Những nguy hại từ rác thải y tế ra môi trường

Chất thải y tế là bất kỳ chất thải nào có chứa chất nhiễm trùng (hoặc vật liệu có khả năng truyền nhiễm). Bao gồm chất thải phát sinh từ các cơ sở y tế, như văn phòng bác sĩ, bệnh viện, phòng khám nha khoa, phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu y khoa và phòng khám thú y. Chất thải y tế chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường.
06/02/2023 22:55

Chất thải y tế có thể chứa chất lỏng cơ thể như máu hoặc các chất gây ô nhiễm khác. Đạo luật Theo dõi Chất thải Y tế năm 1988 định nghĩa chất thải y tế là chất thải phát sinh trong quá trình nghiên cứu y học, xét nghiệm, chẩn đoán, tiêm chủng, hoặc điều trị cho người hoặc động vật. Một số ví dụ như thủy tinh, băng gạc, găng tay, các vật dụng sắc nhọn đã bị loại bỏ như kim hoặc dao mổ, gạc và khăn giấy.

Chất thải y tế nguy hại là chất thải y tế chứa yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường như dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ, dễ cháy, dễ nổ, dễ ăn mòn, hoặc có đặc tính nguy hại khác, nếu những chất thải này không được tiêu hủy hoàn toàn.

Các chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm: chất thải lây nhiễm sắc nhọn (bơm kim tiêm, đầu sắc nhọn của dây truyền dịch, lưỡi dao mổ, đinh mổ, cưa, các ống tiêm, mảnh thủy tinh vỡ và các vật sắc nhọn khác), chất thải lây nhiễm không sắc nhọn (bông, băng, gạc); chất thải có nguy cơ lây nhiễm (bệnh phẩm và dụng cụ đựng dính bệnh phẩm); chất thải giải phẫu (các mô, cơ quan, bộ phân cơ thể người, rau thai, bào thai); chất thải hóa học nguy hại (dược phẩm quá hạn, kém phẩm chất không còn khả năng sử dụng, chất hóa học ngy hại sử dụng trong y tế), chất thải chứa kim loại nặng (thủy ngân từ nhiệt kế, huyết áp kế bị vỡ)…

Chất thải lỏng y tế nguy hại được phát sinh từ các hoạt động chuyên môn (từ các phòng phẫu thuật, xét nghiệm, thí nghiệm…) và sinh hoạt của nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và người chăm nuôi (từ các nhà vệ sinh, giặt giũ, từ việc làm vệ sinh phòng bệnh. Đối với nước thải bệnh viện ngoài những yếu tố ô nhiễm thông thường, như chất hữu cơ, dầu mỡ động thực vật, vi khuẩn thông thường còn có những chất bẩn khoáng và hữu cơ đặc thù như các vi khuẩn gây bệnh, chế phẩm thuốc, chất khử trùng, các dung môi hóa học, dư lượng thuốc kháng sinh, các đồng vị phóng xạ được sử dụng trong quá trình chẩn đoán và điều trị.

Chất thải thông thường (hay chất thải không nguy hại) là chất thải không chứa các yếu tố lây nhiễm, hóa học nguy hại, phóng xạ, dễ cháy nổ, bao gồm: chất thải sinh hoạt phát sinh từ các buồng bệnh (trừ các buồng bệnh cách ly); chất thải phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế (chai , lọ thủy tinh, chai lọ huyết thanh, các vật liệu nhựa, các loại bột bó trong gãy xương kín. Những chất thải này không dính  máu, dịch sinh học và các chất hóa học nguy hại); chất thải phát sinh từ các ng việc hành chính (giấy , báo, tài liệu, túi nilon…); chất thải ngoại cảnh (lá cây, rác ở các khu vực ngoại cảnh).

c2

Đối với môi trường, khi chất thải y tế không được xử lý đúng cách (chôn lấp, thiêu đốt không đúng quy định, tiêu chuẩn) sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Sự ô nhiễm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái.

Nếu việc thu gom, phân loại và xử lý các chất thải y tế không đảm bảo sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và nhất là của những người trực tiếp tiếp xúc với chất thải đó là nhân viên y tế và các nhân viên hành chính. Bệnh nhân điều trị nội trú hoặc ngoại trú, khách tới thăm, người nhà bệnh nhân, người phục vụ trong các cơ sở khám chữa bệnh…cũng có thể bị ảnh hưởng.

Người bệnh khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung như không vứt rác, khạc nhổ bừa bãi. Lãnh đạo tại các cơ sở y tế cần phải xây dựng kế hoạch quản lý chất thải y tế, để xử lý, tiêu huỷ chất thải đảm bảo các yêu cầu cần thiết… nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh, an toàn.

Rác thải y tế và vấn đề quản lý rác thải y tế luôn là một “bài toán khó” và là một vấn đề cấp thiết đối với cả nhân loại. Bởi lẽ đây là một nguồn gây ô nhiễm môi trường luôn tiềm ẩn những thiệt hại và rủi ro cao đối với sức khỏe cộng đồng, dẫn đến lan truyền dịch bệnh (Dehghani et al., 2008). Do đó, giải quyết vấn nạn ô nhiễm rác thải y tế là một thách thức lớn trong thực trạng hầu hết các cơ sở y tế của các nước đang phát triển gặp trở ngại bởi những khó khăn về công nghệ, kinh tế - xã hội và việc đào tạo nhân lực chuyên môn cao về xử lý chất thải y tế, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, phức tạp, số lượng rác thải y tế càng tăng lên nhanh chóng. Theo phân tích toàn cầu của WHO về rác thải y tế trong đại dịch COVID-19 ước tính (3/2020 - 11/2021), phần lớn các thiết bị bảo hộ cá nhân được dùng trên thế giới đã trở thành rác thải; 140 triệu bộ kit test nhanh (≈ 2.600 tấn nhựa); 731.000 lít chất thải hóa học (≈ 1/3 bể bơi Olympic); hơn 8 tỷ liều vaccine cũng tạo thêm 143 tấn chất thải dưới dạng kim tiêm… Những con số cho thấy thực trạng đáng báo động từ rác thải y tế, nó để lại nhiều hậu quả, là mối đe dọa lớn đến con người và môi trường.

Ở Việt Nam, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực mà rác thải y tế đem lại, Chính phủ đã đưa ra các quy phạm pháp luật, nhằm quy định, điều chỉnh cách xử lý rác thải y tế, sao cho phù hợp với từng loại rác thải, cũng như các vấn đề xoay quanh việc xử lý rác thải y tế. VD: Thông tư 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT; Thông tư 20/2021/TT-BYT;...

Từ thực tế cho thấy, mối nguy hại từ rác thải y tế là vô cùng to lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người dân, cộng đồng. Việc chung tay xử lý rác thải không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, mà còn cần đến sự chung tay góp sức của tất cả mọi người.

Ngọc Thành

comment Bình luận

largeer