PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh – Người thầy cống hiến hơn 60 năm cho sự nghiệp giáo dục

PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD), Phó Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã ở độ tuổi ngoài 85 và ông gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục đã hơn 60 năm. Quả là một con số gắn liền với chặng đường, vẽ nên tấm bản đồ đầy dấu ấn, khắc in những con chữ, con số của người thầy Kỳ Anh.
19/11/2022 07:49
 PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh

PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh

PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh (sinh năm 1937), trong một gia đình viên chức nghèo, đông con ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên tại vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, với bao tên làng, tên người đã đi vào lịch sử, nên từ nhỏ ông đã ý thức được việc học chính là trách nhiệm của con người nơi đây.

Thời đi học của ông vào những năm đất nước đang oằn mình chống Thực dân Pháp đô hộ nhưng khi đó vốn là một cậu bé thông minh, hiểu chuyện, lại mang nhiệm vụ tiếp nối truyền thống của gia đình nên dù có khó khăn thì cũng phải tìm đủ mọi cách để làm việc, để sống vượt qua cái khó ấy. Do đó, là một người anh lớn trong nhà, ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Kỳ Anh đã đi làm thuê để phụ giúp cha mẹ và làm gia sư cho con em những gia đình khá giả trong vùng để kiếm tiền nuôi ước mơ ăn học. Ngoài ra, cậu học trò nghèo còn tham gia dạy các lớp bình dân học vụ theo lời kêu gọi diệt giặc dốt – diệt giặc đói – diệt giặc ngoại xâm của Nhà nước cách mạng.

Năm 1956, ông tốt nghiệp trường cấp III Phan Đình Phùng (thời điểm đó là hệ giáo dục 9 năm) và đăng ký thi vào trường Đại học Y Dược khoa Hà Nội (nay là trường Đại học Y Hà Nội. Mấy tháng sau, ông nhận được giấy báo trúng tuyển. Sau năm năm học, ông được chọn vào học lớp chuyên khoa Nhi đầu tiên ở Việt Nam do chuyên gia Liên Xô trực tiếp giảng dạy.

Trong quá trình học đại học ở Hà Nội, ông tiếp tục tìm và xin đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống.

Là sinh viên nghèo nên ông cũng được hội sinh viên giới thiệu tham gia vào các lớp dạy bổ túc văn hóa buổi tối. Ngày học trên trường, chiều tối đi dạy học, đêm về, ông học lại kiến thức trên lớp… Nhờ đó, ngoài học bổng được cấp, ông còn có thêm tiền giảm gánh nặng cho gia đình trong giai đoạn đầy khó khăn, biến động.

Ông gắn bó với công việc dạy bổ túc văn hóa từ khi vào Trường Đại học Y Dược Hà Nội cho tới khi tốt nghiệp và ở lại công tác giảng dạy tại trường ông mới dừng dạy bổ túc văn hóa.

Căn nguyên gắn bó với ngành y của PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh

Vốn là một người học giỏi toàn diện, nhưng xuất phát từ hoàn cảnh thực mà ông phải trải qua nên ông đã chọn ngành y để theo học. Điều kiện tiên quyết đầu tiên là do gia đình đông anh em, các em hay ốm đau và ngặt nghèo thay, những năm 1945, 1946 nhà ông mất liền mấy người đều do bệnh tật. Hồi đó, để mời được bác sĩ về chữa trị bệnh rất khó, cả huyện không có một bác sĩ, chỉ có y sĩ nhưng vì không có tiền nên không thể mời về được. Gia đình mất mát quá nhiều đã trở thành nỗi đau sâu thẳm ghim chặt vào con người của ông và ông quyết tâm phải vào ngành y để phục vụ cho gia đình, cho xã hội.

Thêm nữa, vào năm học lớp 8, ông được khám tuyển để đi học phi công tại Liên Xô nhưng do chỉ số sức khỏe của ông không đạt nên không được đi. Ông chia sẻ: “Lúc học sinh chúng tôi xếp hàng để khám, đứng chen chúc vào nhau nên bị mấy cô y tá, y sĩ mắng. Khi đó, tôi thầm nghĩ, “tại sao người thầy thuốc mà ăn nói như thế, sau này mình phải vào ngành y để nói cho đúng lời Bác Hồ dạy – Lương y như từ mẫu””. Bởi theo ông, những người thầy thuốc không chỉ được dạy cần có chuyên môn giỏi về mặt kiến thức mà còn phải được dạy về cả có đạo lý đức, phẩm chất và tình thương yêu đối với mọi người.

Chính vì vậy mà các thế hệ sinh viên của ông Kỳ Anh được đào tạo khá bài bản, không chỉ về mặt kiến thức mà còn cả về mặt tu luyện đạo đức, phẩm chất. Cho nên, trong chiến tranh, có những sinh viên chưa tốt nghiệp ra trường đã tình nguyện đi chiến đấu, xung phong ra mặt trận.

Mối tương quan giữa giáo dục và sức khỏe

Theo PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, giáo dục và sức khỏe có sự gắn kết đặc biệt trong cuộc sống. Muốn khỏe mạnh, con người phải tự làm chủ được sức khỏe của mình và giúp những người trong gia đình và cộng đồng thực hiện những kiến thức cơ bản về phòng bệnh. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi người cần phải học, phải tiếp nhận những lời khuyên bổ ích về giữ gìn sức khỏe từ người khác.

