Quảng Ninh: Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí can thiệp cấp cứu thành công bệnh nhân vỡ tĩnh mạch phình vị dạ dày trên nền xơ gan

Người bệnh ở nhà bất ngờ nôn ra máu đỏ máu cục, đại tiện phân đen, nhập viện trong tình trạng nguy kịch đã được các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí can thiệp cấp cứu thành công. Được biết người bệnh có tiền sử xơ gan.
03/10/2023 09:00

Người bệnh P.V.T. 58 tuổi (Đông Triều, Uông Bí, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng da xanh niêm mạc nhợt. Sau khi tiến hành thăm khám và dựa trên các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh có xuất huyết tiêu hoá do giãn, vỡ tĩnh mạch phình vị dạ dày trên nền xơ gan. Tình trạng người bệnh vô cùng nguy kịch, nếu không xử trí kịp thời người bệnh sẽ rơi vào tình trạng sốc mất máu, rối loạn toan kiềm, nguy cơ tử vong rất cao.

web_IMG_2287

Các bác sĩ tiến hành xử trí cho người bệnh 

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định nội soi thực quản dạ dày tá tràng để chẩn đoán và can thiệp cho người bệnh. Quá trình nội soi các bác sĩ nhận thấy người bệnh có búi giãn tĩnh mạch dạ dày có điểm chảy máu rõ. Bằng kỹ năng và kinh nghiệm, các bác sĩ tiến hành thắt búi giãn tĩnh mạch phình vị bằng vòng cao su cho người bệnh. Sau can thiệp tình trạng chảy máu đã được kiểm soát, người bệnh được điều trị tích cực và dự kiến ra viện trong 1-2 ngày tới.

Theo các bác sĩ Bệnh viện cho biết: Tình trạng vỡ búi giãn tĩnh mạch thực quản hoặc tĩnh mạch dạ dày (hay gặp tĩnh mạch phình vị - phần trên của dạ dày) là biến chứng hay gặp ở người bệnh xơ gan. Tỉ lệ tử vong do biến chứng vỡ búi giãn tĩnh mạch là rất cao trên nhóm người bệnh này. Việc thắt búi giãn tĩnh mạch phình vị bằng vòng cao su tuy chỉ là biện pháp giải quyết tạm thời, nhưng kĩ thuật tương đối khó khăn do vị trí búi giãn không thuận lợi, thông thường chỉ áp dụng kĩ thuật này cho búi giãn ở tĩnh mạch thực quản.

Kĩ thuật thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản hoặc phình vị bằng vòng cao su là kĩ thuật được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Đây là kĩ thuật cao, đòi hỏi có sự trang bị đầy đủ về trang thiết bị và được thực hiện bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao. Đây cũng là phương pháp thường sử dụng để cấp cứu những trường hợp người bệnh có biến chứng chảy máu do vỡ búi giãn tĩnh mạch. Trong thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục triển khai các kĩ thuật cao hơn như: tiêm histoacry – là một chất gây đông keo, vào búi giãn tĩnh mạch phình vị, bổ sung thêm một kĩ thuật cầm máu cho nhóm người bệnh này.

Theo Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí 

comment Bình luận

largeer