Quảng Ninh quản lý chặt chẽ hoạt động hành y tư nhân

Trong những năm qua, hệ thống y tế ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh liên tục phát triển cả về số lượng lẫn quy mô, loại hình. Điều này hoàn toàn phù hợp trong xu thế phát triển và nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân.
27/07/2022 16:39

Tuy nhiên, hoạt động y tế ngoài công lập (y tế tư nhân) cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.

hung 123

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 564 cơ sở y tế tư nhân, gồm 2 bệnh viện, 562 phòng khám và cơ sở dịch vụ y tế, 23 phòng chẩn đoán hình ảnh, 20 phòng xét nghiệm, 2 phòng tư vấn sức khỏe, 72 phòng chẩn trị y học cổ truyền và 51 cơ sở dịch vụ y tế.

Sự ra đời và hoạt động của hệ thống y tế tư nhân góp phần quan trọng trong việc đa dạng hóa các loại hình y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp cho xã hội.

Ông có thể nói rõ hơn về vai trò của y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh?

Tại tỉnh Quảng Ninh, các bệnh viện, phòng khám tư nhân đã được hình thành và ngày càng phát triển. Việc tham gia của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tư nhân trong lĩnh vực y tế mang lại 5 lợi ích.

Đó là sự chia sẻ với khối y tế công lập trong việc cung cấp dịch vụ, đặc biệt là việc KCB; tạo điều kiện cho người dân sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chọn lựa theo “nhu cầu” và “yêu cầu”; tạo sự cạnh tranh lành mạnh với khối cơ sở y tế công lập; huy động được nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng trong khi ngân sách Nhà nước chưa thể cung cấp đủ cho chăm sóc sức khỏe và tận dụng nguồn nhân lực cán bộ y tế sau những năm tháng phục vụ y tế công vẫn còn sức khỏe và có nhiều kinh nghiệm về nghề nghiệp.

Song song với những lợi ích mang lại, hoạt động y tế tư nhân vẫn còn nhiều bất cập, cụ thể là gì?

Sở Y tế thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện rất nhiều vi phạm trong lĩnh vực này. Cụ thể, vẫn còn tình trạng nhân viên y tế không đeo biển tên; biển hiệu cơ sở ghi không đúng so với nội dung ghi trong giấy phép hoạt động; không công khai người hành nghề, thời gian làm việc.

Đặc biệt, một số cơ sở y tế đã không bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị y tế trong quá trình hoạt động; không niêm yết giá dịch vụ và thu giá dịch vụ KCB cao hơn giá đã niêm yết; thậm chí cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động…

Chỉ tính đến thời điểm này, đơn vị đã tổ chức kiểm tra 53 cơ sở, qua đó phát hiện 5 cơ sở vi phạm với số tiền phạt 200 triệu đồng, điển hình là Phòng khám Nha khoa Nụ Cười Việt bị phạt 40 triệu đồng. Yêu cầu cơ sở ngừng ngay hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến hoạt động y tế tư nhân có nhân viên y tế chưa đủ điều kiện hành nghề. Lĩnh vực này Sở Y tế quản lý như thế nào?

Nhân viên trực thuộc các cơ sở này đều phải chấp hành, đáp ứng các quy định của pháp luật về hoạt động y tế. Theo đó, trong quá trình cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở và quản lý thông tin đăng ký hành nghề trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị chức năng nhằm xác định các thông tin liên quan đến hành nghề như: giấy phép hoạt động, văn bằng, chứng Chỉ hành nghề…

Chỉ các trường hợp bảo đảm quy định mới được Sở Y tế cấp phép. Ngoài ra, trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác hành nghề y tế tại các cơ sở nêu trên.

Khó khăn, vướng mắc nhất của ngành y tế trong công tác quản lý hoạt động y tế tư nhân là gì?

Hiện nay nhân lực chuyên trách quá mỏng trong khi việc lại nhiều. Cụ thể; Phòng Thanh tra có 3 cán bộ. Ngoài công việc chuyên môn của phòng, một số cán bộ còn tham gia nhiều vào công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, khối lượng công việc lớn và nhân lực mỏng nên việc quản lý các cơ sở dịch vụ y tế và công tác hậu kiểm, thanh tra còn yếu.

anh kham 345

Công tác quản lý hoạt động y tế tư nhân cần được siết chặt. Nhân viên y tế Phòng khám Đa Khoa Quốc Tế Quảng Ninh khám, điều trị cho bệnh nhân

Bên cạnh đó, thủ trưởng của nhiều đơn vị KCB chưa nắm được tình hình hành nghề y tế tư nhân của nhân viên do mình quản lý. Trong những năm qua, do các văn bản quy phạm pháp luật thay đổi nhanh, nhiều nghị định, thông tư mới được ban hành nên dù công tác phổ biến pháp luật được Sở Y tế triển khai liên tục vẫn còn khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc nắm vững và thi hành.

Đơn cử như Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Bộ Y tế ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế chưa theo kịp cùng với các thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật mới, một số mức xử phạt trong lĩnh vực y tế tại nghị định quá cao, khó áp dụng, một số hành vi vi phạm không có trong nghị định nên chưa có chế tài để xử lý các cơ sở vi phạm…

Vậy giải pháp đặt ra là gì, thưa ông?

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động y tế tư nhân, trong thời gian đến, Sở Y tế tiếp tục tập trung một số giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về KCB, tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo liên tục về các quy chế chuyên môn, tập huấn kỹ năng thực hành cho các cơ sở KCB tư nhân trên địa bàn quản lý; tăng cường quản lý người hành nghề thông qua việc đăng ký hành nghề, bảo đảm tất cả người hành nghề phải được cấp chứng chỉ hành nghề và hành nghề đúng phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất để kiểm tra hoạt động của các cơ sở hành nghề KCB tư nhân đồng thời xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.

Đặc biệt ngành y tế tỉnh khuyến khích nhân dân cùng giám sát, phát hiện các sai phạm của các cơ sở KCB để chúng tôi và chính quyền địa phương xử lý kịp thời. Bên cạnh đó là công tác tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chiến lược phát triển y tế tư nhân của tỉnh đồng thời tham mưu Bộ Y tế, Chính phủ trong việc sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật để công tác quản lý Nhà nước hiệu quả, có sức răn đe hơn.

Cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Trung Kiên - Giám đốc Phòng khám đa khoa Quốc tế (THEMEDCRE) Quảng Ninh: Kỹ lưỡng trong hoạt động hành nghề.

Bệnh viện hiện có 30 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 8 bác sĩ: 4 bác sĩ chuyên khoa I; 2 bác sĩ chuyên khoa II; 1 thạc sĩ; quy mô 3 giường. Trước nhu cầu khám, điều trị bệnh của Nhân dân ngày càng cao, phòng khám đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển nhân lực, cơ sở vật chất, thái độ phục vụ, vệ sinh môi trường. Trong đó, công tác chú trọng phát triển nguồn nhân lực được ban giám đốc đặc biệt quan tâm.

Ông Trương Đắc Thời - Phó Giám đốc phụ trách Giám định bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh: Tăng cường công tác giám định.

Trong quá trình kiểm tra, giám định cho thấy vẫn có tình trạng trục lợi quỹ BHYT thông qua việc chỉ định nhiều dịch vụ y tế không cần thiết để đáp ứng chỉ tiêu thu của đơn vị.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến nguồn quỹ KCB BHYT mà còn gây tốn kém cho người bệnh, bởi nhiều danh mục y tế không được BHYT chi trả hoặc chi trả không hoàn toàn. Chính vì thế, việc tăng cường công tác giám định cần phải có sự phối hợp giữa BHXH và ngành y tế, sẽ góp phần vào việc chấn chỉnh hoạt động y tế tư nhân.

Chị Đào Thị Việt Trinh (Hà Khẩu, Quảng Ninh): Chi phí vẫn còn cao.

Đến các cơ sở y tế tư nhân là lựa chọn hàng đầu của tôi trong quá trình đi khám, điều trị. Thực tế là tại các bệnh viện, phòng khám tư hiện nay, cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, chất lượng, nhân viên rất nhiệt tình. Điều này đánh trúng tâm lý của người bệnh là ngại đến các cơ sở y tế công lập sự quá tải, đông đúc.

Tuy nhiên, chi phí KCB tại các cơ sở y tế tư nhân thường cao hơn các cơ sở y tế công lập, ngay cả khi KCB bằng BHYT. Có thể điều này đáp ứng cho việc các cơ sở tư nhân phải bỏ chi phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, nhân lực nhưng cơ quan chức năng cũng nên vào cuộc, thường xuyên giám sát, kiểm tra liệu có hay không việc thu giá cao hơn mức quy định...

Nông Dũng

comment Bình luận

largeer