói thầu mua sắm trực tiếp thuốc cung ứng cho bệnh nhân dịch vụ tại nhà thuốc. Hiện tại, bệnh viện cũng đã thực hiện 2 gói thầu đấu thầu rộng rãi qua mạng cung ứng phục vụ cho bệnh nhân dịch vụ tại nhà thuốc trị giá 170 tỷ đồng.

Các vấn đề chưa hiểu rõ về Nghị định, Thông tư để hướng dẫn triển khai Luật Đấu thầu 2023 từ các bệnh viện đã được Sở Y tế, Bộ Y tế giải đáp thắc mắc kịp thời để các bệnh viện mạnh dạn triển khai dựa trên năng lực của mình.

“Với người làm công tác cơ sở và tham gia vào đấu thầu mua sắm thuốc nhiều năm qua, tôi thấy với văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về mua sắm, cụ thể về đấu thầu đã có có đầy đủ hành lang pháp lý. Mỗi bệnh viện tùy theo tình hình khám-chữa bệnh, tùy theo danh mục thuốc, vật tư sẽ vận dụng linh hoạt các hình thức đấu thầu để bảo đảm cung ứng đầy đủ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cơ quan quản lý, bệnh viện và người dân”, bà Nhân nói.

Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh triển khai đấu thầu riêng của từng đơn vị chuyên môn dược, vật tư, trang thiết bị y tế. Khoa Dược của bệnh viện luôn chủ động trước mọi tình huống để thực hiện tốt nhiệm vụ đấu thầu mua sắm đủ thuốc cho công tác khám chữa bệnh cho 6.000 bệnh nhân ngoại trú và 2.000 bệnh nhân nội trú.

Để bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ kịp thời, bệnh viện phải vận dụng nhiều hình thức đấu thầu như đàn phán giá, đấu tập trung cấp quốc gia, đấu thầu tập trung cấp địa phương. Với công tác chuyên môn về dược, các chuyên viên của Khoa đều phải tự nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế thấp nhất làm sai quy định.

Để không gián đoạn cung ứng, khoa có trách nhiệm theo dõi sát tình hình thuốc trong kho, khả năng cung ứng của các đơn vị trúng thầu, theo dõi dự báo mô hình bệnh tật để dự trù thuốc kịp thời.

4. Đắk Lắk:

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Hữu Quang, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk thông tin:

Tôi thấy Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế nhìn nhận vấn đề rất sát. Chẳng hạn về giá, không thể quy định một mặt hàng 3 bảng báo giá như trước đây. Nhờ sự thấu hiểu của Chính phủ, Quốc hội, Bộ Y tế và việc kịp thời ban hành các Luật, Thông tư, Nghị định sát thực tiễn nên khi các văn bản này vừa mới ra đời đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Empty

Từ địa phương, tôi nghĩ, trong quá trình thực hiện vẫn con mới nên khi phát sinh các vấn đề, chúng tôi sẽ đóng góp với Bộ Y tế hoàn thiện, mục đích cuối cùng là có đầy đủ thuốc, vật tư chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hiện, Sở Y tế Đắk Lắk đã xây dựng danh mục khung thuốc đấu thầu trình UBND tỉnh và trước tiên đấu thầu một năm cho năm 2025. Sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện những gì còn thiếu xót, tỉnh sẽ tiến hành đấu thầu thuốc tập trung địa phương 2-3 năm một lần.

Hiện nay, Đắk Lắk cơ bản thuốc khá đủ, hiện chúng tôi đang phê duyệt khoảng 30 gói thầu cho 20 đơn vị. Kế hoạch phê duyệt liên tục không ngừng, trong khi đó, chúng tôi cũng làm gói thầu thầu cấp địa phương. Đắk Lắk không còn khó khăn về thuốc.

Đắk Lắk hiện đang làm tốt công tác đấu thầu. Giai đoạn này được đánh giá là ổn. Khó khăn nhất của địa phương là giao cho các cơ sở tuyến huyện đấu thầu. Năng lực không đủ, nhân viên không đủ, kể cả vận động hết bác sĩ tham gia vào đấu thầu nhưng không phải ai cũng hiểu chuyên môn dược.

Cái khó thứ 2 là các đơn vị ở xa, gói thầu rất nhỏ nên nhiều loại thuốc mà một tháng sử dụng chỉ có một vài lần, nên không đơn vị nào tham gia đấu thầu cho đơn vị đó, dẫn đến thiếu. Do đó, Sở Y tế tỉnh tập hợp lại, làm đúng theo quy định là mặt hàng ít hay nhiều cũng đấu thấu tập trung.

