Phòng bệnh viêm phổi mùa lạnh ở người cao tuổi

Ở miền Bắc nước ta, từ tháng 12 trở ra thường xuất hiện nhiều đợt gió mùa kèm theo thời tiết khô, lạnh. Do sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên người cao tuổi là đối tượng rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó có viêm phổi. Đặc biệt nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
24/01/2024 18:37

Viêm phổi là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi và trẻ nhỏ. Viêm phổi có thể xuất hiện tại một vị trí cố định hay một vài vùng. Nguy hiểm hơn là xuất hiện viêm toàn bộ phổi.

Theo thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ mắc viêm phổi ở người lớn đứng thứ hai, chỉ sau tăng huyết áp. Căn bệnh này có tỷ lệ tử vong cao nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và người trên 75 tuổi.

422402608_892735056187256_8947286247422900555_n

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân

Chia sẻ về dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân chính gây bệnh viêm phổi ở người cao tuổi, bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền, Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Dấu hiệu của bệnh viêm phổi có thể bao gồm: Đau ngực khi bạn thở hoặc ho, ho có đờm, mệt mỏi, sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh. Ở người già hoặc người suy giảm miễn dịch có thể không sốt; buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, khó thở, người già có thể lú lẫn.Dấu hiệu của viêm phổi ở người cao tuổi rất khác so với người trẻ. Nhiều trường hợp người bệnh không sốt cao, thậm chí không sốt, nhất là những người tuổi cao, sức yếu, lú lẫn, ít vận động hoặc đi lại khó khăn, ăn uống thất thường. Bệnh thường có một số triệu chứng điển hình như thở nhanh nông, đôi khi có thở rít, cánh mũi phập phồng. Ho là triệu chứng hay gặp nhất, đặc biệt là ở những người cao tuổi có bệnh mạn tính về đường hô hấp (viêm họng mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Ho có đờm lỏng hoặc đặc quánh, một số trường hợp có dính một ít máu do mao mạch bị vỡ ra, có một số ít trường hợp không ho. Ngoài ra còn tức ngực và khó thở nhẹ. Người bệnh thường có dấu hiệu mất nước (môi khô, lưỡi trắng, má hóp, da nhăn nheo). Muốn chẩn đoán chính xác cần nuôi cấy đờm, chất nhày phế quản để xác định vi khuẩn gây bệnh, trên cơ sở đó, chọn kháng sinh thích hợp để điều trị nhằm giảm bớt thời gian nằm viện.

Bệnh viêm phổi có rất nhiều nguyên nhân, phổ biến do các vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút, vi nấm), do khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào) hoặc ít bận động, nằm lâu do liệt… Nguyên nhân chính gây viêm phổi ở người cao tuổi là các vi khuẩn, vi rút sẵn có ở mũi, họng. Lợi dụng lúc cơ thể đang suy yếu vì nhiễm lạnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm chúng tấn công vào đường hô hấp và gây bệnh. Điển hình là vi khuẩn phế cầu và một số vi rút đường hô hấp, vi nấm. Trong một số trường hợp, bệnh viêm phổi bị lây bệnh ngay trong bệnh viện (nhiễm khuẩn bệnh viện) do đi khám bệnh hoặc nằm viện điều trị một bệnh nào đó. Đáng lo ngại nhất là người cao tuổi mắc bệnh viêm phổi mà tác nhân gây bệnh là vi rút, bởi vì với vi rút thì hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

”Viêm phổi ở người cao tuổi có biểu hiện không giống với người trẻ tuổi. Bệnh thường diễn biến âm thầm khiến nhiều người chủ quan, tự ý mua thuốc điều trị tại nhà, đến khi tình trạng chuyển biến xấu và nặng mới đưa đến cơ sở y tế để điều trị. Điều này khiến bệnh dễ biến chứng nặng như: biến chứng tại phổi làm bệnh nhân khó thở nhiều hơn, tím môi, mạch nhanh và có thể dẫn đến suy hô hấp cấp; biến chứng trong lồng ngực khiến người bệnh sốt dai dẳng do tràn mủ màng phổi, viêm màng ngoài tim với các triệu chứng đau vùng trước tim cùng nhiều tiếng cọ màng kéo dài. Do đó, người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà, nhất là kháng sinh để tránh gây kháng thuốc cùng nhiều hệ quả nguy hiểm cho sức khoẻ.Vào thời điểm cuối năm, yếu tố thời tiết, môi trường, bệnh lý, tiền sử tiêm chủng… sẽ tác động nhiều đến nguy cơ mắc bệnh của người lớn tuổi.

Để chủ động phòng bệnh viêm phổi nhất là trong giai đoạn thời tiết chuyển lạnh như hiện nay, bác sĩ Lê Thị Thanh Huyền, Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo: “Người cao tuổi cần có chế độ sinh hoạt hợp lý, nơi ở phải thông thoáng, không hút thuốc lá, thuốc lào. Trong những ngày trời lạnh mà nhiệt độ giảm thấp cần được giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh. Hàng ngày, uống đủ lượng nước cần thiết (khoảng từ 1,5 – 2,0 lít), ăn thêm rau xanh trong các bữa ăn và tăng cường ăn trái cây. Vệ sinh mũi – họng – miệng như đánh răng, súc họng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Vận động cơ thể bằng mọi hình thức tùy theo sức khỏe và điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.Bên cạnh đó cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhất là khi xì mũi, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn hay chuẩn bị thức ăn. Đeo khẩu trang khi vệ sinh nhà cửa hoặc các nơi bụi bẩn để hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn, vi rút.

Đối với những trường hợp bị bệnh tiểu đường, hen suyễn, bệnh tràn dịch phổi, bệnh HIV, ung thư và các bệnh mạn tính nên tiêm phòng vaccine phòng chống cúm, chống phế cầu khuẩn.Trường hợp đang điều trị tại bệnh viện về các bệnh phổi, nên tập cách thở sâu, giúp cho phổi làm việc tốt và nhanh phục hồi nhất là sau khi phẫu thuật. Những người mắc bệnh ung thư, HIV nên tư vấn Bác sĩ về cách phòng bệnh viêm phổi cho phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.

Người cao tuổi khi bị viêm phổi thường đáp ứng kém với thuốc điều trị và sau khi khỏi cũng mất nhiều thời gian để hồi phục sức khoẻ hoàn toàn. Do đó, ý thức tự phòng bệnh của mỗi người là hết sức quan trọng. Khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, người cao tuổi cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời. Việc điều trị đúng, sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, thậm chí bệnh nhân không cần phải nhập viện mà có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer