Quảng Nam và Đà Nẵng thí điểm nền tảng trực tuyến báo cáo nạn buôn bán thịt chó, mèo

Nền tảng trực tuyến nhằm giúp báo cáo các hoạt động liên quan đến nạn buôn bán thịt chó, mèo đang được thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng.
07/11/2022 14:30

Theo biên bản ghi nhớ ký kết giữa thành phố Hội An (Quảng Nam) và tổ chức phúc lợi động vật Four Paws (trụ sở tại Vienna, Áo) cuối năm 2021 về việc loại bỏ các hoạt động buôn bán thịt chó và mèo tại thành phố, hôm 4/11, Four Paw ra mắt nền tảng trực tuyến nhằm giúp báo cáo các hoạt động liên quan đến nạn buôn bán thịt chó và mèo, thực hiện thí điểm đầu tiên tại 2 tỉnh-thành: Quảng Nam và Đà Nẵng.

Theo đó, người dân khi chứng kiến cảnh chó mèo bị bắt trộm, ngược đãi, vận chuyển hay bán để lấy thịt… có thể thực hiện các bước sau: Truy cập vào trang công cụ của Four Paws; điền các thông tin cần thiết được yêu cầu để báo cáo sự việc; có thể đính kèm ảnh hoặc video liên quan đến vụ việc đã chứng kiến; gửi báo cáo cho Four Paws.

cho-meo-11291566

(Ảnh minh họa)

Sau khi nhận được thông tin, Four Paws sẽ tổng hợp và tóm tắt báo cáo để gửi đến các cơ quan chức năng 1-2 tháng một lần, nhằm tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật tại địa phương và quốc gia. Tất cả thông tin cá nhân của người trình báo sẽ được giữ bí mật an toàn.

Trong những năm gần đây, Four Paws và các tổ chức đối tác tại Việt Nam nhận được rất nhiều thông tin từ cộng đồng về các hoạt động liên quan đến việc buôn bán thịt chó và mèo, bao gồm nạn trộm cắp vật nuôi, giam giữ, vận chuyển và buôn bán động vật vào các lò mổ… Điều cho thấy sự cần thiết của việc thiết lập một trang công cụ có thể giúp người dân báo cáo trực tuyến các hành vi, hoạt động liên quan đến nạn buôn bán thịt chó và mèo vẫn đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam.

Những thông tin nhận được từ các báo cáo sẽ được sử dụng để thiết kế các chiến lược, đo lường và đề ra hướng giải quyết đối với các tác hại của nạn buôn bán, bao gồm các rủi ro to lớn đối với sức khỏe con người (như bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm từ động vật), cũng như các rủi ro xã hội (bạo lực, trộm cắp vật nuôi), và các tác động đến tâm lý con người.

Cuộc chiến chấm dứt nạn buôn bán thịt chó mèo 

Theo Four Paws, mỗi năm, ở Việt Nam, hơn 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị giết để lấy thịt, trong đó có liên quan đến nhiều hoạt động bất hợp pháp, bao gồm trộm cắp vật nuôi, không tuân thủ các quy định kiểm soát dịch bệnh, ngược đãi động vật và giết mổ không hợp vệ sinh. 

Bác sĩ Karanvir Kukreja, Trưởng chương trình Động vật đồng hành tại Đông Nam Á của Four Paws, cho biết: “Trang công cụ báo cáo là một bước tiến lớn trong cuộc chiến của chúng tôi, giúp chúng tôi tìm hiểu những rủi ro khủng khiếp do nạn buôn bán thịt chó và mèo ở Việt Nam gây ra, đồng thời có thể hỗ trợ các cơ quan chức năng thực thi pháp luật, bảo vệ những gia đình có vật nuôi bị trộm cắp bất hợp pháp. Lý do ngày càng có nhiều tổ chức và cá nhân ở Việt Nam lên tiếng ủng hộ Four Paws vì chính họ cũng nhận thấy những nguy cơ và rủi ro của nạn buôn bán thịt chó và mèo. Chúng tôi tin rằng cùng nhau, chúng ta có thể tiến tới mục tiêu chấm dứt nạn buôn bán thịt chó và mèo trên khắp Việt Nam”.

Bà Ninh Thị Phương Thảo - Điều phối viên chương trình Chấm dứt buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam của Four Paws, cho biết thêm: “Hầu hết người Việt đều đã từng chứng kiến nạn buôn bán tàn ác này, và đa số đều muốn hành động chống lại. Kết quả các cuộc khảo sát của Four Paws cho thấy, 91% người dân ủng hộ lệnh cấm nạn buôn bán thịt chó, mèo, và hầu hết mọi người không muốn nạn buôn bán này trở thành một phần trong văn hóa của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng trang công cụ báo cáo sẽ là một bước tiến giúp tất cả chúng ta đạt được nguyện vọng về một Việt Nam không thịt chó, mèo”.

Tại thời điểm này, trang công cụ báo cáo chỉ được thử nghiệm để thu thập dữ liệu và thông tin về các hoạt động liên quan đến việc buôn bán thịt chó, mèo ở Quảng Nam và Đà Nẵng, chưa hỗ trợ việc thực thi pháp luật ngay lập tức. Trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp, người dân vui lòng liên hệ với chính quyền địa phương hoặc các nhóm cứu hộ trong khu vực.

Theo VTC

comment Bình luận

largeer