Những điều cần biết về rối loạn lo âu lan tỏa

Rối loạn lo âu lan tỏa được xếp vào nhóm các rối loạn liên quan stress với đặc tính là những mối lo lắng dai dẳng, lan tỏa, tản mạn, không khu trú vào một sự kiện hoàn cảnh đặc biệt nào ở xung quanh. Rối loạn này thường liên quan với stress trường diễn, tiến triển thay đổi nhưng có xu hướng mạn tính.
10/10/2023 09:26

Rối loạn lo âu lan tỏa là một trong những rối loạn phổ biến gặp ở chăm sóc sức khỏe ban đầu và trong các đơn vị khám cấp cứu. Tỷ lệ rối loạn lo âu lan tỏa khác nhau ở các nước. Tỷ lệ mắc cả đời rối loạn này ở các nước phát triển khoảng 5% dân số, ở các nước đang hoặc kém phát triển chiếm từ 1,5-3% dân số.

trieu-chung-roi-loan-lo-au-lan-toa-1

Nguyên nhân sinh bệnhCó sự kết hợp giữa yếu tố di truyền, các yếu tố môi trường như các trải nghiệm bất lợi thời thơ âu, các bệnh lý cơ thể kết hợp (tiểu đường), vấn đề sử dụng chất như rượu và chất gây nghiện khác, các tác động của sang chấn tâm lý, stress trong cuộc sống góp phần vào khởi phát, diễn biến quá trình và kéo dài dai dẳng rối loạn lo âu lan tỏa trong suốt cuộc đời.

Các yếu tố nguy cơ

Tuổi: Hay gặp lứa tuổi 30-54 và 45-64

Giới: Nữ giới có nguy cơ cao mắc rối loạn lo âu lan tỏa hơn 2 lần so với nam giới

Tình trạng hôn nhân: Ly hôn hoặc góa bụa

Tình trạng kinh tế: Nguồn lực kinh tế thấp, ít sự hỗ trợ

Hút thuốc lá thời thanh thiếu niên

Các sang chấn, sự kiện gây stress trong thời kỳ thơ ấu

Một số nghiên cứu chỉ ra nét tính cách, chăm sóc của cha mẹ như bỏ bê hoặc quá bảo vệ con họ cũng liên quan đến sự khởi phát rối loạn lo âu lan tỏa ở trẻ em

Nhân cách: Cá nhân có nét tính cách né tránh, phụ thuộc, nhân cách yếu đuối hay lo lắng, sống nội tâm, khép kín...

Tiền sử gia đình có bố/ mẹ mắc rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn trầm cảm... tăng nguy cơ mắc rối loạn lo âu lan tỏa ở trẻ em

Các dấu hiệu

+ Triệu chứng lo âu: Trạng thái lo âu, sợ hãi (lo lắng về bất hạnh trong tương lai, cảm giác “dễ cáu”, khó tập trung…), căng thẳng, cáu kỉnh, không thể thư giãn, đứng ngồi không yên, đau căng đầu. Trạng thái này có hoặc không có liên quan rõ rệt với sang chấn tâm lý, các rối loạn không dần mất đi khi sang chấn tâm lý không còn.

Các triệu chứng kích thích thần kinh tự trị: đây là các triệu chứng không thể thiếu, đặc trưng trong rối loạn lo âu. Thường biểu hiện các triệu chứng hồi hộp, tim đập mạnh, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, run chân tay, khô miệng...

Ngoài ra còn có thể biểu hiện bằng các triệu chứng sau:

Các triệu chứng liên quan đến vùng ngực và bụng: Khó thởCảm giác nghẹnĐau hoặc khó chịu ở ngựcBuồn nôn hoặc khó chịu ở bụng (ví dụ: sôi bụng)

Các triệu chứng liên quan đến trạng thái tâm thần: Chóng mặt, không vững, ngất xỉu hoặc choáng váng; Cảm giác mọi đồ vật không thật (tri giác sai thực tại) hoặc cảm giác bản thân ở rất xa hoặc “không thực sự ở đây” (giải thể nhân cách)Sợ mất kiềm chế, “hoá điên” hoặc ngất xỉuSợ bị chết.

Các triệu chứng toàn thân: Các cơn đỏ mặt hoặc ớn lạnhTê cóng hoặc cảm giác kim châm...

Các triệu chứng trên kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, học tập, các tương tác xã hội, hoạt động sống hàng ngày.

Chuyên khoa can thiệp: Khi có dấu hiệu trên nên đi khám chuyên khoa tâm thần để được thăm khám đánh giá và can thiệp kịp thời.

Các xét nghiệm cần phát hiện, xác định bệnh:

Các trắc nghiệm tâm lý đánh giá lo âu, stress, nhân cách, giấc ngủ…: GAD-7, thang đánh giá lo âu Zung, DASS, PSQI, MMPI, EPI....

Các đánh giá cấu trúc, chức năng não bộ: chụp cộng hưởng từ não bộ, cắt lớp vi tính não bộ, điện não, lưu huyết não,…

Xét nghiệm máu, dịch cơ thể

Các phương pháp điều trị tối ưu: Kết hợp các phương pháp: hóa dược, tâm lý và điều biến não

Hóa dược: Nhóm bình thần giải lo âu; Nhóm chống trầm cảm; Nhóm thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai trong điều trị rối loạn lo âu.

Trị liệu tâm lý: Liệu pháp nhận thức hành vi; Liệu pháp tâm lý cá nhân; Liệu pháp tâm lý động; Liệu pháp thư giãn luyện tập, .....

Điều biến não: Kích thích từ xuyên sọ; Kích thích dòng điện 1 chiều; Kích thích não sâu.

Biến chứng: Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy giảm về sức khỏe thể chất (tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nội tiết...), ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội nghề nghiệp, tăng nguy cơ lạm dụng rượu và các thuốc khác vì bệnh nhân thường tự dùng để giảm các triệu chứng; Tăng nguy cơ có ý tưởng tự sát lên 2,32 lần, và toan tự sát lên 3,64 lần.

Cách phòng ngừa

Duy trì hoạt động thể chất, phát triển thói quen tập thể dục đều đặn hàng ngày tốt cho cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tâm thần

Tránh rượu và các chất kích thích cà phê, thuốc lá, chất gây nghiện khác

Quản lý stress và có các phương pháp thư giãn: yoga, thiền định...

Tạo thói quen đi ngủ và thức giấc đúng giờ, có đủ số lượng và chất lượng giấc ngủ.

Chế độ ăn lành mạnh, đủ chất dinh dưỡng

Tham gia các hoạt động xã hội lành mạnh

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ rối loạn lo âu nên tư vấn chuyên khoa sớm, tuân thủ điều trị

Lời khuyên dành cho cộng đồng: Mỗi cá thể cần rèn luyện để có một nhân cách hài hòa để có thể giải quyết các tình huống stress trong cuộc sống, thực hiện một lối sống lành mạnh đảm bảo cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ rối loạn lo âu cần tư vấn chuyên khoa tâm thần để được phát hiện can thiệp kịp thời tránh tình trạng tự điều trị gây ra những hậu quả không đáng có.

BSCKII. Vũ Thị Lan - Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai

comment Bình luận

largeer