Quảng Nam bị thiệt hại hơn 4.900 tỷ đồng do thiên tai trong năm 2022

Vừa qua, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023; triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì hội nghị.
12/08/2023 15:48

Trong năm 2022, do ảnh hưởng của 4 đợt thiên tai và dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng... của Nhà nước và nhân dân. Tổng ước tính thiệt hại khoảng 4.900 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương Quảng Nam chịu ảnh hưởng của 7 đợt Không khí lạnh, 4 đợt mưa lớn cục bộ, 6 đợt nắng nóng và nắng nóng cục bộ, 2 đợt dông sét, mưa đá gây thiệt hại gây thiệt hại về nhà, trang thiết bị, rau màu và lúa sắp thu hoạch vụ Đông Xuân của người dân. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu đẩy mạnh thông tin, truyền thông trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu đẩy mạnh thông tin, truyền thông trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Do ảnh hưởng của thiên tai, năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 74 vụ/28 phương tiện/112 người. Trong đó làm chết 50 người, mất tích 3 người; bị thương 59 người; hư hỏng 20 phương tiện, cháy hoàn toàn 8 phương tiện. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai cũng đã gây ra 22 vụ/6 phương tiện/16 người, làm chết 10 người; 01 người mất tích; bị thương 9 người.

Mặc dù thiên tai diễn ra khốc liệt và ngày càng phức tạp, khó lường, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được các cấp, các ngành và người dân thực hiện một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.

UBND tỉnh Quảng Nam đã sử dụng ngân sách địa phương để phân bổ cho các đơn vị, địa phương khắc phục hậu quả do bão số 4 gây ra từ ngày 27/9/2022 đến ngày 29/9/2022 trên lĩnh vực giáo dục, hỗ trợ dân sinh và khôi phục sản xuất với tổng kinh phí khắc phục hơn 80,4  tỷ đồng và phân bổ 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ. Hiện nay, tỉnh Quảng Nam tiếp tục sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi niên độ ngân sách năm 2022 còn lại để thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 với tổng kinh phí hơn 88,6 tỷ đồng. 

Dự báo trong ba tháng tới, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85-95%. Nắng nóng tiếp tục xảy ra ở các địa phương trong tỉnh, tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 8, từ tháng 9 nắng nóng giảm dần; khả năng, từ tháng 9-12 sẽ có 1-2 cơn ATNĐ, 4-6 đợt không khí lạnh, 2-4 đợt lũ ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Nam; có từ 5 - 7 đợt mưa lớn diện rộng, tập trung vào tháng 9 – 11… 

Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm 2023, để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai trong thời gian tới, nhất là tình huống mưa lũ lớn kéo dài, bão mạnh, lũ quét, sạt lở đất; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã thảo luận, đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2022; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương; rà soát, cập nhật bổ sung Phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro năm 2023. Riêng các địa phương miền núi tiếp tục chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư; sẵn sàng phương án sơ tán, di dời đến nơi an toàn khi có thiên tai. Tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể vùng hạ du các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và có biện pháp xử lý, tháo dỡ các công trình, vật cản ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi các hồ chứa vận hành điều tiết lũ; chủ động phương án di dời các hộ dân sống ven sông, suối có nguy cơ xảy ra sạt lở.

Bên cạnh đó, rà soát, củng cố Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ". Nhân rộng mô hình chòi tránh lũ, hạn chế tình trạng di dân. Tăng cường, chủ động phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (email, zalo, mạng xã hội facebook,…) phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó và thông tin về thiên tai. Bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương, nhất là cơ quan trực tiếp tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp…

Đức Tường

comment Bình luận

largeer