Phi Thanh Vân: "Các bậc phụ huynh nên cho con mình đi học võ"

Với vấn đề bạo lực học đường đang "nóng" hiện nay, diễn viên Phi Thanh Vân đã có những chia sẻ về tình trạng này của chính hai mẹ con cô.
02/06/2022 17:08

Các bậc phụ huynh nên cho con mình đi học võ

Với quá khứ từng là nạn nhân của bạo lực học đường, theo chị, các bậc phụ huynh có thể nhìn nhận những dấu hiệu nào ở trẻ khi bị bạn bè bắt nạt, nhưng bản thân trẻ giấu kín, không nói với bất kỳ ai?

- Tôi nghĩ bố mẹ dù bận rộn với công việc nhưng cần dành thời gian quan sát con cái của mình mỗi ngày. Về biểu hiện bên ngoài, khi con đi học về, bố mẹ hãy quan sát mọi thứ xung quanh con từ cặp sách, quyển vở, trang phục, thậm chí là cơ thể của con xem con có có bị bầm tím, sách vở và quần áo có bị rách, bẩn do những tác động bên ngoài…

Empty

Về mặt tâm lý, bố mẹ tiếp xúc và trò chuyện xem con mình tâm trạng hôm nay thế nào? Nếu con có biểu hiện sợ hãi, giấc ngủ chập chờn, giật mình, lo âu… Con không muốn đi học, hoặc con mong bố, mẹ chở đi học bằng con đường khác thay vì con đường ngày thường con đi học một mình chẳng hạn…

Có trường hợp con bị bạn bè bắt nạt, lấy tiền và những đồ tốt con đang dùng đi học. Điều này khiến con về phải xin thêm tiền từ bố mẹ mà không giải thích được lý do vì sao con cần thêm tiền, mua thêm đồ dùng. Con sẽ thấy bản thân mình bị cô lập, sợ hãi khi không thể nói ra với bất kỳ ai.

Từ sự việc bị bạn bè bắt nạt, chế giễu, đánh đập… có thể dẫn tới những hành động tiêu cực ở một số trẻ như tự làm đau chính mình bằng nhiều cách.

Chị nghĩ đâu là biện pháp tối ưu nhất để hạn chế xảy ra bạo lực học đường?

- Tôi cho rằng, biện pháp tốt nhất là các bậc phụ huynh nên cho con mình đi học võ. Tôi từng học võ và kick-boxing (quyền anh tự do) để nâng cao sức khỏe và tự bảo vệ chính mình.

Hiện tại, các nhà thiếu nhi ở cấp quận, thành phố và các tỉnh thành có dạy các bộ môn Karate, Taekwondo… Chính vì vậy, ngoài học văn hóa, các bậc phụ huynh nên cho con học bơi để nâng cao sức khỏe, học võ không những để rèn luyện bản thân mà còn để con có thể tự bảo vệ chính mình, bảo vệ những bạn bè yếu thế xung quanh khi thấy họ bị bắt nạt.

Nói vậy chắc hẳn sẽ có người lo sợ khi con biết võ sẽ đi đánh lộn. Trước đây, khi bị bạn bè ăn hiếp nhiều quá, tôi cũng đi học võ. Các thầy dạy võ luôn chỉ dạy những lý thuyết như chân lý rằng: Học võ để giúp người, giúp đời để là những người hùng bảo vệ kẻ yếu. Người học võ không được sử dụng võ để đi ăn hiếp những người yếu hơn mình…

Khi con biết võ, dù không sử dụng võ để đánh các bạn khi bị bắt nạt, nhưng hẳn con sẽ biết cách tự vệ, tránh tổn thương cho mình, cho người khác.

Mặt khác, những đứa trẻ xung quanh khi biết con biết võ hẳn sẽ có sự nể trọng, dè chừng nhất định, không dám ăn hiếp. Bởi, nguyên lý của vấn nạn bạo lực học đường nằm ở tư duy ỷ mạnh ăn hiếp yếu.

Tôi được biết, nhiều trường hiện nay đã có phòng tư vấn tâm lý học đường. Đây là nơi giảng dạy, tổ chức các buổi nói chuyện, không chỉ cho các học sinh mà còn cho các bậc phụ huynh để họ có thêm kiến thức dạy dỗ, căn dặn thêm cho con của mình. Cả phụ huynh và nhà trường cần phải song hành để học sinh phát triển tư duy, đạo đức và đạt được kết quả học tập một cách tốt nhất. Tôi cho rằng, nếu khai thác triệt để chức năng, nhiệm vụ của phòng này là nơi tuyên truyền thường xuyên sẽ góp phần hạn chế bạo lực học đường.

Phi Thanh Vân: "Khuyến khích con chia sẻ với mẹ, thầy cô giáo mọi vấn đề ở trường"

Nói vậy có nghĩa là chị có cho con trai 6 tuổi – bé Tấn Đức học võ để tự bảo vệ bản thân khỏi bạo lực học đường?

- Hiện tại, con trai tôi đã biết bơi sải, bơi ếch sau quá trình học bơi. Sắp tới, tôi sẽ cho con đi học võ để khi con bước vào lớp 1 thì con sẽ có nền tảng thể lực, sức khỏe.

Ngoài việc cho con võ, tôi sẽ dạy con biết cách bảo vệ mình, tuyệt đối không sử dụng võ khiến mâu thuẫn nảy sinh trong trường học. Tôi cũng khuyến khích con chia sẻ với mẹ, thầy cô giáo mọi vấn đề ở trường. Đây cũng là cách tôi trao cho con công cụ để tự bảo vệ mình khi không phải lúc nào cũng có mẹ ở bên cạnh.

Những "tuyệt chiêu", kỹ năng chị sẽ dạy con trai nói riêng cũng như cho học sinh nói chung để bảo vệ bản thân, hạn chế vấn nạn bạo lực học đường là gì?

- Tôi sẽ dạy con cách kiểm soát cảm xúc, kỹ năng sống làm sao cho con tăng cường tình đoàn kết trong tập thể lớp. Nếu là người quyết đoán, điềm tĩnh thì con có thể tự giải quyết vấn đề, tự giải quyết các mối quan hệ của con ở trường học. Tuy nhiên, trường hợp các con tự xử lý được ở tình huống này không nhiều, đòi hỏi con phải có sự chín chắn, trưởng thành.

Trong trường hợp con bị học sinh khác bắt nạt, đánh đập mà con biết võ thì tôi nghĩ con sẽ biết cách khóa tay, khóa chân kẻ đang ăn hiếp mình dù bản thân không dùng võ để đánh trả. Điều này cũng nhằm hạn chế những tổn thương trên cơ thể của cả hai.

"Chạy là thượng sách", con cần phải chạy thật nhanh, cầu cứu thầy cô, những người xung quanh gần con nhất hoặc gọi điện thoại cho người thân đến kịp thời.

Khi đứa trẻ bị bạn bè "đánh hội đồng" khiến con không chạy thoát ra khỏi vòng vây của bạn bè và không thể kêu cứu, tôi dạy con hãy biết cách nằm ở tư thế phòng thủ để tránh tổn thương phần đầu, mắt, ngực, bụng…

Ngay khi sự việc xảy ra, con nhất định phải báo cho bố mẹ, thầy cô để có hướng giải quyết triệt để sự việc.

Chị có "hiến kế" gì cho các bậc phụ huynh cách khai thác tâm lý, câu chuyện khi con là nạn nhân của bạo lực học đường?

- Tôi nghĩ các bậc phụ huynh cần có sự chân thành, cởi mở trong quá trình trò chuyện với con. Càng những thời điểm con hoang mang, lo sợ thì bố mẹ hãy là người quyết đoán, động viên, bảo vệ cho con. Tuyệt đối khi con chia sẻ câu chuyện của mình, bố mẹ không nên trách mắng, mà hãy lắng nghe con kể để hiểu nguyên nhân gốc rễ vấn đề con gặp phải là gì.

Nếu cần thiết thì có thể dùng giấy, bút ghi lại những tình tiết cần thiết quan trọng giống như hồi ức của con trước khi bản thân làm việc với thầy cô chủ nhiệm, nhà trường. Trong quá trình lắng nghe, bố mẹ không nên áp đặt, bắt con phải thế này, thế kia vì tình huống và sự việc đã xảy ra rồi. Nếu áp đặt hoặc trách mắng, thì sẽ khiến con khó chia sẻ tiếp câu chuyện đó với mình.

Điều quan trọng khi bố mẹ trò chuyện với con phải hỏi con những câu hỏi mở như: Chuyện đó đã xảy ra như thế nào vậy con?; Con có biết bạn đã bắt nạt, đánh con tên là gì? Sự việc đó bắt đầu từ khi nào, ở đâu vậy con?; Rồi sao nữa con?…

Bên cạnh đó, bố mẹ cần có những câu hỏi đề cập đến cảm xúc của con: Thế con cảm thấy như thế nào về việc này? Con muốn bố mẹ giải quyết việc này của con thế nào?; Theo con, bố mẹ cần phải làm gì để giúp con?…

Trong trường hợp con sợ khi phải nói ra câu chuyện của mình trước thầy cô giáo thì phụ huynh phải động viên, khích lệ cho con mạnh mẽ, dám đối diện với sự thật, với bạn bè đã bắt nạt con.

Các bậc phụ huynh cũng không nên đổ lỗi cho thầy cô, nhà trường vì bạo lực học đường nằm ở bản thân những học sinh muốn ăn hiếp, bắt nạt học sinh khác. Các bậc phụ huynh hãy đồng hành với thầy cô, nhà trường để khắc phục sự việc một cách hiệu quả nhất.

Tôi nghĩ các bậc phụ huynh cũng nên có biện pháp đưa đón con, trang bị cho con một thiết bị để liên lạc khi con cần sự giúp đỡ từ người thân.

Ngoài ra, bố mẹ cũng trang bị cho con kỹ năng xử lý tình huống, dạy con biết cách kêu cứu, sự trợ giúp từ mọi người khi sự cố xảy ra.

Tiết lộ với bạn, tôi cũng có trang bị cho con trai tôi một thiết bị riêng để con có thể liên hệ với mẹ trong những trường hợp con thật sự cần mẹ.

Cảm ơn Phi Thanh Vân đã chia sẻ thông tin!

Nguyễn Trang

comment Bình luận

largeer