Những nguyên nhân gây tăng cân dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì

Béo phì là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim, đột quỵ, ung thư... Muốn "tạm biệt" béo phì, người lớn tuổi phải hiểu rõ những nguyên nhân gây tăng cân dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì.
13/03/2023 10:19

Càng lớn tuổi, trọng lượng cơ thể càng tăng khiến người trung và cao tuổi dễ mắc thừa cân béo phì. Vậy nguyên nhân của tình trạng “phát tướng” này là gì?

Vì sao càng lớn tuổi càng dễ tăng cân?

Một yếu tố quan trọng trong duy trì cân nặng của cơ thể để tránh tăng cân và béo phì là phải duy trì khối lượng mỡ cơ thể nhất định trên nền tảng cân bằng năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao. Ở người lớn tuổi thì năng lượng nạp vào theo đường ăn uống cao hơn mức năng lượng mà cơ thể có thể đốt cháy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng thức ăn chứa năng lượng chúng ta ăn vào không giảm theo tuổi tác. Do đó, việc giảm khả năng tiêu hao năng lượng ở những người từ 60 tuổi trở lên góp phần làm tăng lượng mỡ tích lũy trong cơ thể khi chúng ta già đi. Cộng thêm nhiều yếu tố thúc đẩy tăng cân khác như biến động trong hệ nội tiết, di truyền, các yếu tố xã hội, thói quen vận động làm cho người cao tuổi bị tăng cân nhiều hơn so với khi còn trẻ.

beo_phi_2712

(Ảnh: Vietnamplus)

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân như sau:

Thiếu ngủ

So với người trẻ tuổi, thời gian ngủ của người cao tuổi thường ngắn hơn. Nhiều người cao tuổi cũng gặp vấn đề về giấc ngủ như khó ngủ, mất ngủ, không thể ngủ sâu. Việc thiếu ngủ lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình bài tiết hormone của cơ thể, làm giảm lượng leptin bài tiết trong cơ thể, dẫn đến tăng cân.

Teo cơ, giảm cơ

Tình trạng teo cơ tăng dần theo tuổi tác. Teo cơ có thể làm giảm tốc độ trao đổi chất của người cao tuổi. Tỷ lệ trao đổi chất suy giảm, khiến chất béo trong cơ thể không thể tiêu tan và gây tích tụ calo, theo thời gian sẽ khiến cơ thể thừa cân, béo phì.

Rối loạn nội tiết

Sau khi bước vào giai đoạn trung cao tuổi, nội tiết tố do cơ thể tiết ra sẽ ngày càng ít đi và xuất hiện tình trạng rối loạn nội tiết. Rối loạn nội tiết khiến cho quá trình tiết leptin suy giảm và chuyển hóa calo dư thừa thành chất béo, rất dễ gây ra thừa cân, béo phì.

Tốc độ phát triển của tế bào suy giảm

Khi tuổi tác gia tăng, các chức năng của cơ thể suy giảm, tốc độ phát triển của các tế bào cũng giảm dần. Nhu cầu về năng lượng của cơ thể suy giảm, dẫn đến tích tụ năng lượng trong cơ thể. Năng lượng không kịp tiêu hao ra ngoài sẽ gây ra tình trạng thừa cân, béo phì.

Làm thế nào để xác định bản thân có mắc thừa cân béo phì không?

Để biết cơ thể có bị tăng cân, béo phì hay không người ta dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index). Chỉ số này do nhà khoa học người Bỉ Adolphe Quetelet đưa ra năm 1832. Con số này có thể tính theo công thức trên hoặc chiếu theo bảng tiêu chuẩn.

Ở người trưởng thành, khi có chỉ số cân nặng và chiều cao thì việc tính BMI tương đối đơn giản. BMI được tính bằng số cân nặng theo kg chia cho chiều cao theo mét bình phương (BMI=cân nặng (kg)/(chiều cao)2). Nếu BMI ≥25 là ngưỡng xác định thừa cân, nếu BMI ≥30 là ngưỡng xác định béo phì.

BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]

Theo Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), người lớn có BMI trong phạm vi từ 18,50 đến 25,00 là người bình thường. Dưới 18,5 là gầy, từ 25 đến 30,00 là người béo và trên 30 là béo phì.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer