Phát triển dược liệu trong môi trường rừng

Hiện nay, một số tỉnh bước đầu đã có những hoạt động tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng như: Quảng Nam, Kon Tum, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Lai Châu.
21/12/2022 10:48

Phân tích về hiện trạng phát triển dược liệu trong môi trường rừng, tại hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” do Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Ao Vua tổ chức vào ngày 23/4/2022, tại Khu du lịch Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội), ThS. Ngô Lê Trụ - Vụ Quản lý rừng đặc dụng phòng hộ, Tổng Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã có tham luận về chủ đề "Phát triển dược liệu trong môi trường rừng".

Theo đánh giá, hiện nay một số mô hình phát triển cây dược liệu đã được xây dựng, cụ thể: Khôi phục cây Sâm Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam và Kon Tum; phát triển và hướng dẫn khai thác bền vững loài Ngũ vị tử mọc hoang ở tỉnh Kon Tum; phát triển loài Sa nhân tại tỉnh Quảng Nam và Thái Nguyên; phát triển cây Chè đắng tạo ra các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản; nghiên cứu sử dụng cây Mắc mật, phát triển cây Hồi; xây dựng vùng trồng Đương quy, Ba kích, Thảo quả, Bạch truật, Diệp hạ châu đắng tại tỉnh Cao Bằng.... Một số tỉnh bước đầu đã có những hoạt động  tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, như:

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Tỉnh Quảng Nam: Quy hoạch 15.567 ha (trong đó từ độ cao 2.000 m trở lên là 2.238 ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000 m là 13.329 ha) để bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh; diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh là 1.428,96 ha, trong đó: Hộ gia đình, cá nhân thuê là 428,96 ha; tổ chức, doanh nghiệp thuê là 1.000 ha. Diện tích ngoài thuê môi trường rừng gần 750 ha; hiện nay, huyện Nam Trà My có gần 5.000 ha rừng trồng Sâm Ngọc Linh với 2.500 hộ tham gia trên địa bàn 7 xã

- Tỉnh Kon Tum: Có hơn 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất Sâm Ngọc Linh. Tổng diện tích trồng sâm Ngọc Linh trong môi trường rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh là 1.151,6 ha với tổng số hơn 24,8 triệu cây. Tổng sản lượng ước đạt khoảng 213,6 tấn..

- Tỉnh Hà Giang: Hàng năm thu hoạch trong rừng tự nhiên các loại dược liệu: Thổ phục linh 98 tấn/năm, Câu đằng 7,5 tấn/năm, Giảo cổ lam 155 tấn/năm, diện tích trồng khoảng 11.708 ha. Hiện tại, đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển dược liệu tại các khu rừng đặc dụng giai đoạn 2018-2025 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định với tổng diện tích theo đề án là 56.008 ha, trong đó đề nghị thí điểm cho thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu trong giai đoạn 2018-2019 là 500 ha.

- Tỉnh Vĩnh Phúc đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương thí điểm thuê môi trường rừng đặc dụng để trồng, bảo tồn, khai thác bền vững các loài dược liệu, quý, hiếm tại Vườn quốc gia Tam Đảo với diện tích khoảng 200 ha.

- Tỉnh Lai Châu đã phát triển trồng dưới tán rừng tự nhiên, bao gồm các loài: Sa nhân 1.218,73 ha, Thảo quả 5.630 ha. Hiện tại tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển một số loài cây dược liệu trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030 với dự kiến diện tích khoảng 600 ha.

- Một số địa phương khác đã chủ động xây dựng và phê duyệt đề án phát triển cây dược liệu của địa phương với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, gắn với bảo tồn, khai thác, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây dược liệu từ tự nhiên và gây trồng. Các loài dược liệu do người dân, doanh nghiệp trồng, khai thác dưới tán rừng trên diện tích được giao, khoán với sản lượng khoảng 20.000 tấn mỗi năm, trên diện tích khoảng 22.200 ha, như: Tỉnh Yên Bái đã trồng, khai thác, chế biến các loại dược liệu, bao gồm: Thiên niên kiện 300 tấn/năm; Bách bộ 1.000 tấn/năm, Kim tiền thảo 420 tấn/năm, Sa nhân 09 tấn/năm, Hà Thủ ô đỏ 08 ha, Giảo cổ lam 06 ha, Cà gai leo 03 ha, Quế 51,9 ha...; tỉnh Điện Biên đã trồng được 337,8 ha Sa nhân dưới tán rừng; tỉnh Thanh Hóa đã phát triển một số mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng với tổng diện tích là 138,8 ha, gồm: Sa nhân 28,9 ha, Mã tiền 2 ha, Thổ phục linh 5,4 ha, Bách bộ 2,4 ha, Chè vằng 0,5 ha, Giảo cổ lam 0,7 ha, Hà thủ ô đỏ 3,2 ha, Ba kích 1,2 ha, Đảng sâm 0,8 ha; tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu khai thác trong tự nhiên và gây trồng trong hộ gia đình một số các loài như: Lá khôi 01 triệu cây, Sa nhân 500 ha, Nhân trần 01 triệu cây, Hoàng đằng, Kim tiền thảo, Thục địa, Trà hoa trắng, Kim ngân, khoảng 1.600 ha; tỉnh Gia Lai trồng được 1.030 ha các loại cây dược liệu, gồm: trồng dưới tán rừng 366,6 ha, trồng trên đất trống 663,4 ha. Tổng diện tích Thảo quả được người dân phát triển đã lên tới 36.500 ha.

