Phình động mạch chủ có tỷ lệ tử vong rất cao

Động mạch chủ (ĐMC) bụng là động mạch chính chia ra các nhánh để nuôi dưỡng các tạng trong ổ bụng như: Gan, lách, thận, dạ dày, ruột… Bệnh lý phình ĐMC bụng thường là hậu quả của tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch… ở người lớn tuổi và một số ít trường hợp có liên quan đến nhiễm trùng.
03/01/2022 08:20

ThS.BS. Ngô Gia Khánh - Trưởng Khoa Phẫu thuật Lồng ngực và Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chia sẻ về vấn đề này.

Phình ĐMC là bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong rất cao (80%) khi có biến chứng vỡ khối phồng. Ở Việt Nam, số bệnh nhân phình ĐMC và lóc tách ĐMC được phát hiện ngày càng nhiều. Bệnh hay gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, do bất thường về gen, do nhiễm khuẩn hoặc do chấn thương... Nguy hiểm của bệnh là gây thiếu máu cho toàn bộ cơ thể khiến các cơ quan bị suy yếu, gây thiếu máu não, tủy, vàng da do vỡ hồng cầu, huyết khối. Tuy nhiên, phần lớn ca bệnh gần như không có triệu chứng, bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng, chụp phim tim phổi...

Bệnh có chỉ định can thiệp phẫu thuật khi khối phình lớn hơn 4,5 cm hoặc khối phình tăng nhanh về kích thước (0,5cm/6 tháng) hoặc bệnh nhân có triệu chứng (thường là đau bụng).

Ca phẫu thuật sẽ được tiến hành như thế nào, thưa bác sĩ?

Người bệnh được gây mê và thở qua ống nội khí quản trong suốt quá trình mổ.

phinh_dong_mach

Phẫu thuật viên sẽ rạch một đường mổ ở giữa bụng, một số trường hợp sẽ có thêm đường mổ ở bẹn. Sau đó, người bệnh sẽ được dùng chống đông trong mổ để ngăn cho máu đông lại, sau đó ĐMC được kẹp lại ở phía trên và phía dưới chỗ phồng nhằm không cho máu chảy qua.

Đoạn ĐMC bị phồng sẽ bị loại bỏ và thay thế bằng đoạn mạch nhân tạo.

Sau khi phẫu thuật, giai đoạn hồi phục và chăm sóc sau mổ sẽ diễn ra như thế nào, thưa bác sĩ?

Thông thường, sau mổ bệnh nhân sẽ được thở máy hỗ trợ, điều trị và theo dõi tại phòng hồi sức trong vòng một vài ngày cho đến khi tình trạng ổn định. Một vài trường hợp cần phải truyền máu do mất máu quá nhiều trong lúc mổ.

Các loại ống/thông lần lượt được rút bỏ ra khỏi người bệnh nhân khi không cần thiết nữa.

Bệnh nhân bắt đầu ăn lại vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 khi có nhu động ruột trở lại (trước đó bệnh nhân sẽ được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch).

Chúng tôi thường khuyến khích vận động càng sớm càng tốt. Việc này giúp nhu động ruột sớm hoạt động trở lại, tránh các biến chứng như loét tỳ đè, huyết khối tĩnh mạch…

Thời gian nằm viện thông thường là 7 - 10 ngày tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân.

Kỹ thuật nào cũng có nguy cơ. Với trường hợp này, người bệnh cần đề phòng các biến chứng gì sau mổ, thưa bác sĩ?

Các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật bóc tách phình ĐMC bụng gồm:

Chảy máu: Trong và sau mổ thường có sử dụng thuốc chống đông nên làm tăng nguy cơ chảy máu sau mổ.

Nhiễm trùng vết mổ hoặc nhiễm trùng đoạn mạch nhân tạo.

Hoại tử ruột: Phẫu thuật có liên quan đến các nhánh động mạch nuôi ruột nên có thể gây hoại tử ruột do thiếu máu. Đây là một biến chứng nghiêm trọng đe dọa tử vong. Nhưng may mắn là biến chứng này hiếm khi xảy ra.

Tắc mạch chi: Do cục máu đông trôi xuống trong quá trình phẫu thuật

Suy gan, suy thận sau mổ.

Nhồi máu cơ tim do bệnh nhân có bệnh lý động mạch vành từ trước, khởi phát bệnh trong quá trình phẫu thuật.

Viêm phổi sau mổ trong một số trường hợp bệnh nhân già yếu thở máy kéo dài sau mổ

Biến chứng nặng có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, trong quá trình phục hồi sau khi mổ, nếu thấy bất cứ vấn đề gì bất thường, người bệnh cần báo ngay với điều dưỡng chăm sóc hoặc bác sĩ.

Khi xuất viện trở về nhà, người bệnh cần được chăm sóc như thế nào?

Khi trở về nhà người bệnh cần có chế độ tập luyện nhẹ và làm những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe. Cụ thể như sau:

Tập luyện: Các bài tập thông thường như đi bộ đoạn ngắn kết hợp với nghỉ ngơi được khuyến khích ngay trong những tuần đầu sau mổ.

Tắm rửa: Khi vết mổ đã khô thì có thể tắm rửa bình thường, lưu ý vệ sinh lại vết thương.

Làm việc: Có thể trở về với công việc 6-12 tuần sau phẫu thuật.

Bê vác: Tránh bê vác các vật nặng trong 6 tuần đầu sau mổ.

Thuốc: Bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng Aspirin dài ngày sau mổ. Đây là thuốc chống đông máu giúp duy trì mạch nhân tạo tránh tắc đồng thời giúp ổn định mảng xơ vữa. Lưu ý thuốc gây kích ứng dạ dày nên uống vào lúc no. Người bệnh có tiền sử viêm loét dạ dày hãy thông báo với bác sỹ.

Theo Bệnh viện Bạch Mai

comment Bình luận

largeer