Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Những lưu ý quan trọng khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em

Việc thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau về trước", với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì việc tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi là rất quan trọng.
18/02/2022 16:59

Có thể nói, đến nay, hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội trên cả nước đã từng bước trở lại trạng thái bình thường mới khi những biện pháp hạn chế, kiểm soát đi lại được dỡ bỏ. Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, thì việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, giống như những "mảnh ghép" cuối cùng, rất quan trọng. Để đảm bảo việc tiêm chủng cho trẻ em được hiệu quả, an toàn, chiều ngày 18/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề "Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng".

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội (từ phải sang): TS. Nguyễn Sĩ Dũng; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Hà Nội (từ phải sang): TS. Nguyễn Sĩ Dũng; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Trước những nỗi lo lắng của nhiều bậc cha mẹ về rủi ro có thể xảy ra sau khi trẻ tiêm vaccine như sốc phản vệ, kể cả trường hợp tử vong, thậm chí có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ sau này, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: Đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng, không chỉ ở các bậc phụ huynh mà cả chúng ta. Thời gian qua, chúng ta tiêm cho người lớn và rồi tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, đều an toàn.

Với nhóm trẻ ít tuổi hơn, có sự đặc biệt hơn về thể chất, về tinh thần, sự lo ngại của cha mẹ cũng nhiều hơn. Chúng ta cần phải quan tâm. Nhưng với loại vaccine như vậy, chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn được tốt cho các ông bố, bà mẹ và cũng chỉ định được vaccine này cho trẻ em.

Sự an toàn của loại vaccine này cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vaccine cũng đã cấp phép khẩn cấp vaccine cho nhóm tuổi này. Đã có 60 nước chỉ định vaccine này cho trẻ em.

Các ông bố, bà mẹ lo ngại là có phản ứng gì lâu dài hay không? Có cả những câu hỏi về sinh sản, di truyền. Đây là vấn đề chúng ta cần hiểu rằng: Bản chất của vaccine này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.

Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vaccine tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn.

Vai trò của các ông bố, bà mẹ là phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để cùng nhau sẵn sàng nhìn nhận xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn.

Trong thời gian vừa qua, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiêm chủng cho nhóm tuổi từ 12-18 tuổi, thấy rằng sự đồng thuận của cha mẹ cũng như phản ứng của các cháu rất tốt về tâm lý. Vì vậy trong thời gian tới đây, ngoài việc chuẩn bị về số thuốc, về dây chuyền tiêm… chúng ta phải có vai trò nữa là truyền thông, để bố mẹ các cháu đồng thuận đưa các cháu đi tiêm.

Hiện nay, trẻ em được ví như mảnh ghép cuối cùng để chúng ta thực sự có miễn dịch cộng đồng để trở lại cuộc sống bình thường mới và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Chính vì thế, vừa qua, Chính phủ quyết định mua hơn 20 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi. Về vấn đề này, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương chia sẻ: Từ kinh nghiệm triển khai chiến dịch tiêm chủng trong năm 2021 của chúng ta với 190 triệu liều vaccine đã được triển khai và đặc biệt là trong quý IV năm 2021, chúng ta đã triển khai cho nhóm đối tượng trẻ em là các cháu từ 12 cho đến dưới 18 tuổi. Một nội dung hết sức quan trọng là công tác triển khai cho nhóm trẻ em này như thế nào. Quá trình triển khai công tác tiêm chủng cho trẻ em, chúng tôi ghi nhận sự tham gia hỗ trợ tích cực của ngành giáo dục vì đây là đối tượng khác đối tượng người lớn. Chúng ta có các cháu đi học tại các trường, tới đây các cháu từ 5-11 tuổi cũng sẽ lần lượt đi học tại các trường tiểu học, rồi tới các trường mẫu giáo, nên sự tham gia của các thầy các cô rất quan trọng. Các thầy cô cũng cần nắm được các nội dung về chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết về tổ chức tiêm chủng và tham gia ngay những phút đầu trong buổi tiêm. Đó là theo dõi các phản ứng bất thường xảy ra ngay sau khi tiêm chủng. Và các thầy các cô cũng đồng hành với ngành y tế, có những cuộc họp phụ huynh để chia sẻ công tác tổ chức cũng như đảm bảo một lần nữa truyền tải đến phụ huynh công tác tổ chức tiêm chủng ở các trường học rất an toàn. Mặc dù chúng ta tổ chức tiêm ở trường nhưng hoàn toàn cán bộ tiêm chủng là từ các trạm y tế và có những đội tổ chức theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, cấp cứu phản ứng sau tiêm là các cán bộ chuyên khoa, rồi cán bộ hồi sức cấp cứu đã được hỗ trợ từ tuyến huyện, thậm chí có một số nơi, các thành phố lớn là tuyến tỉnh hỗ trợ, để các phụ huynh yên tâm.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Chúng tôi cũng nhận thấy từ kinh nghiệm triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Lúc đầu theo khảo sát của chúng tôi từ những anh em đồng nghiệp, số lượng phụ huynh chấp nhận ngay từ thời điểm ban đầu cũng chỉ độ 70% nhưng sau đó, thành công cho đến ngày hôm nay để thấy rõ tính lan tỏa. Tức là khi chúng ta tiêm chủng an toàn thì từ phụ huynh trong lớp sẽ tự nhắc nhở nhau đi tiêm, phụ huynh lớp này, phụ huynh lớp khác, khối này, khối khác sẽ lần lượt đưa các cháu đi tiêm. Và cuối cùng, tỉ lệ trẻ được tiêm chủng rất cao. Từ kinh nghiệm đó thấy rằng công tác tổ chức tiêm chủng là vô cùng quan trọng.

Đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau, đặc biệt là tới đây chúng ta tiêm cho trẻ em từ 5 cho đến 11 tuổi, chúng ta sử dụng vaccine do hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn toàn khác với vaccine chúng ta đã tiêm cho lứa tuổi trẻ từ 12 cho tới 17 tuổi, tương đương như người lớn. Hàm lượng vaccine ở đây chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn và cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ tới đây chúng tôi cũng sẽ phải tập huấn rất kỹ lưỡng. Có sự khác so với lọ vaccine chúng ta tiêm cho trẻ lớn.

Một nội dung nữa, khi triển khai công tác tiêm chủng thì bao giờ cũng song song với công tác hướng dẫn, xử trí các phản ứng nặng sau tiêm. Một trong những nội dung đó chính là các chuyên gia nhi khoa phải hướng dẫn cán bộ làm y tế dự phòng, cán bộ y tế xã huyện nhận định được thế nào là dấu hiệu bất thường của phản ứng sau tiêm liên quan đến nhóm tuổi trẻ. Đặc biệt tới đây là trẻ nhỏ lắm. Tôi đang ngồi cạnh hai chuyên gia y khoa đây, các anh hiểu các cháu bé khó hơn lứa tuổi vừa rồi tiêm. Các cháu không giao tiếp được nhiều, nhiều khi các cháu bé quá nên bỏ qua triệu chứng đáng ra cần phát hiện sớm. Tới đây, chương trình tiêm chủng mở rộng, rất mong các cán bộ y tế tiêm chủng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho các thầy các cô, cha mẹ, cộng đồng chịu khó chăm sóc các bé sau khi tiêm, phát hiện những triệu chứng cần xử lý kịp thời để tránh rủi ro đáng tiếc.

Chúng tôi cũng một lần nữa đề nghị các chuyên gia nhi khoa xem xét lại hướng dẫn cán bộ y tế khám sàng lọc cho các bé trước khi tiêm chủng để chúng ta có được một buổi tiêm chủng thực sự an toàn. Đối với các cháu bị bệnh lý mãn tính, bệnh lý nền như các anh vừa chia sẻ thì trong chiến dịch tiêm cho trẻ lớn, chúng tôi cũng được các bệnh viện nhi, các bệnh viện tuyến huyện chia sẻ gánh nặng với cán bộ y tế xã để các cháu đó được tiêm chủng tại bệnh viện. Qua đó chúng ta phòng chống được bệnh COVID-19 cho chính những cháu rất dễ mắc COVID thì bệnh nặng hơn. Chúng ta đã thực hiện thành công công tác tiêm chủng cho nhóm trẻ này. Chúng tôi thấy rằng chúng ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt tới độ bao phủ 97% và tôi tin rằng trong thời gian tới đây, rất gần thôi, trong cuối tháng 2 này, chúng ta sẽ đạt được mũi hai cũng nhích đến tỉ lệ 96-97%.

Một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh thời gian tới đây, chúng ta triển khai một vaccine mới. Mặc dù kinh nghiệm đã có nhưng đối với trẻ em từ 5-11 tuổi đây là một vaccine mới. Và cán bộ y tế cũng phải học nghiêm túc, tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục báo cáo với Bộ Y tế và duy trì cách thức tổ chức như các chiến dịch trước, đặc biệt là công tác cấp cứu và xử trí phản ứng sau tiêm. Công tác trực cấp cứu 24/24 giờ sau những đợt tiêm chủng là vô cùng quan trọng. Còn việc cung ứng vaccine thì chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ cố gắng đảm bảo cung ứng vaccine với chất lượng đảm bảo nhất tới tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM

PGS. TS. BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết: Vaccine là vũ khí để chiến thắng trong cuộc chiến COVID-19. Các cháu học sinh nghỉ học bị tác động nhiều bởi tâm sinh lý, phụ huynh muốn con em được đi học bình thường, sinh hoạt như người lớn. Một trong những điều làm cho người dân yên tâm là sớm tiêm cho các cháu. Chúng tôi đã triển khai tiêm cho các cháu từ 12-18 tuổi 100% an toàn. Hiện trường học mở cửa trở lại. Học sinh từ lớp 6 đến 12 yên tâm đi học. Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tháng 7/2021, điều trị hơn 2.000 ca COVID-19, trong đó trẻ em từ sơ sinh đến dưới 18 tuổi là 1.100 trường hợp. Sau tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi từ tháng 11/2021, số nhập viện giảm hẳn. Cụ thể tháng 11/2021, có 163 trường hợp các cháu nhập viện; tháng 12/2021: 150 trường hợp. Đến tháng 1/2022 chỉ có 75 trường hợp.

Có nhiều yếu tố dẫn đến trẻ em nặng nhập viện giảm. Tuy nhiên tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ca mắc và nhập viện.

Đánh giá về hiệu quả ban đầu của việc tiêm vaccine trong phòng chống lây nhiễm, điều trị COVID-19 ở nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, hiện đang điều trị trong hai Bệnh viện Nhi hàng đầu của đất nước, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay: Hiệu quả của vaccine chúng ta đều đánh giá là cơ bản và hữu hiệu để đẩy lùi COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục khuyến cáo cần phải đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng hơn nữa, đặc biệt cho nhóm người nguy cơ và nhóm yếu thế. Nhóm yếu thế ở đây đang là nhóm trẻ em.

Trong thời gian qua, chúng ta đã tiêm đến 17 triệu liều cho trẻ từ 12-17 tuổi an toàn. Đây là vấn đề mà ngành y tế và cán bộ nhân viên y tế đang hết sức cố gắng. Chúng tôi đã đưa ra kế hoạch cho điều dưỡng tiêm. Chúng ta đã làm rất tốt, an toàn. Trên thực tế, tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn ra và nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học. Khi các cháu bị nhiễm thì tình trạng nhẹ. Chưa có trường hợp nào được tiêm chủng từ 12-17 tuổi phải nhập viện. Với nhóm này chúng ta đã làm giảm tình trạng phải nhập viện, giảm thiểu được dấu hiệu chuyển nặng của bệnh.

Đưa thêm thông tin về tình hình tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi ở các nước trên thế giới, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết: Trên thế giới hiện nay đang tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. Theo thông tin của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế Thế giới chúng tôi cập nhật, có tới hơn 60 quốc gia triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Hầu hết các quốc gia đã chấp thuận vaccine này từ tháng 11/2021 và nhiều quốc gia cho đến tận tháng 2/2022 mới đây, chấp thuận vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Chúng tôi cũng đã tham khảo số lượng vaccine sử dụng trên thế giới hiện nay, đã có 80 triệu liều của hãng Pfizer/BioNTech được phân bổ cho các quốc gia. Số liệu vẫn đang được tiếp tục cập nhật qua hệ thống của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các nhà sản xuất. Chúng tôi cũng xin lưu ý đây là những vaccine đã được sử dụng tại các quốc gia ở châu Mỹ như Mỹ; châu Âu với tổng số là 64 quốc gia đã cho phép sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Đối với các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia là những nước gần chúng ta cũng đã chấp thuận sử dụng vaccine cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Việc sử dụng vaccine cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của vaccine cũng tương tự như đối với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ lớn từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi. Do đó, Việt Nam chúng ta đã triển khai như các quốc gia trên thế giới.

Thu Trang

comment Bình luận