Những lưu ý khi đi xông hơi và những người tuyệt đối không nên thử

Các chuyên gia khuyến cáo, xông hơi là hình thức giúp cơ thể được thư giãn, giảm bớt căng thẳng mệt mỏi sau một ngày dài làm việc vất vả, phòng bệnh và chữa bệnh rất tốt. Nhưng nếu xông hơi quá lâu sẽ gây nhiều nguy hại cho sức khỏe như ngột ngạt, thiếu oxy, mệt mỏi, chóng mặt.
04/01/2021 14:57

Ông V.H. đến xông hơi điều trị bệnh tại phòng khám ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) thì bị bỏng nặng dẫn đến tử vong. Theo lời kể của con gái ông V. H., khoảng 10h ngày 29/11/2020, ông H. đến Phòng khám đông y Nguyễn Khoa tại số 33 đường số 2, Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè (TP.HCM), theo lịch hẹn của Giám đốc phòng khám.

Ông V. đã điều trị ở đây được khoảng 3 tháng, một tháng tới một lần theo lịch hẹn của bác sĩ chứ không cố định thời gian.

Tại đây, ông H. được đưa vào phòng xông hơi. Khoảng một giờ sau, phòng khám thông báo cho gia đình biết ông H. bị bỏng nặng nên đã được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Nhà Bè.

Do tình trạng của nạn nhân quá nặng nên bệnh viện này không cấp cứu được mà tiếp tục chuyển ông H. đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Đến 15h30 chiều cùng ngày, các bác sĩ thông báo cho gia đình ông H. rằng ông đã bị giãn đồng tử, không còn khả năng cứu chữa và khuyên gia đình đưa ông H. về lo hậu sự.

Xác nhận với báo chí, ông Nguyễn Khoa Vũ, Giám đốc Phòng khám đông y Nguyễn Khoa, cho biết có xảy ra vụ việc ông V.H. bị bỏng khi xông hơi tại cơ sở. Nạn nhân không qua khỏi khi đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Ông Vũ cho biết, hôm xảy ra vụ việc vào ngày chủ nhật, phòng khám rất đông khách.

Sau khi được bắt mạch, ông H. lên phòng xông hơi điều trị. Khoảng 30 phút sau, một tiếng động lớn phát ra tại phòng xông hơi, nhân viên chạy lên và phát hiện nạn nhân nằm bất động trong phòng.

Khi đưa ra ngoài, người ông H. bị bỏng phần ngực, đùi và được cơ sở gọi taxi đưa đi Bệnh viện huyện Nhà Bè cấp cứu. Nạn nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và được bác sĩ cho về nhà vì không còn khả năng cứu chữa.

tu-vong-khi-di-xong-hoi-va-cach-phong-tranh

Trao đổi với phóng viên về tình trạng bỏng khi đi xông hơi, BS Nguyễn Thống, nguyên trưởng Khoa Bỏng BV Xanh Pôn cho biết, xông hơi là dùng nước (có thể nước thảo dược, nước lá…) làm ấm, nóng cơ thể.

“Những trường hợp bị bỏng khi đi xông hơi là do không kiểm soát được nhiệt độ của hơi nóng. Theo đó, có thể bị bỏng trực tiếp hơi nóng từ vòi hơi lên trên 44 độ C. Hoặc hơi nóng từ vòi ra quá nhiều lại ở trong buồng kín với thời gian dài nên nhiệt độ trong buồng xông lên quá cao (trên 44 độ C) lúc nào mà người xông không biết”, BS Thống thông tin.

Bỏng do xông hơi thường ở diện rộng, hay ở vùng mặt cổ nên BS Thống cho rằng cũng rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời nó rất dễ để lại di chứng, hình thành những sẹo rất xấu. Thậm chí không chỉ xông hơi mà nhiều trường hợp giác hơi cũng bị bỏng.

