Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Quảng Nam: Bệnh nhân 31 tuổi phải cắt túi mật do chứa hơn 500 viên sỏi

Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam vừa phẫu thuật cắt túi mật thành công cho bệnh nhân có hơn 500 viên sỏi trong lòng túi mật.
10/04/2025 11:02

Bệnh nhân N.B.T (31 tuổi, trú tại Hội An, Quảng Nam), nhập viện trong tình trạng đau vùng hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Qua siêu âm, xét nghiệm bác sĩ phát hiện túi mật lấp đầy sỏi, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và có nguy cơ biến chứng.

z6490454300034_a244f605cbef1604dd6bb9a84dc14cc3

Sỏi mật sau khi lấy ra khỏi bệnh nhân (Ảnh: VTV)

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã chỉ định phẫu thuật nội soi cắt túi mật - phương pháp an toàn, ít xâm lấn giúp loại bỏ tận gốc sỏi mật, giải quyết triệt để triệu chứng bệnh. Quá trình phẫu thuật trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Sau khi cắt túi mật, các bác sĩ mở túi mật thấy khoảng hàng trăm viên sỏi trong lòng túi mật, thành túi mật dày.

Phẫu thuật nội soi cắt túi mật với vết mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít đau và sử dụng kháng sinh dự phòng trước mổ. Sau phẫu thuật 1 ngày, bệnh nhân hồi phục tốt, ăn uống trở lại bình thường và không còn đau vùng hạ sườn phải, việc cắt túi mật nội soi không ảnh hưởng nhiều đến tiêu hóa, giúp bệnh nhân nhanh chóng trở lại cuộc sống thường ngày.

Theo chia sẻ của các y bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, sỏi túi mật là bệnh lý thường gặp, các triệu chứng của bệnh thường không đặc hiệu phát hiện tình cờ khi đi khám sức khoẻ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể dẫn tới nhiều biến chứng như viêm túi mật cấp, đám quánh, áp xe túi mật, viêm phúc mạc mật...

Để giảm nguy cơ mắc sỏi túi mật, chúng ta nên có cho mình cẩm nang phòng trừ bằng cách:

- Chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám.

- Duy trì cân nặng hợp lý: Tránh tăng cân quá mức hoặc giảm cân quá nhanh.

- Vận động thường xuyên: Giúp duy trì sự lưu thông dịch mật, hạn chế nguy cơ hình thành sỏi.

- Uống đủ nước: Giúp dịch mật loãng hơn, giảm nguy cơ lắng đọng sỏi.

- Không bỏ bữa: Nhịn ăn kéo dài có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật do mật bị cô đặc.

Theo VTV

comment Bình luận