5. Ninh Thuận

Ông Bùi Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận thông tin:

Về thuốc, Ninh Thuận hiện đang đấu thầu tập trung tại địa phương và đang thẩm định để trình UBND tỉnh. Với thuốc đấu thầu tập trung Trung ương thực hiện theo quy trình Bộ Y tế hướng dẫn. Sở Y tế đề nghị các đơn vị được giao xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu bám sát Thông tư 07/2024/TT-BYT và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 Quy định Chi tiết một số điều và biện pháp thi thành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu để lấy giá đấu thầu, chọn lựa sản phẩm tốt. Với đơn vị tài chính hạn hẹp, nên lựa chọn sản phẩm vừa túi tiền. Với những thuốc các đơn vị cần, Sở Y tế hướng dẫn để tổ chức những gói nhỏ, giải quyết kịp thời.

Về vật tư, trang thiết bị y tế, Sở Y tế Ninh Thuận đang tham mưu cho UBND tỉnh phân cấp theo Luật Đầu tư công. Với gói thầu của đơn vị tự quyết định, Sở hướng dẫn các đơn vị căn cứ vào Thông tư 27 và Nghị định 24 để thực hiện đấu thầu qua mạng quốc gia để thuận lợi. Những gói thầu lớn, Sở Y tế tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt, hướng dẫn cho đơn vị tự thầu.

Với Luật Đấu thầu 2023, Nghị định 24, Chính phủ đã có những nhìn nhận rất tinh thông, sát thực tiễn để có hướng xử lý trong khi chưa xác định được về công nghệ, Chính phủ đã gỡ khó cho địa phương trong thực hiện đấu thầu một giai đoạn một túi một hồ sơ cho nhanh, còn nếu tiến hành phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ chưa bảo đảm quy định chính xác và kéo dài thời gian.

“Thời điểm này chúng tôi đã thật sự được tháo gỡ mọi khó khăn về đấu thầu, mua sắm”, ông Bùi Văn Kỳ hào hứng nói.

6. TP Hồ Chí Minh

Ông Lê Ngọc Danh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin:

Luật Đấu thầu 2023 giải quyết được nhiều khó khăn, đặc biệt với cơ sở có năng lực đấu thầu hạn chế hoặc số lượng danh mục thuốc ít. Khoản 3, Điều 53 của Luật cho phép cơ sở y tế cùng với nhau đấu gộp để lựa chọn được nhà thầu cung ứng thuốc. Ngoài ra, trong trường hợp không gộp được nhu cầu của các cơ sở y tế, thì các bệnh viện báo cáo Sở Y tế, Bộ Y tế đứng ra đấu thầu để cuối cùng có thuốc cho cơ sở công lập, phục vụ người bệnh có thẻ BHYT.

Với Thông tư 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh của Bộ Y tế mới ban hành ngày 18/10/2024, ông Danh đánh giá, văn bản đã “bịt lỗ hở” cho bệnh viện trong công tác mua sắm có giai đoạn chuyển tiếp, với mục tiêu cuối cùng hướng tới đáp ứng yêu cầu cao nhất của người bệnh có BHYT. Điều này đã đáp ứng thực tiễn trong một số trường hợp có giai đoạn bệnh viện không đủ thuốc, gián đoạn cung ứng giữa 2 gói thầu hoặc trường hợp người bệnh đến cao hơn thực tế hoặc có bệnh phát sinh không nằm trong danh mục thuốc thì việc chi trả cho người bệnh BHYT có thuốc điều trị là sát thực tiễn, phù hợp với chi trả của BHXH.

Tuy nhiên, điều này đặt ra khó khăn với cơ quan chi trả là là thực tế có thiếu thuốc bảo hiểm hay không; không có thuốc khác thay thế hay không.

“Điều này cần phải được xem xét phù hợp, tránh việc các bệnh viện không bảo đảm cung ứng thuốc thông thường để người bệnh phải ra ngoài mua thuốc rồi đến cơ quan BHYT chi trả. Mặc dù có hướng mở ra nhưng chúng ta cũng cần phải có giải pháp tránh việc lạm dụng, lấy cớ né trách nhiệm mua sắm không phù hợp”, ông Danh cho hay.