Chính sách về phát triển dược liệu trong môi trường rừng

Quy định của Luật Lâm nghiệp

Đối với hình thức chủ rừng tự phát triển, gây trồng dược liệu dưới tán rừng như loài cây lâm sản ngoài gỗ:

- Đối với rừng phòng hộ, rừng sản xuất: Theo quy định tại các Điều 47 và Điều 48 Luật Lâm nghiệp thì chủ rừng được phép thực hiện trồng rừng theo phương pháp trồng hỗn giao với các loài cây đa tác dụng, cây lâm sản ngoài gỗ. Tại Điều 57 và 60 Luật Lâm nghiệp quy định: chủ rừng được trồng xen cây nông nghiệp, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng theo hình thức sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp mà không làm suy giảm chức năng phòng hộ, chất lượng rừng. Như vậy, chủ rừng được trồng các loài cây dược liệu dưới tán rừng như cây lâm sản ngoài gỗ, cây đa tác dụng.

- Đối với rừng đặc dụng: Theo quy định tại Điều 46 Luật Lâm nghiệp về phát triển rừng đặc dụng, quy định: trong phân khu phục hồi sinh thái và dịch vụ- hành chính của Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh chỉ được áp dụng biện pháp kết hợp tái sinh tự nhiên với làm giàu rừng, trồng loài cây bản địa để phục hồi cấu trúc rừng tự nhiên.

- Đối với hình thức cho thuê rừng (bao gồm cả cho thuê để phát triển dược liệu): quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Lâm nghiệp: Chủ rừng không được cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác thuê diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư.

- Đối với hình thức cho thuê môi trường rừng: Tại các Điều 75, 76 và 78 Luật Lâm nghiệp quy định về quyền và nghĩa vụ của ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế được Nhà nước giao rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là khu bảo vệ cảnh quan; theo đó, chủ rừng (ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, tổ chức kinh tế): được cho thuê môi trường rừng. Tuy nhiên, Luật không quy định chi tiết và không giao Chính phủ quy định chi tiết phạm vi của thuê môi trường rừng, trừ trường hợp cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất theo quy định tại các Điều 53, 56 và 60 Luật Lâm nghiệp và tại các Điều 14, 23 và 32 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Các chính sách liên quan

Chính sách về đất đai

Luật Đất đai năm 2013 quy định:

- Đối với rừng sản xuất được quy định tại khoản 3, Điều 135 như sau: “Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng”.

- Đối với rừng phòng hộ được quy định tại khoản 4, Điều 136: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng”.

- Đối với rừng đặc dụng được quy định tại khoản 5, Điều 137: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái - môi trường dưới tán rừng”.

Chính sách về vốn

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích sản xuất nông nghiệp nói chung và dược liệu nói riêng, như:

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

- Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định Chính sách đặc thù về giống, công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu;

- Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 về khuyến nông;

- Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

- Quyết định số 376/QĐ-TTg, ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về định hướng, quy hoạch phát triển dược liệu

- Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; theo đó quy hoạch các vùng rừng, vùng dược liệu tự nhiên tại 8 vùng dược liệu trọng điểm, bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam trung Bộ, Tây  Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; quy hoạch trồng, phát triển 54 loài dược liệu thế mạnh tại 8 vùng sinh thái, tổng diện tích là 28.300 ha, sản lượng ước đạt 113.230 tấn.

- Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tần nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết dịnh số 523/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021, định hướng phát triển các vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên ngoài phát triển cây gỗ, chú ý phát triển sản xuất nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, tập trung vào một số loài cây dược liệu...

Một số mô hình trồng dược liệu trong môi trường rừng

- Trồng theo đám trong môi trường rừng: Các mô hình trồng theo phương thức này gồm có: Trồng Sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh, và Công ty TNHH một thành viên Đắk Tô tỉnh Kon Tum; trồng Lan kim tuyến, Giảo cổ lam, Chè dây, Ngân hoa lá xẻ của Công ty TNHH một thành viên Thái Hòa, tỉnh Kon Tum; trồng Thảo quả của người dân địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang; và một số mô hình khác…

- Trồng trên giá thể đặt vào trong môi trường rừng, gồm có: Mô hình trồng Sâm trên giá thể là khay nhựa, hoặc rọ tre xếp gần nhau thành luống (băng) dưới tán rừng tại một số địa điểm thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai của Trung tâm Sâm quốc gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Trồng điểm cục bộ trong môi trường tự nhiên, có: Mô hình trồng Sâm Ngọc Linh của người dân ở thôn Lạc Bông xã Ngọc Lây huyện Tu Mơ Rông, các thôn ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum.

Quản lý các loài dược liệu là thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài nằm trong Phụ lục I, II của CITES

Các dược liệu nguy cấp, quý hiếm phải tuân thủ theo quy định quản lý của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019, Nghị định số 84/2021/N Đ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ, cụ thể: nuôi trồng vì mục đích thương mại, thực hiện theo các quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22 /01/ 2019 của Chính phủ.

Ths. Ngô Lê Trụ - Vụ Quản lý rừng đặc dụng phòng hộ, Tổng Cục Lâm nghiệp - Bộ NNPTNT

comment Bình luận

largeer