Quảng Ninh chủ động ứng phó với bão số 3

UBND tỉnh Quảng Ninh có công điện số 03/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó bão số 3.
25/08/2022 10:42

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong ngày 23/8, bão Ma-on đã di chuyển vào biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2022.

Hồi 7 giờ ngày 24/8/2022, vị trí tâm bão số 03 ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 111,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 530km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10,11 (89-117km/giờ), giật cấp 14.

Dự kiến trong thời gian tiếp theo bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Quảng Ninh nhất là khu vực biển từ Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái và mưa lũ vùng biên giới phía Bắc. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không chủ quan và triển khai một số nhiệm vụ sau: Thực hiện nghiêm Công điện số 26/CĐ-QG ngày 23/8/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về chủ động ứng phó bão, Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 11/8/2021, Công văn số 840-CV/TU ngày 13/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để khẩn trương, chủ động ứng phó bão số 3 và ảnh hưởng do bão.

Cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau: 

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tổng hợp, báo cáo thường xuyên tình hình ảnh hưởng của bão về Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, UBND tỉnh; chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với UBND các địa phương ven biển nắm lại số tàu thuyền (đặc biệt là tàu xa bờ); thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động các biện pháp phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, thực hiện điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa.

- UBND các địa phương: Thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão để chủ động phòng tránh. Rà soát lại hệ thống đê điều trên địa bàn, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở, lưu ý với các nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng để sẵn sàng phương án di chuyển dân về nơi an toàn khi cần với phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống.

Tổ chức trực canh 24/24 giờ tại các ngầm tràn, đường giao thông, tuyên truyền nhân dân không ra suối đánh cá, vớt củi, bơi lội... khi có lũ. Phối hợp với các Công ty TNHH MTV Thủy lợi trong việc điều tiết, vận hành an toàn công trình thủy lợi khi mưa lớn kéo dài.

Các địa phương ven biển (đặc biệt là Móng Cải, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà...), tổ chức kêu gọi tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm, thông báo đến nhân dân sẵn sàng phương án để ứng phó với ảnh hưởng của bão, đặc biệt là với gió mạnh trên biển.

Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện cấm biển khi có lệnh. Các địa phương vùng núi Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả sẵn sàng phương án để ứng phó với mưa lớn sau bão, cảnh báo nguy cơ sạt lở do ảnh hưởng của mưa lũ.

Các địa phương Cẩm Phả, Hạ Long rà soát xử lý để không xảy ra các điểm ngập lụt tại các khu dân cư khi có mưa kéo dài. Thông báo cho các khu vui chơi, các công trình đang xây dựng trên địa bàn biết thông tin bão để có các giải pháp ứng phó thích hợp. Riêng huyện Cô Tô nắm chắc số lượng khách du lịch trên đảo, dự kiến sẽ du lịch trên đảo trong thời gian bão để chủ động quản lý, thông báo điều chỉnh cho phù hợp, an toàn trước 12h ngày 25/8/2022.

- Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với Sở Du lịch thông báo cho khách du lịch về bão và rà soát số lượng khách du lịch tham quan biển đảo, đảm bảo an toàn cho du khách khi có yêu cầu. Chỉ đạo Cảng vụ nội địa rà soát, nắm bắt số lượng tàu du lịch, tổ chức hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu khi có tình huống. Kiểm tra và xử lý các điểm có nguy cơ sạt lở trên các tuyến giao thông, phương án đảm bảo an toàn tại ngầm tràn, đường cao tốc, cầu Bãi Cháy, Bạch Đằng... với gió mạnh và mưa hoàn lưu sau bão. Theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của bão, tổ chức cấm biển khi có lệnh. 

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin, sẵn sàng bắn pháo hiệu kêu gọi các tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh , Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, đảm bảo triển khai khi có yêu cầu. Công an tỉnh rà soát các phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự do ảnh hưởng của bão. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo Đội thường trực cứu hộ cứu nạn trên Vịnh Hạ Long đảm bảo quân số, trang thiết bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. 

- Sở Du lịch nắm số lượng khách du lịch, đặc biệt là tại các khu du lịch biển, đảo; thông tin đến các doanh nghiệp du lịch về tình hình bão để các doanh nghiệp chủ động phương án đón khách.

- Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, các Đài Thông tin duyên hải: Theo dõi diễn biến của bão, hướng dẫn tàu thuyền không đi vào vùng nguy hiểm và neo đậu an toàn khi bão ảnh hưởng. 

- Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức thường trực và thường xuyên liên tục cập nhật thông tin diễn biến của bão để truyền tải kịp thời đến người dân biết, chủ động phòng tránh. 

- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc: Triển khai các phương án phòng chống thiên tại đối với các khu vực khai thác hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở khi có tình huống thiên tai (đặc biệt là mưa lớn) trên địa bàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tiến hành thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. 

- Các Công ty TNHH MTV Thủy lợi tổ chức trực ban, theo dõi tình hình thời tiết, chủ động điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa trong trường hợp có mưa lớn kéo dài.

Theo Báo Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer