Quảng Nam: Giải bài toán về nước sạch cho người dân miền núi

Những năm qua, cùng với nguồn lực từ Trung ương, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình cấp nước tập trung cho người dân các huyện miền núi. Tuy nhiên, tại một số địa phương, người dân vẫn rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trong mùa hè năm nay.
25/06/2021 15:44

Chật vật tìm nước

Đã nhiều ngày nay, bà Arất Lợi, thôn Pring, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam phải thức dậy từ sáng sớm để vào tận rừng sâu gùi nước về sử dụng. Con đường đến khe suối phải đi bộ cả tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng quá lớn, nguồn nước ở khe suối này cũng đang dần cạn kiệt, ai đến muộn thì không có nước để mang về. 

Bà Arất Lợi cho biết, từ đầu năm đến nay, trời mưa rất ít nên nước ở các khe suối xung quanh nóc đã bị cạn kiệt, khiến việc tìm kiếm nguồn nước sạch sinh hoạt rất khó khăn. Hiện tại, thanh niên trong thôn đang đào giếng với hy vọng có được nguồn nước ngầm, đảm bảo để sử dụng trong những ngày nắng hạn. 

337

Người dân vùng cao huyện Nam Giang khoan giếng để lấy nước ngầm

“Nước không về được, đường ống nước dẫn đến nhà xa quá. Đâu có nước uống đâu, đi vào trong khe, đi sáng sớm mới có nước. Năm nay hạn đến sớm quá. Nếu như thời gian tới trời không mưa thì chắc sẽ không có nước uống”, bà Arất Lợi cho hay.

Cũng như xã Chà Vàl, người dân xã Cà Dy, huyện Nam Giang cũng chật vật với vấn đề tìm nước sinh hoạt. Thời điểm này, hầu như nhà nào cũng sắm vài chiếc can nhựa làm dụng cụ để hứng nước đem về nhà dùng. Theo người dân địa phương, ngoài nguyên nhân nắng nóng kéo dài khiến nước khe suối và sông Đăk Mi cạn trơ đáy thì thiếu nước còn do hệ thống dẫn nước về các thôn bị bồi lấp, hư hỏng sau những đợt mưa lũ cuối năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Tín, người dân thôn Bến Giằng, xã Cà Dy cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ trong mùa hè xảy ra nhiều năm qua. Để có có nước sinh hoạt, ông tự bỏ tiền mua dây nước bắc lên đầu nguồn con suối về sử dụng, nhưng giờ sông, suối cạn hết nên cũng không có nước. Hiện tại, mỗi ngày ông phải ra gần UBND xã để chở từng can nước về dùng. 

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt xảy ra tại nhiều khu dân cư ở huyện miền núi Nam Giang đã ảnh hưởng đến cả ngàn hộ dân trên địa bàn. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp để có nước sạch.

Giải “bài toán khó”

Ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho biết, trên địa bàn huyện có 52 công trình nước tự chảy nhưng hầu hết đã xuống cấp. Những đợt bão lũ xảy ra liên tiếp cuối năm ngoái làm một số công trình nước sinh hoạt, đập nước bị hư hỏng, bồi lấp. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng kéo dài, Thủy điện Đăk Mi 4 không chịu xả nước đã gây khô hạn cho vùng hạ du.

336

 Để có nước sử dụng, người dân phải lên tận UBND xã, dùng bình nhựa để trữ nước sinh hoạt

“Người dân ở Nam Giang chủ yếu dùng nước tự chảy kéo về từ các khe suối phục vụ cho cộng đồng dân cư ở các thôn, bản. Từ đầu năm đến nay, huyện đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục 19 công trình nước sinh hoạt và hệ thống thủy lợi. Thời gian tới, huyện cũng dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tại thôn A Bát, xã Chà Vàl để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân trong mùa khô hạn”, ông Chương cho hay.

Theo ông Trương Xuân Tý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, những năm qua, cùng với nguồn lực của Trung ương, tỉnh Quảng Nam đã ban hành các cơ chế kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình nước sạch từ đồng bằng đến miền núi. Tính từ năm 2016 đến nay, Quảng Nam đã triển khai xây dựng 545 công trình cấp nước tập trung và 282.300 công trình cấp nước cho hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khó khăn trong quá trình xây dựng công trình, hệ thống cấp nước sạch cho đồng bào vùng núi cao.

Để giúp đồng bào vùng cao tiếp cận nhiều hơn với nước sạch, an toàn vệ sinh, tỉnh Quảng Nam đang tính đến phương án cấp bồn chứa, thiết bị nước cho những người dân vùng cao, nhất là ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Mặt khác, chính quyền các địa phương vận động người dân bảo vệ rừng, nạo vét nguồn nước, sửa chữa đường ống dẫn và kêu gọi người dân có ý thức tiết kiệm nước để sử dụng lâu dài.

Theo TNMT

comment Bình luận

largeer