Ông cho biết mới đây, ông cũng điều trị cho một bệnh nhân bị bỏng do xông hơi. Người đàn ông đến viện với toàn bộ da mặt xưng phồng, rỉ nước… Hoặc một trường hợp người nước ngoài cũng bị phồng rộp toàn bộ phần lưng. Nguyên nhân là do vị khách Tây này bị bỏng khi đi giác hơi.

“Có thể tử vong do bỏng khi xông hơi. Nhưng trường hợp bệnh nhân 65 tuổi ở TP Hồ Chí Minh, tôi không có đủ dữ liệu để kết luận có phải tử vong do bỏng khi xông hơi hay không?. Vì điều này còn phụ thuộc vào mức độ bỏng, vào bệnh lý nền trước đó của bệnh nhân có hay không và tiếng động trong phòng xông hơi mà mọi người nghe thấy là tiếng động phát ra từ đâu?”, BS Thống cho biết.

Đồng tình với nhận định này, TS. BS  Hoàng Thanh Tuấn, Trung tâm Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Viện bỏng Quốc gia (Hà Nội) cũng cho rằng, đây là trường hợp bị bỏng trong phòng kín có thể do khí nóng hoặc hơi nóng gây nên. Do đó, bệnh nhân không chỉ bị bỏng ngoài da mà còn có thể bị cả bỏng hô hấp.

“Trong khi đó, tại phòng xông hơi cũng phát ra tiếng động nên không biết cụ thể như thế nào. Liệu có kết hợp giữa bệnh lý nền của bệnh nhân nữa hay không?”, TS Hoàng Thanh Tuấn nêu vấn đề.

Các chuyên gia khuyến cáo, xông hơi là hình thức giúp cơ thể được thư giãn, giảm bớt căng thẳng mệt mỏi sau một ngày dài làm việc vất vả, phòng bệnh và chữa bệnh rất tốt.

Theo đó, xông hơi khiến cơ thể ra nhiều mồ hồi đồng thời tác động đến âm huyết và dương khí. Nếu xông hơi quá lâu sẽ gây nhiều nguy hại cho sức khỏe như ngột ngạt, thiếu oxy, mệt mỏi, chóng mặt.

Các chuyên gia khuyên rằng thời gian tối đa để xông hơi mỗi lần là từ 10 - 15 phút, mỗi tuần từ 1 - 2 lần và chỉ nên tắm sau khi xông ít nhất 6 tiếng. Không xông hơi khi cơ thể đang yếu.

Người đã uống rượu bia đi xông hơi rất nguy hiểm, vì các mạch giãn căng có thế gây tụt huyết áp, phải đi cấp cứu. Người sốt cao lâu ngày, ăn uống kém, suy nhược, âm chất kém… không nên xông hơi.

Người có bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, thiểu năng động mạch vành tim, rối loạn nhịp tim, tiền sử đã mắc đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim…), người đang bị sốt cao hay đang mắc các bệnh da liễu, phụ nữ đang mang thai và đang hành kinh, người có thể chất quá suy nhược và già yếu, say rượu, ăn quá no hoặc đang quá đói…

Đặc biệt, người bị bệnh về tim mạch, da liễu không được vào phòng xông hơi. Người cơ thể mỏi mệt, vừa tập thể dục, vận động nhiều thì nên nghỉ ngơi, không nên vào phòng xông hơi ngay. Nếu đang mang thai, bị bệnh huyết áp, tim mạch và hen suyễn thì chớ xông hơi.

Để không bị bỏng, BS Nguyễn Thống khuyến cáo, người xông hơi phải kiểm soát được nhiệt độ và nghe ngóng sức khoẻ bản thân. Khi cảm thấy không thoải mái, hơi nước quá nóng cần phải nhanh chóng tìm cách thoát ra khỏi vùng nguy hiểm bằng cách gọi nhân viên phục vụ để được can thiệp kịp thời…

Theo Infonet

comment Bình luận

largeer