Giáo dục sức khỏe (GDSK) không phải chỉ có những thầy thuốc mới làm nhiệm vụ đó mà GDSK là bố mẹ dạy cho con. Ví dụ như nói cho con biết phải ăn thế này, ngủ thế kia, vệ sinh thế này, phải uống thuốc như thế nào,… đấy chính là GDSK.

Đây cũng chính là lý do ông Kỳ Anh đề xuất Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng (GDCSSKCĐ) Việt Nam thành lập Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD).

Giải thích cho câu hỏi tại sao Hội GDCSSKCĐ Việt Nam lại xây dựng Viện IPD, ông Kỳ Anh cho hay: “Viện IPD thành lập với phương châm hoạt động là “Đồng tâm, hiệp lực, tiến hành GDCSSKCĐ để cải tạo nòi giống, bồi dưỡng nhân lực và đào tạo nhân tài cho đất nước”. Do đó, Viện nghiên cứu tiến hành giáo dục và phát triển tiềm năng của con người, mà tiềm năng của con người bắt đầu từ trẻ thơ. Khi được giáo dục phát triển được tiềm năng, con người sẽ phát triển toàn diện và vượt trội về thể lực, trí tuệ, đạo đức, nhân cách,… góp phần cải tạo nòi giống của dân tộc.

“Không chỉ vậy, Viện là tập hợp những người có tâm huyết đi theo một chí hướng để khai mở giáo dục cho trẻ em nhỏ ở giai đoạn đầu đời tập hợp lại với nhau, và đồng tâm hiệp lực để nghiên cứu về giáo dục sớm cho trẻ em nhỏ theo những phương pháp tiên tiến của thế giới và được cải tiến, áp dụng cho phù hợp với thực tiễn của dân tộc mình, phù hợp với bản sắc văn hóa của đất nước”, ông Kỳ Anh cho biết thêm.

GDSK bắt nguồn từ đứa trẻ nằm trong bụng mẹ, lúc còn là thai nhi, cho nên khi đứa trẻ ra đời được khỏe mạnh về mặt thể chất, trí tuệ thông minh thì phải giáo dục như thế nào để kích hoạt được sự thông minh đó?

Đi sâu vào nghiên cứu vấn đề giáo dục lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh khẳng định rằng, giáo dục sớm thì đứa trẻ phát triển sẽ thông minh và khôn ngoan hơn, trưởng thành và đầy năng lực sáng tạo.

Theo đó, Viện IPD nghiên cứu cách dạy trẻ em từ trong bụng mẹ, được gọi là thai giáo. Thai giáo thường được tiến hành theo hai cách: Một là giáo dục trực tiếp để tác động vào thai nhi. Hai là giáo dục thông qua người mang thai nhi đó.

Để giúp đứa trẻ phát triển lên có một tâm hồn, trí tuệ tốt thì trong thời gian mang thai người mẹ phải có một tinh thần tốt, cuộc sống hạnh phúc. Nếu người mẹ buồn chán và gặp nhiều vấn đề không vui vẻ trong cuộc sống hàng này cũng không khác gì đang đánh đập đứa con trong bụng. Giữa mẹ và thai nhi có mối liên hệ đặc biệt. Sự di truyền của bố mẹ cho đứa trẻ chỉ là một phần, còn phần lớn quyết định đứa trẻ ra đời như thế nào tùy thuộc vào môi trường sống của bé, từ trong thai nhi đến khi chào đời.

Nỗi lòng của người thầy cống hiến hơn 60 năm cho sự nghiệp giáo dục

Hơn 60 năm gắn bó với ngành giáo dục, cứ mỗi mùa 20/11 đến, trong tâm khảm của PGS.TS.BS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh luôn chứa đựng rất nhiều cảm xúc. Ông bày tỏ: “Làm nghề nhà giáo, cứ đến ngày 20/11 khá nhiều cảm xúc: Được các nhà trường mời dự lễ tri ân các nhà giáo, được các thế hệ học sinh, sinh viên chúc mừng, thăm hỏi. Nhìn những cô, cậu học trò ngày xưa ấy, giờ đã trưởng thành và đều thành công trong cuộc sống chính là món quà lớn nhất dành cho những nhà giáo chúng tôi. Sự tri ân của lớp lớp thế hệ học trò khiến tôi cảm thấy tự hào vì bản thân đã làm được những điều có ích của một người lái đò”.

Và sự nhiệt huyết với nghề của ông luôn cháy mãi, đến khi nghỉ hưu, ông vẫn đau đáu nỗi lòng vì sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Ông vẫn luôn cống hiến, chia sẻ những hoạt động có ích cho xã hội ở Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục vì mọi người Việt Nam, Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam và Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người.

Bước qua tuổi 85, nhưng sự nhiệt huyết và tình yêu nghề của ông vẫn chưa ngơi nghỉ. Ông vẫn tham gia nghiên cứu, viết sách và truyền kinh nghiệm về giáo dục sức khỏe cho cộng đồng và giáo dục sớm ở trẻ em cho giáo viên mầm non và các bậc cha mẹ.

Sự nhiệt huyết của ông chính là tấm gương để thế hệ trẻ học tập và noi theo, một người thầy tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục trẻ thơ, giáo dục con người.

 Thu Trang (thực hiện)

comment Bình luận

largeer