Phú Thọ: Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm nhộn nhịp ngày ông Công, ông Táo

Những ngày cận ông Công, ông Táo, như mọi năm, Làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Minh Thắng (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại nhộn nhịp hơn bao giờ hết, tấp nập người dân từ các tỉnh đổ về đây thu mua cá.
21/01/2025 17:12

Làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm tại xã Minh Thắng (trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là xã Tuy Lộc), huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ có nghề nuôi cá chép đỏ từ những năm 1960. Làng có hơn 200 hộ nuôi cá chép, mỗi đợt lễ cúng ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch), Làng xuất ra thị trường hàng chục tấn cá các loại.

cachep1

Hầu hết các hộ dân tại xã đều phát triển nhờ nghề nuôi cá

Với quan niệm dân gian xưa, cứ vào dịp Tết ông Công, ông Táo, cá chép đỏ là phương tiện các Táo quân cưỡi để lên báo cáo Ngọc Hoàng. Chính vì thế, vào những ngày này, người dân làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê) lại hối hả xuống ao quăng chài, thả lưới, bắt cá.

cachep4

Cá chép năm nay rất đẹp, hứa hẹn một mùa bội thu

Chị Thu Thủy (xã Minh Thắng, Cẩm Khê, Phú Thọ) cho biết: Để có được lượng cá chất lượng phục vụ đúng dịp cúng ông Công, ông Táo, cá chép đỏ Làng nghề Thủy Trầm được nuôi từ khoảng tháng 7 âm lịch trong năm, đến giữa tháng Chạp, người dân bắt đầu thu hoạch cá, các thương lái đến tận làng thu mua sau đó phân phối đi khắp các tỉnh thành phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Đặc điểm của cá chép đỏ nuôi tại làng Thủy Trầm là thân hình thoi, màu đỏ sặc sỡ hoặc đỏ ánh vàng và có hai đôi râu... 

cachep

Đặc điểm của cá chép đỏ nuôi tại làng Thủy Trầm là thân hình thoi, màu đỏ sặc sỡ hoặc đỏ ánh vàng và có hai đôi râu

Với người dân Làng nghề Thủy Trầm, năm nào cũng vậy, Tết luôn đến sớm hơn bao giờ hết, bởi trong lịch sử hàng chục năm nay, những người dân nơi đây vẫn giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp qua các thế hệ. Những con cá chép đỏ, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, không chỉ đạt tiêu chuẩn và chất lượng mà còn mang trong mình giá trị tâm linh đặc biệt. Trong lễ cúng ông Công, ông Táo, cá chép không chỉ đơn giản là vật phẩm cúng lễ mà còn là "phương tiện" để đưa Táo quân về trời, theo quan niệm dân gian, cầu mong cho một năm mới bình an, thịnh vượng.

cachep2

Người dân hối hả bắt cá, phân loại

Theo ông Bùi Đình Chữ, Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm: Năm nay, diện tích nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm khoảng 20ha, cung cấp ra thị trường từ 30 đến 35 tấn cá. Giá cá chép bán ra tại làng cao hơn so với năm trước, trên 100 nghìn đồng/kg, loại đẹp có thể từ 130 đến 140 nghìn đồng/kg. Cá chép đỏ sau khi bắt từ ao lên sẽ được chuyển sang một ao bên cạnh để làm sạch, giúp cá không bị ngạt bùn rồi sau đó sẽ bán cho các tiểu thương.

Làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm không chỉ đóng góp to lớn cho kinh tế địa phương mà còn là một phần không thể thiếu của bản sắc văn hóa Việt Nam. 

cachep3

Làng Thủy Trầm rộn ràng hơn bao giờ hết, xe đến, xe đi thu mua cá liên tục

Đã một tuần trở lại đây, từ đầu làng đến cuối làng Thủy Trầm luôn nhộn nhịp, từng mẻ cá được vớt lên rồi lại được thu mua nhanh chóng. Năm nay, ao cá nhà nhà đều cho ra sản lượng cá tốt và đẹp, hứa hẹn một năm bội thu, mang theo những ước vọng thiết tha của con người về một cuộc sống bình an và sung túc.

Thu Trang - Ảnh: Thu Thủy

comment Bình luận

largeer