Nữ trạm trưởng dành trọn tuổi xuân bám bản ở huyện miền núi Thanh Hóa

19 năm trong nghề, bác sĩ Phạm Thị Quyên không nhớ bản thân đã bao nhiêu lần băng rừng, lội suối đến các bản, làng xa xôi ở vùng cao Lang Chánh để khám bệnh, hộ sinh, vận động đồng bào quê hương mình loại bỏ hủ tục lạc hậu.
23/02/2024 16:59
Với vai trò là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Phúc, bác sĩ Phạm Thị Quyên đã trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con nơi đây mỗi khi đau ốm

Với vai trò là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Phúc, bác sĩ Phạm Thị Quyên đã trở thành chỗ dựa tin cậy của bà con nơi đây mỗi khi đau ốm

Kiên trì bám bản

Ngần ấy năm gắn bó với Trạm Y tế 2 xã Tam Văn, Tân Phúc (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) là ngần ấy tình thương yêu của bác sĩ Phạm Thị Quyên (SN 1980), Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Phúc dành cho những người dân nơi đây. Nữ bác sĩ ấy vẫn ngày đêm túc trực nơi vùng cao, để thực hiện sứ mệnh theo dõi, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Hơn 19 năm trước, chị đã bỏ qua nhiều cơ hội việc làm dưới thành phố, trở về quê hương Lang Chánh phục vụ người dân, không ngại khó khăn, thiếu thốn của huyện miền núi. Nơi được biết đến bởi những con đường đi lại heo hút, xa xôi hiểm trở, đời sống nhân dân nhiều khó khăn với những hủ tục lạc hậu.

Bác sĩ Phạm Thị Quyên chia sẻ: “Ngày mới ra trường, tôi nhận công tác về xã Tam Văn, điều kiện vô cùng thiếu thốn, đường đất đi lại rất vất vả, chúng tôi phải đi bộ từ trung tâm xã vào các bản hơn 3 tiếng đồng hồ. Công việc có khi phải ở lại bản nhiều ngày, lưới điện chưa phủ hết, người thì ít nên cũng rất buồn. Nhưng tôi tự nhủ mình phải cố gắng bám bản, theo nghề để tuyên truyền cho người dân quê hương mình hiểu, giúp đồng bào loại bỏ hủ tục, thay đổi cuộc sống”.

Họp giao ban, triển khai công việc tại Trạm Y tế xã Tân Phúc

Họp giao ban, triển khai công việc tại Trạm Y tế xã Tân Phúc

Với phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên ở Tam Văn thời điểm đó vẫn còn nhiều hủ tục lạc hậu. Bà con chưa nhận thức được việc tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, khi ốm đau không đến trạm y tế mà ở nhà cúng bái… Đây là những khó khăn mà đội ngũ cán bộ y tế cũng như bác sĩ Phạm Thị Quyên phải mất nhiều năm để thay đổi.

Bác sĩ Quyên không nhớ bản thân đã bao nhiêu lần đi bộ đến các bản, làng xa xôi để khám bệnh, vận động đồng bào quê hương mình thay đổi hủ tục lạc hậu. “Cán bộ, nhân viên trạm y tế xã phải đến tận thôn bản có đồng bào bị ốm kiểm tra, giải thích, động viên rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế khám và điều trị. Khi được điều trị khỏi bệnh, bà con tin rằng đến trạm y tế xã họ sẽ được sống. Từ đó, mỗi khi đau ốm, người dân lại đến trạm y tế xã”, bác sĩ Quyên cho biết.

Kể về một lần xuống bản cấp cứu cho sản phụ sinh ngược, bác sĩ Quyên chia sẻ: “Hôm đó, tôi cùng đồng nghiệp đi bộ nhiều tiếng đồng hồ, đến nhà hộ sinh cho một ca sinh khó, băng huyết, tình huống cực kỳ nguy cấp. Do cách xa Trạm Y tế, đến nơi chúng tôi phải bắt tay ngay vào công việc. May mắn, sản phụ đã mẹ tròn con vuông. Lúc đó, mọi người đều cảm thấy rất vui, cả sản phụ và ê-kip lúc đó như được sống lại thêm một lần nữa”.

Tận tâm với nghề

Tuổi trẻ hăm hở, hết mình vì công việc để trải nghiệm cuộc sống, nhưng rồi đất lành cho trái ngọt, tôi ở lại bám làng, bám bản, phục vụ bà con quê nhà. Năm 2011, chị học chuyên tu bác sĩ tại Đại học Y Hà Nội để nâng cao trình độ y thuật, đến năm 2015 ra trường, được phân công về xã Tân Phúc làm Trạm trưởng, tiếp tục sứ mệnh chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Nhớ về kỷ niệm “không bao giờ quên” trong suốt hành trình hơn 19 năm gắn bó với y tế cơ sở, bác sĩ Quyên không cầm được những giọt nước mắt. “Quãng thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, lúc đỉnh điểm xã Tân Phúc có gần 500 ca F0, vì thế anh chị em luôn luôn sẵn sàng tâm thế sơ cứu, cách ly. Do chồng cũng công tác trên Trung tâm Y tế huyện nên dường như chúng tôi không có thời gian ở nhà chăm sóc, dạy bảo 2 con. Bất đắc dĩ, vợ chồng phải đưa con về nương nhờ ông bà nội nhiều năm liền, đành lòng cách xa các con hơn trăm cây số. Thời gian đó, cháu lớn vừa bước vào đại học, cháu nhỏ đang học cấp 1. Lúc rảnh rỗi, 2 vợ chồng chỉ có thể thăm hỏi, trò chuyện với các con qua camera. Trong mỗi cuộc gọi, cả gia đình 4 người không khỏi kìm được nước mắt”.

Nói về kỷ niệm gắn bó với nghề, bác sĩ Quyên không khỏi nghẹn ngào, xúc động

Nói về kỷ niệm gắn bó với nghề, bác sĩ Quyên không khỏi nghẹn ngào, xúc động

Gắn bó với 2 xã khó khăn Tam Văn, Tân Phúc đã nhiều năm, bác sĩ Quyên thuộc nằm lòng từng dãy núi cao, con suối sâu đến những thôn, bản nghèo nàn. Chị không nhớ nổi đôi chân của mình đã vượt qua bao nhiêu chặng đường gập ghềnh nhưng vẫn luôn mong có đủ sức khỏe để tiếp tục hành trình chữa bệnh, cứu người.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho cộng đồng, nhiều năm qua, từ lãnh đạo huyện, xã, thôn bản cho đến từng người dân đều biết ơn, yêu quý bác sĩ Quyên và coi chị như người con ưu tú của địa phương.

Nói về Trạm trưởng Phạm Thị Quyên, BSCKII Đỗ Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lang Chánh, chia sẻ: “Tại địa phương, bác sĩ Phạm Thị Quyên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là một trong những tấm gương điển hình tiên tiến của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, nhiều lần được UBND huyện Lang Chánh khen thưởng. Không chỉ tận tình, có tấm lòng yêu thương người bệnh, bác sĩ Quyên luôn nỗ lực đưa tập thể trạm phát triển vững mạnh, đoàn kết, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, Trưởng trạm Quyên luôn thực hiện tốt vai trò quản lý trạm, cũng như công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân, luôn được anh em ở Trạm cũng như bà con trong xã quý mến”.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) xin chúc các thầy thuốc, bác sĩ, y sĩ tỉnh Thanh Hóa nói riêng và tất cả các y, bác sĩ đang công tác trong ngành y nói chung luôn có một sức khỏe dồi dào, một trí lực tinh thông để cống hiến cho nền y học nước nhà…

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer