Nọc độc sâu róm nguy hiểm thế nào?

Sâu róm là loài côn trùng xuất hiện nhiều khi thời tiết nóng ẩm hoặc sau những ngày mưa. Hầu hết mọi người đều cho rằng lông sâu róm chứa độc tố nên gây đau rát đối với những vùng da mà sâu róm chạm phải.
14/10/2020 09:31

Vừa qua, trường hợp bé trai P.Đ.V. (1 tuổi) sống tại Tam Dương, Vĩnh Phúc phải nhập viện phẫu thuật do cầm phải sâu róm. Nhưng sai lầm của cha mẹ đã khiến sự việc rất đơn giản trở nên phức tạp vi đắp thuốc lá cho con. Hậu quả, vết cầm phải sâu róm không khỏi lại trở nên sưng tấy, phải vào viện tháo mủ.

Theo GS. Bùi Công Hiển, Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học: Sâu róm là loài côn trùng xuất hiện nhiều khi thời tiết nóng ẩm hoặc sau những ngày mưa. Hầu hết mọi người đều cho rằng lông sâu róm chứa độc tố nên gây đau rát đối với những vùng da mà sâu róm chạm phải.

Empty

Bé trai phải mổ vì cầm phải sâu róm.

Không phải loài sâu róm nào lông của chúng cũng có độc. Các loài lông có độc thường gây ra đau rát, sưng phồng cho vùng da bị dính lông sâu róm. Các loài không có độc thường chỉ gây cảm giác ngứa, khó chịu do lông sâu róm nhỏ, khi bám vào da dễ gây cảm giác khó chịu.

Vậy sâu róm độc đến mức nào?

Theo BS. Bùi Cẩm Trúc, thành viên của Hiệp hội Thẩm mỹ Da Hoa Kỳ cho biết, trên mình sâu róm có rất nhiều lông độc. Tùy từng vị trí bám trên cơ thể và tùy nọc độc của từng loại sẽ gây nên hậu quả khác nhau. 90% trường hợp ghi nhận hầu hết có triệu chứng ở da như: phát ban, ngứa ở da, và có cảm giác đau nhức có gai, lông sâu đâm vào da.

Nguyên nhân là khi chạm phải sâu róm, lông độc ở bên ngoài cơ thể sâu róm sẽ châm vào bên trong da người, đầu nhọn bị đứt và dịch độc lập tức chảy vào da thịt, gây bỏng, rát buốt. Các lông sâu trên da không bị thoái biến đi mà mắc lại suốt cả năm sau khi bị ngộ độc, gây ra những cơn đau bất chợt trong suốt thời gian này.

Khi sâu róm dính vào mắt có thể gây tổn thương mắt. Biểu hiện là tổn thương nốt. Các nốt đó chính là do tổ chức đạm của gốc lông, khi lọt vào mắt, gây phản ứng tụ tập bạch cầu đa nhân, tạo các nốt tròn trắng tại gốc lông sâu gây viêm giác mạc, viêm màng bồ đào trước, làm lấp tắc đồng tử hoặc mủ nội nhãn, gây mù lòa.

Empty

Sâu róm độc đến mức nào?

Ngoài ra còn có thể bị sưng hạch lân cận và sưng cả tay chân. Đối với một số trẻ có cơ địa nhạy cảm có thể dẫn đến ngộ độc nặng với những triệu chứng như nhức đầu, sốt, hạ huyết áp và co giật, diễn tiến nặng có thể tử vong.

Ở nước ta chưa có số liệu thống kê nhưng ở các nước như Hoa Kỳ thì từ cuối những năm 90, các Trung tâm Độc chất đã báo cáo có hơn 3.700 trường hợp ngộ độc do sâu róm hàng năm, trong đó có khoảng 30% xảy ra ở trẻ dưới 6 tuổi.Một số trong những loài sâu róm gây ngộ độc phổ biến với các gai nhọn và hạch độc ở chân là loài Megalopyge opercularis (Pus caterpillar), Megalopige crispate (Flannel moth caterpillar), Sibine stimuli (Saddleback caterpillar) có khả năng tự vệ rất cao, đồng thời có gai và lông chứa các độc tố. Sâu róm Megalopyge opercularis là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ngộ độc nặng ở Hoa Kỳ. 

Xử lý khi bị sâu róm đốt

Căn bản của việc điều trị là loại bỏ chất độc và làm dịu triệu chứng. Bị sâu bám cẩn thận dùng que để lấy sâu ra, phủi sạch các lông gai thấy được, sau đó dùng băng dính dán lên vùng da tiếp xúc với sâu róm để lấy sạch các lông nằm sâu, còn sót lại. Sau đó nhẹ nhàng rửa sạch da bằng nhiều nước và xà phòng. Đắp lạnh để làm giảm sưng và giảm đau. Đối với các trường hợp trẻ bị ngộ độc, bị nặng cần đưa trẻ đến trung tâm y tế để xử lý.

Bạch Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer