Ô nhiễm không khí gây rối loạn tâm thần?

Các nhà nghiên cứu tại Đại học King ở London và đại học Leicester của Anh đã tìm thấy bằng chứng đầu tiên cho thấy những người trưởng thành tiếp xúc với ô nhiễm không khí liên quan đến giao thông có nhiều khả năng bị rối loạn tâm thần.
04/11/2020 17:42

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Maudsley tài trợ và đã được xuất bản trên tạp chí Social Psychiatry và Psychiatric Epidemiology ngày 24/10 vừa qua.

 Ô nhiễm không khí bao gồm các khí như nitơ điôxít (NO2) và vật chất dạng hạt (PM), được tạo thành từ các hạt chất lỏng và rắn cực nhỏ.  Không khí ô nhiễm bắt nguồn từ khí thải công nghiệp, đốt lửa và giao thông đường bộ, đặc biệt là trong các thành phố tắc nghẽn với lượng khói thải động cơ diesel.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ hơn 1.600 người tham gia. Những người tham gia được đánh giá về các rối loạn tâm thần thông thường, trải nghiệm tâm thần và các triệu chứng thể chất như sự đau khổ về tinh thần dựa trên các cuộc phỏng vấn và bảng câu hỏi trong khoảng thời gian 5 năm.

o nhiem kk

Khu vực nội thành London có mật độ giao thông cao và ô nhiễm không khí hơn các thành phố khác của nước Anh.

 Dữ liệu sức khỏe tinh thần và thể chất từ cuộc khảo sát được liên kết với nồng độ ô nhiễm không khí trung bình hàng quý tại địa chỉ dân cư của những người tham gia.  Southwark và Lambeth là những khu vực nội thành London có lưu lượng phương tiện qua lại cao và nồng độ ô nhiễm không khí trung bình cao so với các khu vực đô thị khác của Vương quốc Anh. 

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ tăng 5 microgram trên mét khối vật chất hạt rất nhỏ (PM2.5) và tăng 3 microgram trên mét khối đối với nitơ điôxít (NO2), tỷ lệ mắc các chứng rối loạn tâm thần thông thường đã tăng 18% lên 39%.

 Họ cũng ước tính, các trường hợp rối loạn tâm thần thông thường do tiếp xúc trực tiếp với khu dân cư với PM2.5 trên 15,5 microgam trên mét khối tăng gấp 2 lần.

Các rối loạn tâm thần bao gồm các loại trầm cảm và lo âu khác nhau.  Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các phỏng vấn lâm sàng để đánh giá các rối loạn tâm thần phổ biến.  

Kết quả cũng cho thấy sự gia tăng PM2.5 và NO2 có liên quan đến tỷ lệ gia tăng 18% đến 29% của các triệu chứng thể chất kém biểu hiện của tình trạng đau khổ về tinh thần (như đau dạ dày, khó thở, khó ngủ).

Nghiên cứu cũng đánh giá mối quan hệ giữa tiếp xúc với ô nhiễm không khí (PM10) và trải nghiệm tâm thần và phát hiện ra rằng cơ hội trải nghiệm rối loạn tâm thần tăng 33%.

 "Các phát hiện cho thấy những người tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao trong thời gian dài có nhiều khả năng bị suy giảm sức khỏe tâm thần,” Tiến sĩ Ioannis Bakolis, tác giả chính và giảng viên cao cấp tại đại học King, cho biết.

Ông cho rằng: “ Mặc dù chúng ta không thể đảo ngược những trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi hoặc cấu tạo di truyền của con người, nhưng việc áp dụng các biện pháp giảm ô nhiễm không khí có thể là một biện pháp ban đầu có khả năng tác động và ngăn ngừa các rối loạn tâm thần."

Các bằng chứng gần đây cũng đã chứng minh rằng, số lượng hạt nano magnetit có nguồn gốc đốt cháy tăng cao trong não của những người sống ở khu vực thành thị có liên quan đến những thay đổi bệnh lý trong não.  Tình trạng viêm và độc tố trong não dường như quan trọng đối với cả trầm cảm và rối loạn tâm thần vì những tác động ngắn hạn và dài hạn của ô nhiễm không khí.

Chúng ta đã quen với các bằng chứng liên kết ô nhiễm không khí với các tác động lên tim và phổi, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí cũng không tốt cho não, ảnh hưởng đến việc học tập, sức khỏe tâm thần của trẻ em.

Những tác động này là đáng kể nhưng chưa được đưa vào các đánh giá kinh tế về gánh nặng của ô nhiễm không khí đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội của chúng ta. Đặc biệt, có vẻ như chúng ta đã đánh giá thấp những tác động bất lợi của ô nhiễm không khí  về sức khỏe của chúng ta từ khi còn trong nôi cho đến khi xuống mồ.

 Mối liên quan giữa chất lượng không khí kém và sức khỏe đã được nhấn mạnh trong nhiều nghiên cứu trước đây và nguy cơ này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp hạng là nguyên nhân môi trường chính gây tử vong sớm. 

 Theo Tiền Phong

comment Bình luận

largeer