7. Ông Hoàng Cương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Y tế

Thời gian vừa qua, Bộ Y tế liên tiếp tổ chức các hội nghị tập huấn, phổ biến các quy định mới của pháp luật về đấu thầu trực tiếp và trực tuyến đến từng cơ sở y tế. Bên cạnh đó, Bộ đã làm việc trực tiếp với một số cơ sở y tế địa phương hướng dẫn trực tiếp.

Qua kiểm tra rà soát, Bộ Y tế thấy rằng có xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số bệnh viện do nguyên nhân là trong đầu năm 2024, các bệnh viện áp dụng Luật Đấu thầu mới nên việc áp dụng còn chậm trễ. Một số gói thầu đưa ra những quy định chưa phù hợp dẫn đến không lựa chọn được nhà thầu, phải hủy thầu để đấu thầu lại.

“Về cơ bản các vướng mắc chủ yếu từ phía cơ sở y tế trong quá trình thực thi là do chưa có cách hiểu thống nhất. Một số địa phương đã ban hành quy định phân cấp triệt để cho các cơ sở y tế, các bệnh viện quyết định việc mua sắm nhưng cũng có một số địa phương lại phân cấp ở mức vừa phải. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian mua sắm vì phải qua các bước trình duyệt, thẩm định trung gian”, ông Cương nói.

Ông Hoàng Cương cho biết thêm, những vướng mắc phát sinh kể từ khi văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu được ban hành không phải là nguyên nhân chủ chốt. Bằng chứng là là rất nhiều địa phương, bệnh viện đã đấu thầu và không gặp vướng mắc gì. Tuy nhiên, một số bệnh viện khác lại xảy ra vướng mắc.

Cũng theo ông Cương, các khó khăn của địa phương tập trung chủ yếu xoay quanh các nội dung: thủ tục thẩm định, phê duyệt tại một số địa phương còn phức tạp; có địa phương còn chưa phân cấp triệt để cho các bệnh viện trong việc quyết định mua sắm; việc thu thập báo giá, thông tin để xác định giá gói thầu còn có cách hiểu chưa thống nhất như việc xác định giá gói thầu theo báo giá cao nhất, thấp nhất hay trung bình; khó khăn trong việc phê duyệt dự toán ngân sách dành cho mua sắm; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa mà nhà thầu nêu trong hồ sơ dự thầu; một số bệnh viện chưa mạnh dạn quyết định mua sắm cho 2-3 năm thay vì chỉ đấu thầu theo từng năm như trước đây…

Tại các cuộc trao đổi này, các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế đã giải đáp các nội dung quan trọng như việc áp dụng tùy chọn mua thêm để có thể mua thêm ngay được thuốc, vật tư, thiết bị y tế; các cơ sở y tế có thể đấu thầu để mua sắm số lượng sử dụng cho nhu cầu sử trong 2 năm, 3 năm thay vì đấu thầu dùng cho 1 năm như trước đây; cách thức xác định giá gói thầu cho phù hợp; việc đánh giá về xuất xứ của hàng hóa; thực hiện ưu đãi cho hàng hóa sản xuất trong nước; thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong mua sắm tập trung… Thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã Mẫu hóa toàn bộ các khâu trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đã có quy định rõ về trình tự, thủ tục thực hiện đấu thầu.

Đại diện Trung tâm đấu thầu qua mạng Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hướng dẫn cho các chủ đầu tư cách thức khai thác, tra cứu thông tin về giá trúng thầu, các mặt hàng đã trúng thầu, thông tin về nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để các chủ đầu tư làm cơ sở xây dựng giá gói thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, tìm hiểu thông tin về các nhà thầu và thông tin đấu thầu của các địa phương, bệnh viện khác.

Bộ Y tế cũng đã tổng hợp xây dựng bộ câu hỏi bệnh viện thường gặp, dẫn dắt các quy định của luật, cách thức xử lý căn cứ vào luật.

Hiện Chính phủ giao cho Bộ Y tế nhiệm vụ tiếp tục rà soát, để đề xuất sửa đổi theo thẩm quyền đối với nội dung trong quá trình thực hiện còn vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ Y tế chủ trì xây dựng Sổ tay hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện công tác đấu thầu để các bệnh viện tham khảo, áp dụng.

“Chúng tôi đang triển khai nhiệm vụ này. Sắp tới, trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp vướng mắc của các bệnh viện để ban hành sổ tay, theo tinh thần cầm tay chỉ việc. Các bệnh viện có thể tham khảo để thực hiện đấu thầu, mua sắm. Tránh việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đẩy nhiệm vụ của mình lên cấp trên", ông Cương cho biết.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer