Quảng Ngãi chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký văn bản số 573/UBND-KTN chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thuỷ sản trên địa bàn tỉnh năm 2024.
05/02/2024 09:50

UBND các huyện, thị xã và thành phố tổ chức theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh động vật, nhất là tại các nơi đã có dịch, nơi có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý kịp thời khi dịch bệnh mới được phát hiện; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển động vật bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Tổ chức rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi, số lượng vật nuôi thuộc diện tiêm phòng đối với từng bệnh; khẩn trương phê duyệt, bố trí các nguồn lực, kinh phí để triển khai thực hiện đảm bảo Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1817/QĐ-UBND ngày 6/12/2023.

Tổ chức triển khai tiêm phòng định kỳ theo quy định, rà soát tiêm phòng nhắc lại, tiêm phòng bổ sung, bảo đảm tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin được tiêm đủ, đúng loại vắc xin theo quy định.

quangngai

(Ảnh: Quangngai.gov)

Tổ chức triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường” đảm bảo thời gian, tiến độ, tần suất phun thuốc và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, tổ kiểm tra liên ngành của địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép (nếu có); phối hợp, tổ chức lấy mẫu giám sát, chẩn đoán dịch bệnh động vật.

Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đối với chủ vật nuôi và cộng đồng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật bắt buộc; lợi ích, hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh thú y, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động hối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi; đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, chẩn đoán dịch bệnh động vật, chú trọng tại các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện xử lý, không để dịch bùng phát và lây lan diện rộng.

Chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn trực thuộc tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phối hợp với các địa phương, đoàn liên ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông và chính quyền địa phương tuyên truyền sâu, rộng về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Minh Quân

comment Bình luận

largeer