Ô dược điều trị thoát vị bẹn, tiểu đêm do thận lạnh

Có rất nhiều thảo dược giúp giảm các triệu chứng đau bụng như hương phụ, ô dược, mộc hương… Tuy nhiên, nếu nói về tác dụng lý khí, làm tan khí lạnh gây đau bụng ở bàng quang thì ô dược là hay nhất.
20/10/2023 16:52

Ở nước ta, số lượng ô dược (OD) còn lại không nhiều, nên hiện tại, loài này đã được đưa vào sách đỏ nhằm bảo tồn. Trong dân gian, người ta thường gọi cây OD là cây dầu đắng (vì cây có mùi thơm và có vị đắng).

Vài nét về vị thuốc ô dược

Ở Việt Nam, vị thuốc OD thường được lấy từ rễ của cây ô dược Nam, tức cây dầu đắng (Lindera myrrha), thuộc họ Nguyệt quế, là cây thân gỗ cao từ 1 đến 15m.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, người ta còn dùng rễ của cây Vệ châu ô dược (Cocculus laurifolius) thuộc họ Tiết dê.

Vị thuốc ô dược. Ảnh: Caythuoc.org

Vị thuốc ô dược. Ảnh: Caythuoc.org

Công dụng của ô dược

Ô dược có vị cay đắng, tính ôn (ấm) và thông vào các kinh Thận, Phế, Tỳ, Bàng quang. Theo kinh nghiệm dân gian, vị thuốc ô dược có các công dụng như:

- Giúp ích khí, giảm đau (nhất là đau bụng).

- Giúp dễ tiêu hóa, điều trị co thắt dạ dày.

- Điều trị đầy chướng, tức ngực.

- Giúp giảm nôn mửa, nhức đầu.

- Giúp ấm thận, điều trị thận lạnh gây tiểu đêm, tiểu dầm.

- Điều trị giun lãi ở trẻ em.

- Điều trị thoát vị bẹn, đau bụng kinh, bụng dưới trướng đau.

- Điều trị khó thở, đờm tắc nghẽn, hơi không lưu thông.

Cách dùng: Mỗi ngày, lấy từ 2 đến 6g ô dược nấu với nước uống (hoặc tán bột uống). Ngoài ra, kết quả nghiên cứu dược tính cũng cho thấy trong rễ ô dược có hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn và giúp tăng cân (thí nghiệm trên chuột).

Các bài thuốc kết hợp thường dùng

Điều trị thận lạnh, tiểu dầm và dạ dày co thắt, đau đớn: Dùng 8g ô dược, 2g hồi hương và 6g ích trí nhân, tất cả cùng sắc uống với lượng nước vừa phải.

Điều trị tiêu chảy, lỵ và sốt: Lấy OD khô giã nhuyễn rồi thêm nước hồ để làm thành viên (mỗi viên to bằng hạt bắp). Mỗi ngày, một người trưởng thành có thể uống từ 10 đến 20 viên và chia thành nhiều lần uống trong ngày.

Về cách sơ chế

So với các vị thuốc khác thì OD có nhiều phương thức sơ chế trước khi đưa vào sử dụng. Trong đó, có thể kể ra 5 cách đã được ghi nhận như sau:

- Rửa sạch rễ rồi ngâm nước, ủ mềm, sau đó thái mỏng, phơi khô (gọi là ô dược phiến).

- Lấy OD phiến sao vàng (gọi là ô dược sao vàng).

- Lấy cám rang cho thơm rồi đổ OD phiến vào, sao cho đến khi thuốc có màu vàng nhạt (cũng có thể tẩm thêm mật ong và sao đến khi thuốc vàng thơm).

- Lấy OD trộn với rượu theo tỉ lệ 5:1 rồi đợi nửa tiếng cho rượu thấm đều, sau đó sao với cám cho đến khi thuốc có màu vàng và rây bỏ cám.

- Lấy muối pha nước rồi tẩm vào OD (cứ 10kg OD thì dùng 160g muối), đợi nửa tiếng rồi sao với cám cho đến khi có màu vàng nhạt.

Lưu ý khi dùng

Đối tượng cần tránh: OD có tính ấm nên những người bị khí hư do nội nhiệt thì không được dùng.

Phân biệt: OD còn được gọi là sim rừng nhưng không phải cây sim (Rodomyrtus tomentosa). Trên thực tế, có một số người đã dùng rễ cây sim để làm ô dược. Vì vậy, khi mua làm thuốc, các bạn cần lưu ý chọn chỗ uy tín để tránh mua nhầm.

Trong lựa chọn: Loại rễ có nhiều bột và khi cắt ngang có màu xám là loại tốt (những loại già và đã có xơ gỗ thì không làm thuốc được).

Trong bảo quản: Trong điều kiện ẩm thấp, OD dễ bị mối mọt làm hư hoại.

Theo Caythuoc.org

comment Bình luận

largeer