Quảng Ninh: Một người đàn ông bị chó nhà hàng xóm tấn công gây ra hàng trăm vết cắn sâu trên 2 cánh tay

Sáng ngày 25/7, Phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bị chó cắn với thương tích nặng nề đến tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Bệnh nhân là anh Đoàn X.L. (28 tuổi) ở Thành phố Móng Cái.
26/07/2023 11:26
FB_IMG_1690344281209

Hai bàn tay của bệnh nhân sau khi được sơ cứu

Theo lời kể, tối ngày 23/7, anh L. bị chó nhà hàng xóm, thuộc giống chó becgie, nặng trên 50kg tấn công gây ra hàng trăm vết xước, vết cắn sâu, vết thương hở từ 1-3 cm trên 2 cánh tay và lòng bàn tay của anh L. 

Mặc dù con chó tấn công anh L. được chủ nhà xác nhận đã tiêm vaccine phòng dại định kỳ, nhưng do những vết cắn quá nặng, anh L. được bác sĩ Phòng tiêm chủng dịch vụ (CDC Quảng Ninh) tư vấn nên tiêm cả vaccine và huyết thanh kháng dại vì huyết thanh có tác dụng kéo dài thời gian ủ bệnh để cơ thể có đủ thời gian sản sinh ra kháng thể chủ động do tiêm vaccine. 

Theo ghi nhận, chỉ trong buổi sáng ngày 25/7, tại Phòng tiêm chủng dịch vụ của CDC Quảng Ninh – 1 trong 3 điểm tiêm có cả vaccine và huyết thanh kháng dại trên địa bàn tỉnh, ngoài anh Đ.X.L., còn có 5 trường hợp khác đến tiêm phòng dại, bao gồm cả trẻ em dưới 20 tháng tuổi và người trưởng thành.

Anh Lê V.Đ. (ở Thống Nhất, Hoành Bồ, Hạ Long) chỉ bị chó hàng xóm cắn 1 vết nhỏ ở tay gây chảy máu, nhưng con chó này lại hoàn toàn chưa được tiêm phòng dại. Anh Đ. cho biết, bản thân anh biết về sự nguy hiểm của bệnh dại qua đọc báo, truyền hình nên sau khi bị chó cắn, anh ngay lập tức xử trí bằng biện pháp rửa tay bằng xà phòng, nước muối sinh lý rồi đến trạm xá sơ cứu. Anh cũng khá lo lắng khi ở nơi anh sinh sống nhiều nhà nuôi chó, nhưng hầu như không ai đưa chó đi tiêm phòng dại, nguy cơ bị mắc bệnh rất cao. 

Bên cạnh những trường hợp rất chủ động tiêm phòng dại, vẫn còn một số người dè dặt khi đi tiêm hoặc đưa người nhà đến tiêm. Như trường hợp bé 19 tháng tuổi, bị chó cảnh nhà hàng xóm cào xước vào cánh tay được bà nội đưa đến Phòng tiêm chủng để tư vấn. Vết cào rất nhỏ, nông nên bà nội của bé chưa muốn tiêm vaccine, vì lo ngại những tác dụng phụ. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Bùi Thanh Nam - khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh, vết răng/vết móng cào của chó đã chạm vào da gây xước dù nông vẫn nên tiêm vaccine phòng dại nhưng chưa cần tiêm huyết thanh. 

Cũng theo bác sĩ Nam, trên thực tế vẫn còn rất nhiều người có tâm lý chủ quan khi bị chó cắn/cào gây vết thương nhẹ và ngần ngại đến cơ sở tiêm chủng để tiêm vaccine. Điều này thực sự nguy hiểm, vì virus dại có thể xâm nhập qua da dù chỉ từ 1 vết xước rất nhỏ. Theo thống kê, bệnh dại lây từ chó sang người chiếm đến 95%. Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp lây nhiễm bệnh dại đều từ chó nhà chứ không phải chó hoang. Trong khi đó, tại nước ta, tỉ lệ chó, mèo được tiêm phòng trung bình rất thấp, chỉ đạt khoảng 40%, vì vậy nguy cơ mắc bệnh dại do chó cắn là rất cao.

Chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, Phòng tiêm chủng dịch vụ của CDC Quảng Ninh đã tiếp nhận 115 trường hợp đến tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Theo số liệu thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong vòng 6 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 41 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Tại Quảng Ninh ghi nhận 1 trường hợp tử vong do dại tại huyện Hải Hà. Theo báo cáo của Chi cục Thú y, tỉnh ta ghi nhận đến 5 ổ dịch dại trên chó tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ và số ca mắc dại của Quảng Ninh đã tăng so với cùng kỳ 2022. Do vậy tình hình dịch dại ở Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng rất đáng lo ngại, đặc biệt trong những tháng hè, thời điểm virus dại dễ lây lan.

Chó cắn trước hết gây ra những tổn thương về thể chất, tinh thần lâu dài cho nạn nhân, đặc biệt nguy hiểm khi bị tấn công vào vùng đầu, mặt, cổ, vết thương sâu, vết thương ở đầu ngón tay, bộ phận sinh dục. Dù là chó đã được tiêm phòng dại hay chưa, thì những trường hợp bị chó cắn chảy máu nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm như: nhiễm trùng, tổn thương thần kinh cơ, bệnh dại,… và nghiêm trọng nhất là tử vong. 

Cách phòng ngừa và điều trị bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm đúng thời điểm và tuân thủ chặt chẽ phác đồ tiêm vắc-xin phòng dại của bác sĩ, đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngoài ra, cũng cần vệ sinh vết thương đúng cách sau khi phơi nhiễm để đảm bảo an toàn tối đa.

Theo CDC Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer