Quảng Ninh: Quyết liệt phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát sinh dịch tại 68 hộ/25 thôn, khu/12 xã, phường/4 huyện, thị xã, thành phố (TP. Móng Cái, TX. Quảng Yên, huyện Đầm Hà, Hải Hà).
04/06/2024 10:46

Trong đó, tại TP. Móng Cái, dịch xuất hiện ở 31 hộ thuộc 4 thôn, khu của 3 xã, phường; TX. Quảng Yên có 25 hộ ở 12 thôn (thuộc 4 xã, phường) xuất hiện dịch; Huyện Hải Hà có 11 hộ/8 thôn (thuộc 4 xã) xuất hiện dịch; Huyện Đầm Hà mới phát hiện dịch ở 1 hộ.

Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, các địa phương đã nhanh chóng tiêu huỷ lợn ốm, chết, có nguy cơ mắc bệnh theo đúng quy định với tổng số 406 con, trọng lượng 21.097,2 kg. Cụ thể: TP. Móng Cái: 175 con, trọng lượng 13.797,2 kg; TX. Quảng Yên: 133 con, trọng lượng 5.068 kg; Hải Hà: 88 con, trọng lượng 2.132 kg: Đầm Hà: 10 con lợn, trọng lượng 100 kg. Cùng với đó, các địa phương cũng hướng dẫn các hộ có lợn mắc bệnh vệ sinh chuồng nuôi và khu vực xung quanh; Thực hiện cách ly, theo dõi, chăm sóc số lợn chưa bị mắc bệnh; vệ sinh, thu gom rác thải, khử trùng tiêu độc môi trường…

quangninh

(Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Để chủ động phòng chống, khống chế dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương khẩn trương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tại các địa phương đã xuất hiện dịch (Quảng Yên, Hải Hà, Móng Cái), tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã trực tiếp chỉ đạo phòng chống dịch, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với mục tiêu quyết tâm nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch, không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn. Trong đó, phải thành lập ngay các chốt kiểm dịch động vật tạm thời; thành lập các tổ, các đội công tác của xã, thôn khu thực hiện việc giám sát chặt chẽ ổ dịch; chuẩn bị địa điểm chôn hủy, nhân lực, vật lực thực hiện tiêu hủy lợn bệnh; thông tin tuyên truyền liên tục trên hệ thống loa đài truyền thanh, nhóm zalo về bệnh dịch tả lợn châu Phi, cấp phát tờ rơi đến người dân...

Các địa phương chưa có dịch bệnh xảy ra cần tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; Tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn cụ thể theo số hộ, số trại chăn nuôi của từng địa phương để có số liệu ước tính kinh phí ứng phó, xử lý và kiểm soát kịp thời khi dịch bệnh xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất và các điều kiện khác phục vụ công tác chống dịch tả lợn châu Phi khi dịch xảy ra trên địa bàn.

Đặc biệt, các địa phương phải quản lý chặt chẽ hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, sơ chế, chế biến lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn; Yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết nghiêm túc thực hiện “5 không” (Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn bệnh, lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt).

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện dịch đang có nguy cơ lây lan rộng. Chính vì thế, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt nguyên tắc “5 không”. Đồng thời, thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn, khép kín từ khâu chọn giống đến bảo quản thức ăn.

Theo Báo Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer