Quảng Nam: Một bé trai 7 tuổi ở Điện Bàn tử vong do bệnh dại

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, em Nguyễn Hữu T (sinh năm 2017, phường Điện Thắng Trung, Điện Bàn) bị chó nghi dại cắn cách đây 28 ngày.
01/11/2024 15:06

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam lúc 23 giờ 5 phút ngày 10/10/2024 với các triệu chứng sốt kèm theo buồn nôn, nôn sau ăn nhiều lần, kèm theo sưng nề lưỡi, rối loạn hành vi trẻ cắn lưỡi một bên (T).

Bệnh nhân tiếp tục được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Sản - nhi Đà Nẵng lúc 9 giờ 30 phút ngày 11/10. Tại đây, bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, mệt, sợ ánh sáng và được chẩn đoán theo dõi bệnh dại.

T được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính lần 1 vào ngày 16/10, dương tính ngày 28/10. Sau đó bệnh nhân tử vong.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Điện Bàn cho biết: “Cháu T bị chó nghi là chó hoang vào trường cắn ở cẳng tay trái. Trước đó, sáng cùng ngày, con chó này có cắn anh Lê Tự T (sinh năm 1997) nhà gần trường và anh T đã tiêm huyết thanh, vaccine phòng dại ngay. Tình trạng chó kích thích, chạy rông ngoài đường và mất tích sau đó không tìm thấy nữa.

Sau khi chó cắn, T được cô giáo rửa vết thương bằng xà phòng và nước muối. Cô giáo gặp mẹ T báo và tư vấn đi tiêm chủng để phòng bệnh. Tuy nhiên, theo thông tin từ người nhà thì không dẫn bé đi tiêm mà đưa đi vào thầy lang tại Đà Nẵng".

quangnam1

(Ảnh minh họa: Báo Quảng Nam)

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Điện Bàn, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thị xã có 5 ổ dịch dại động vật tại 5 xã, phường. Tình trạng chó, mèo thả rông nhiều và tỷ lệ tiêm phòng dại thấp nên nguy cơ lây bệnh dại từ động vật sang người rất cao.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho hay, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%).

Người mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Bệnh dại nguy hiểm nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, để chủ động phòng chống bệnh dại, cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm; diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vaccine phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm phải rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn Iod hoặc các chất sát khuẩn khác để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Không chà xát, nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Sau đó, đưa ngay người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị và tiêm vaccine, huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Theo Báo Quảng Nam

comment Bình luận

largeer