Quảng Ninh điều trị nhiễm trùng vết thương, hoại tử cân cơ cho một bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát

Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) vừa tiến hành điều trị nhiễm trùng vết thương, hoại tử cân cơ cho một bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát.
18/10/2024 15:29

Bệnh nhân N.N.S. (67 tuổi, trú tại phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng mặt trước ngoài 1/3 giữa dưới cẳng chân phải dập nát cơ, nham nhở, nhiễm bẩn kèm theo mất da. Ngoài ra, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường và tự mua thuốc điều trị, đường máu của bệnh nhân lúc nhập viện rất cao.

Sau 2 ngày thay băng và kiểm soát đường máu, nhận thấy tình trạng bệnh nhân nghiêm trọng, vết thương nề, chảy nhiều dịch mủ, bên trong hoại tử cơ, gân trắng đục, mất độ sáng kèm tăng tiết dịch nhiều, dấu hiệu lan tỏa ra khắp vùng cân cẳng chân và cách vách gian cơ, vết thương tiến triển nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tàn phế. Ngay lập tức, các bác sĩ đã giải thích tình trạng với gia đình thống nhất đưa ra kế hoạch điều trị kéo dài nhiều đợt đối với bệnh nhân.

ba

Vết thương nghiêm trọng của bệnh nhân

Đầu tiên, dự phòng chống nhiễm khuẩn kiểm soát bệnh lý nền, bệnh nhân được bác sĩ phối hợp tiêm 2 kháng sinh với liều cao phổ rộng phủ kín 24/24h. Kiểm soát đường máu bằng cả đường tiêm và đường uống. Bác sĩ hướng dẫn chế độ ăn uống hợp lý cho bệnh nhân đái tháo đường đảm bảo trong suốt thời gian điều trị, đường máu của bệnh nhân ở mức bình thường, đảm bảo cho công tác điều trị tại chỗ và sinh lý liền thương.

Đợt 1, các bác sĩ Khoa Ngoại tiến hành cắt lọc, loại bỏ hoại tử và tế bào chết bằng phương pháp cơ học kèm theo sử dụng các loại gạc tiên tiến TLC (Technology Lipido colloid).

Đợt 2, kiểm soát dịch tiết, giảm nề, tái lưu thông mạch máu, kích thích biểu mô hóa vết thương. Sau 3 ngày vết thương đã được cắt lọc sạch hoại tử cân, cơ và tế bào chết, người bệnh được chỉ định sử dụng liệu pháp hút áp lực âm VAC và liệu pháp oxy tại chỗ.

Đợt 3, bệnh nhân được chăm sóc biểu mô hóa - chuẩn bị nền ghép. Sau 5 ngày, biểu mổ hạt nên tốt, bệnh nhân được băng phủ chăm sóc vết thương bằng gạc tẩm thuốc để thúc đẩy quá trình biểu mô hóa.

Đợt 4, bệnh nhân được ghép da che phủ vết thương. Sau 3 ngày chăm sóc, bệnh nhân được lên kế hoạch can thiệp che phủ vết thương bằng phương pháp phẫu thuật ghép da mỏng tự thân, phần da ghép được lấy từ mặt ngoài đùi của người bệnh.

Sau 6 ngày được che phủ bằng phương pháp ghép da, vết thương của bệnh nhân liền tốt, phần lấy da khô, bệnh nhân được hướng dẫn tập vận động và có kế hoạch được ra viện. Trước khi ra viện, bệnh nhân được tư vấn sức khỏe, hẹn khám để kiểm soát đường máu định kỳ.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hoàn, Khoa Ngoại cho biết: Với người bị tiểu đường, nếu không chăm sóc vết thương đúng cách thì có thể dễ dẫn tới việc cắt bỏ cụt chi. Sở dĩ tình trạng này hay xảy ra là do các vết thương của người bệnh không được chăm sóc đúng cách. Ở người bệnh tiểu đường, hệ miễn dịch của họ sẽ dễ suy giảm, sức đề kháng cũng kém hơn so với người không mắc bệnh, từ đó chức năng của các tế bào miễn dịch bị suy giảm làm cho khả năng tiêu diệt vi khuẩn trở nên rất yếu. Đây cũng là yếu tố cơ hội để các vi khuẩn có mặt tại vết thương sinh sôi.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer