Những phong tục đặc sắc tết cổ truyền Việt Nam

Theo truyền thống Việt Nam văn hóa VIệt Nam, Tết Nguyên Đán mang đậm bản chất văn hóa dân tộc. Trong dịp Tết, có rất nhiều phong tục truyền thống có ý nghĩa sâu sắc của người dân Việt diễn ra nhằm cầu mong một năm mới an lành, may mắn, an khang, thịnh vượng.
29/01/2021 14:27

 

Tiễn ông Công ông Táo về trời

Theo truyền thống, hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch là ngày ông Công, ông Táo lên thiên đình để báo cáo mọi việc trong nhà của gia chủ với Ngọc Hoàng. Chính vì vậy, tới ngày này các gia đình Việt Nam sẽ dọn dẹp nhà bếp sạch sẽ, mua cá vàng, chuẩn bị mâm cơm về cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và giữ gìn từ bao đời nay.

Thăm mộ, lễ cúng tổ tiên

Con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau đi thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân của mình, mời ông bà về ăn Tết với con cháu. Chiều ngày 30 tháng Chạp, trên bàn thờ tổ tiên được bày 1 mâm cỗ bao gồm trái cây và thức ăn. Người gia trưởng thắp hương dâng lên bàn thờ, cầu xin tổ tiên chứng giám và phù hộ cho gia tộc được nhiều phước lành trong năm mới. Theo sau đó mọi người trong gia tộc đều chắp tay cung kính thỉnh vong linh ông bà về ăn Tết. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt, thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.

Chợ tết

Chợ Tết không giống với những phiên chợ ngày thường trong năm. Chợ Tết bao giờ cũng đông hơn, vui hơn, có không khí hơn. Người ta đi chợ Tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày Tết thường không phải chỉ để “có cái ăn” mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội.

cho tet

Chợ Tết được bố trí ở những bãi đất rộng, có thể chợ được thành lập ngay nơi chợ thường ngày vẫn diễn ra chuyện bán mua. Nhưng trong chợ Tết, gần như tất cả “món ngon vật lạ” đều được bày bán. Không khí Tết thấm đượm thật sự vào những ngày này bởi cảnh người mua hàng nặng trĩu giỏ.

Tất niên cuối năm

Để kết thúc một năm, chuẩn bị đón chào những ngày năm mới, các gia đình Việt Nam thường tổ chức một bữa cơm cuối năm. Đây là một phong tục không thể thiếu trong Tết Cổ Truyền Việt Nam, thường diễn ra vào ngày 30 tháng chạp (29 tháng chạp nếu là tháng thiếu). Không chỉ là ngày các thành viên trong gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên, tất niên ngày nay còn là nơi gặp mặt bạn bè cùng nhau tổng kết một năm làm việc những thành quả đã đạt được, những hạn chế gì trong năm cũ để giúp kinh nghiệm và những mục tiêu cần đạt trong năm mới.

Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp. Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện bánh chưng, bánh giầy từ thời vua Hùng thứ 18 khi kén phò mã. Ngày nay bánh chưng bánh tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp của dân tộc ta. Các gia đình thường gói bánh chưng từ những ngày 27, 28, 29 Tết, đây cũng là một món quà biếu ý nghĩa cho họ hàng và bạn bè trong dịp này. 

Vào những ngày cuối năm, những người con xa quê ai ai cũng mong hoàn thành sớm công việc của mình để được về đoàn tụ với gia đình. Bởi ai cũng muốn được cùng với gia đình quây quần gói bánh chưng dâng cúng tổ tiên, ông bà.

Đây là quan niệm dân gian, chỉ mang tính chất tham khảo, không phải thông tin khoa học.

Nguyễn Thương

comment Bình luận

largeer